Thác Hiêu và hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Thác Hiêu thuộc Bản Hiêu, xã Cổ Lũng, một xã vùng cao của huyện Bá Thước, nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Phù Luông, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình.

Thác Hiêu với vẻ đẹp độc đáo, là điểm du lịch thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới khám phá.

Những năm gần đây, do sức phát triển của du lịch miền Tây Thanh Hóa và do sự giao lưu, gắn kết du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình, thác Hiêu được nhiều người biết đến như một địa chỉ du lịch hấp dẫn và mới lạ. Đây là điểm đến yêu thích vì cung đường thuận lợi, cảnh trí ngoạn mục nguyên vẻ hoang sơ, vẹn nguyên một trữ lượng văn hóa tiềm ẩn.

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái lẩn khuất trong màu xanh cây lá, tạo sự hứng thú ngay trên quãng đường tìm về thác Hiêu. (Ảnh: Lê Đồng)

Miền núi Thanh Hóa có vẻ đẹp riêng, thường đã là điểm yêu thích của những ai yêu thiên nhiên, trọng vẻ đẹp nguyên thủy hoang sơ mà kỳ bí. Đất Bá Thước lại có sức hấp dẫn độc đáo, chỉ riêng 3 con thác: Thác Muốn, Thác Hiêu, Thác Dần Long đã níu sự đam mê của du khách. Nhưng ấn tượng nhất là cung đường quanh co uốn lượn, hợp cho tay phượt dẻo lái. Cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến Bản Hiêu là cung đường đẹp như trong phim. Đến Phù Luông vào mùa lúa chín, những tay săn ảnh sẽ gặt hái những bức ảnh đẹp bởi hai bên là những cánh ruộng bậc thang nằm chênh vênh hai bên bờ suối, thấp thoáng những mái nhà sàn, ẩn hiện những cọn nước với những cư dân Thái, Mường giản dị trong những bộ trang phục thường ngày.

(Ảnh: Lê Đồng)

Thác Hiêu đẹp từ tên gọi đến hình thể, vóc dáng, cảnh quan, âm thanh và những huyền tích, những dã sử nó mang trên mình. Huyền sử còn tồn lưu trong trí nhớ của những mế già cho hay rằng: Ngày xửa ngày xưa, có chàng trai bản Leo họ Kha Lắc đến Bản Đốc tìm vợ. Nhà chàng đã nghèo, nhà vợ còn nghèo hơn. Vượt đường xa dặm dài chàng mải miết đi, khi mệt mới dừng lại. Nơi chàng dừng chân là nơi con suối có con cá tung tăng bơi lội, có con ốc nhẩn nha kiếm mồi. Đất đai bằng phẳng cỏ cây xanh tốt. Chàng trồng cây ớt thấy ớt cay, trồng cây cải thấy cải ngọt. Chàng cho rằng đất này thuận nghiệp, phát nghề. Chàng thuyết phục vợ cùng đi vào rừng, cùng phát nương mở rẫy, bắt con ốc về làm thức ăn, hái lá rừng làm rau, đào hái củ quả để sinh hoạt. Chàng thuyết phục cha mẹ vợ cho ở riêng và nhắm nơi có con suối để làm nhà. Ngày cha mẹ cùng dân bản đến mừng nhà mới cũng là ngày có đàn hươu về suối uống nước. Thấy lạ cũng không ai dám bắn, cha vợ cho là nhân duyên nên đặt là suối Hươu để nhớ. Dần dà dân thêm đông hình thành bản Hươu, sau này đọc chệch thành Hiêu ( gần nghĩa với âm Hiều- tên gọi Hươu của người Thái). Bây giờ bản Hiêu đã có hàng trăm nóc nhà, con hươu cũng chẳng còn về như xưa, chỉ còn dòng thác chảy suốt ngày đêm rì rầm âm vang chuyện cổ ngàn xưa ấy.

(Ảnh: Lê Đồng)

Thác Hiêu mơ màng và uyển chuyển chứ không vách cao, đá dựng như nhiều con thác phía Bắc. Thác Hiêu có chiều dài hơn trăm thước chảy uốn lượn dưới tán rừng nguyên sinh xanh mướt. Thác Hiêu hấp dẫn du khách bởi nó dẫn dắt con người, cứ hé mở dần dà sự tinh khôi, thác càng lên cao độ dốc càng lớn, thác càng đẹp, càng vào sâu càng quyến rũ mê say. Đã đi là không dừng, mỗi cung bậc mỗi lạ. Và điều thích thú nhất là người đi trong suối mát, có thể chạy nhảy tung tăng, chuyện trò huyên náo, không sợ trượt ngã vì từng tảng đá vôi đông kết nằm trơ lỳ không hề có rêu bám mà lại có độ ráp từ sự ngưng đọng kết tụ dần dà của hàm lượng đá vôi đậm đặc. Suối Hiêu đã đã làm nên huyền tích biến vô số những gốc cây cổ thụ tuổi trăm năm thành đá hình thụ kỳ dị bắt mắt, như muốn gửi gắm những câu chuyện tình, chuyện đời từ cõi khai thiên lập địa.

