Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT): Lãi 9 tháng đầu năm tăng 70%

Mặc dù tổng cầu dệt may thế giới cả năm nay ước tính giảm tới 5% so với năm 2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT) vẫn ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng 70%.

Ông Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm 2024 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) cho biết, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 13.036 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng tới 70%, đạt 490 tỷ đồng. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023.

Như vậy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hoàn thành 72,8% kế hoạch doanh thu và 89,1% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế toàn cầu có xu hướng tiếp tục phục hồi, các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu khởi sắc hơn mặc dù tốc độ vẫn còn chậm. Ước tính tổng cầu dệt may của thế giới năm 2024 vẫn giảm khoảng 3-5% so với năm 2023.

Tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh bắt đầu phục hồi. Đối Trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu được 28,6 tỷ USD giá trị sản phẩm dệt may, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với ngành may, đơn hàng trở nên dồi dào hơn nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar sang Việt Nam, giúp việc bố trí sản xuất thuận lợi hơn so với năm 2023.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGT của Dệt may Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGT của Dệt may Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong khi đó, mặc dù đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể nhưng ngành sợi vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi giá bông nguyên liệu bị tác động nhiều bởi yếu tố đầu cơ và logistic nên tăng giảm đột ngột, rất khó đoán định và thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, Hàn Quốc - giá bán giảm liên tục chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nhìn chung, trong 9 tháng qua, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với năm 2023 đó là, sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Hiện khó khăn lớn nhất, phổ biến nhất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là sự thiếu hụt lao động, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh, tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã và đang tạo thuận lợi ngắn hạn cho ngành dệt may Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành được ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vốn vẫn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tap-doan-det-may-viet-nam--vgt-lai-9-thang-dau-nam-tang-70-127557.htm