Tây Ninh - Khát vọng vươn tầm Bài 3: Giao thông 'đi trước mở đường', tăng cường lợi thế
Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị là một trong những nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thực hiện nhiệm vụ này, Tây Ninh đã và đang dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch, kết nối liên thông đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, quốc gia… để khắc phục điểm nghẽn, tạo lợi thế mới trong thu hút đầu tư.
Giao thông "đi trước mở đường"
Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; đồng thời tập trung huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, Trung ương và các nguồn lực xã hội khác để phát triển giao thông. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn của ngân sách tỉnh dành cho thi công trung hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, và tỉnh dành riêng cho giao thông là 6.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh đã đề ra phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, trong đó: Định hướng phát triển các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, đường thủy: thực hiện theo các quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát; thực hiện quy hoạch 1 cảng hàng không tiềm năng tại huyện Dương Minh Châu.
Về phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng đối với đường bộ, thực hiện tăng cường kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành trục giao thông hàng hóa kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, các khu đô thị được quy hoạch, tách biệt với giao thông đô thị…
Thành phố Tây Ninh là đô thị trung tâm của tỉnh, đang có những bước phát triển nhanh chóng theo định hướng đô thị hiện đại, văn minh, phấn đấu đến năm 2025 được nâng lên đô thị loại II. Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài việc kêu gọi các nhà đầu tư, tập trung các nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị và chỉnh trang bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thành phố Tây Ninh còn triển khai nhiều dự án về hạ tầng giao thông.
Trong đó có những dự án hạ tầng giao thông khi triển khai hứa hẹn tạo đột phá cho bộ mặt đô thị thành phố Tây Ninh gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời, Dự án nâng cấp, chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám và Dự án đường Trường Chinh nối dài.
Những tuyến đường mang tính kết vùng đã được tỉnh đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng trong thời gian qua (ảnh: Đường Đất Sét – Bến Củi).
Thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của tỉnh, có vị trí địa lý nằm giáp ranh các tỉnh, thành phố phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và có các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua như: quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14C.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 2 dự án giao thông đang thi công là đường Hồ Chí Minh và đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đồng thời dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cũng đang thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai xây dựng vào năm 2025.
Ông Trần Minh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, thị xã Trảng Bàng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác giải phóng mặt bằng, để các dự án trọng điểm này sớm được triển khai thi công, đưa vào sử dụng.
Khi 3 dự án giao thông quan trọng này hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, kết hợp với đường Xuyên Á sẽ tạo được trục xương sống về hạ tầng giao thông, tạo sự lan tỏa phát triển cho thị xã Trảng Bàng nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm: “Năm 2024 tỉnh sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các thủ tục pháp lý và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để đầu năm 2025 triển khai thi công hai tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Mộc Bài - Tây Ninh, nỗ lực hoàn thành hai tuyến đường cao tốc này vào cuối năm 2027.
Khi hai tuyến cao tốc hoàn thành, Tây Ninh sẽ thu hút được đầu tư và phát triển kinh tế mạnh hơn. Bên cạnh đó, tỉnh đang làm dự án tiền khả thi về quy hoạch sân bay tại Tây Ninh để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh sẽ nỗ lực mời gọi nhà đầu tư xây dựng sân bay trong vòng một năm rưỡi; phấn đấu đến năm 2027 hoàn thành...”.
Đánh thức “những nàng công chúa”
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm đồng hành với các nhà đầu tư, nỗ lực nâng cấp về hạ tầng giao thông, những năm qua lànsóng thu hút đầu tư tại Tây Ninh đã có bước tăng trưởng tích cực ngày càng “thay da đổi thịt”, mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Từ năm 2015, Vingroup đã bắt đầu xúc tiến đầu tư vào Tây Ninh với tổ hợp thương mại khách sạn có tổng vốn 1.000 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2018, Vingroup triển khai đưa vào sử dụng tổ hợp công trình khách sạn lưu trú 5 sao với diện tích 2,1 ha đầu tiên tại Tây Ninh, giúp tỉnh khắc phục nhược điểm thiếu các cơ sở lưu trú đẳng cấp, tiện nghi, đủ để níu chân khách du lịch.
Ngay sau đó, Tập đoàn Sungroup cũng đầu tư vào Tây Ninh với dự án quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng, đây thật sự là dự án dẫn dắt ngành du lịch của tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2023, Tây Ninh đón hơn 5,1 triệu lượt khách với tổng doanh thu ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, Tây Ninh đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt gần 2.400 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng của ngành du lịch Tây Ninh.
Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đầu tư các dự án với nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường… Tây Ninh đã kêu gọi được những dự án hàng ngàn tỷ đồng trong lĩnh vực chăn nuôi, như vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh của trang trại Vinamilk; chuỗi chăn nuôi heo công ty Cổ phần BaF Việt Nam…; đặc biệt là chuỗi dự án của tập đoàn De Heus và tập đoàn Hùng Nhơn với tổng trị giá trên 2.500 tỷ đồng, áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Hà Lan, Đức và Bỉ.
Đây được coi là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh theo xu hướng phát triển của nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị; mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới; đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiến lược phát triển nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có thể khẳng định, sự đồng hành của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong quy hoạch tỉnh chính là yếu tố quan trọng, góp phần đưa Tây Ninh phát triển đúng tầm, đúng tư duy, tạo động lực mới, truyền cảm hứng cho sự phát triển trong tương lai.
Vũ Nguyệt
(Còn tiếp)