(Ảnh: Lê Đồng)

Hóa công giỏi bày đặt hay thiên tạo chiều lòng con người mà cứ tầm 30m lại có một vũng nước sâu rộng đủ để hàng trăm người tắm, bơi lội thỏa thích. Nước trong veo và quý là mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có khả năng dưỡng sinh lý tưởng.

Chỉ cần độ một giờ thả bộ ngược con thác mà lên thì thấy mở ra bao điều lý thú. Lý thú không chỉ vì chinh phục được đỉnh cao, kiểm tra khả năng leo núi, hiểu về sức khỏe hiện thời mà còn vì sẽ lý giải được vì sao thác đẹp cứ tầng tầng lớp lớp nối nhau. Lên cao nhận ra Thác Hiêu có 3 hang động, nước ngưng đọng rồi từ đấy mà chảy ra. Hang không rộng nhưng sâu với nhiễu nhũ đá nguyên sơ. Thác Hiêu còn chứa đựng nhiều câu chuyện văn hóa, nhiều điều sâu sắc và cũng còn nhiều tiềm ẩn chờ đợi sự tìm hiểu khai thác, phát hiện của con người.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi của tỉnh, là trách nhiệm của mọi người và của toàn xã hội. Trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và của chính quyền nhân dân địa phương nơi có tiềm năng du lịch.

Được biết, UBND huyện Bá Thước đã tổ chức lễ công bố quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch thác Hiêu, xã Cổ Lũng. Đây là bước đi đúng, tránh được sự manh mún, phát triển tự phát và sự can thiệp thô bạo, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ở nơi này. Từ quy hoạch tổng thể mới có phương án; kế hoạch để phát huy tiềm năng vốn có phục vụ du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cho huyện.

Vị trí quy hoạch Khu du lịch Thác Hiêu trong bản đồ các điểm du lịch của huyện Bá Thước.

Tuy nhiên, yếu tố cần thiết là việc khảo cứu, tìm hiểu và bước đầu truyền thông cho các di tích danh thắng phụ cận, tạo ra một vùng văn hóa sống động. Tham quan du lịch Thác Hiêu du khách còn có thể tham quan các di tích lịch sử như Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng, phố Đòn...

Nhiều du khách nước ngoài tìm đến khu vực thác Hiêu theo hình thức du lịch cộng đồng, khám phá, gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: Lê Đồng)

Đồng thời thiết lập cho được tuyến du lịch kết nối vùng trong và ngoài tỉnh, nhất là kết nối với tuyến du lịch tỉnh Hòa Bình để bổ trợ thúc đẩy nhau cùng phát triển. Bước đầu giới thiệu sản phẩm du lịch như: văn hóa Thái Mường với mùa khèn, nhảy sạp, khua luống, chơi bông, chơi hoa… và những đặc sắc ẩm thực Thái Mường của Thác Hiêu như đặc sản vịt Cổ Lũng, xôi hấp gà Kho Mường, lá sắng, măng đắng, sâu măng...

Đến với khu vực thác Hiêu theo hình thức du lịch cộng đồng, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái bản địa. (Ảnh: Lê Đồng)

Điều quan trọng khác cần sớm được thực hiện đó là nâng cấp tuyến đường 15C đi bản Kho Mường và từ Kho Mường đi Phố Đòn, cần đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông, hệ thống viễn thông, hệ thống điện đủ năng lực phục vụ nhu cầu sinh hoạt và du lịch. Đồng thời, cần có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, nhiều nhà sàn có diện tích đủ rộng phục vụ du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, chuẩn bị cho được nguồn nhân lực có trình độ, nhiệt huyết và lòng đam mê, trang bị cho họ và người dân trong vùng kiến thức, kỹ năng làm du lịch, nhất là ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.

Thác Hiêu với vẻ đẹp vốn có đang hứa hẹn và chờ đợi những người yêu văn hóa, đam mê du lịch đến và làm thức dậy miền văn hóa giàu tiềm năng này.

Hữu Ngôn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-den/thac-hieu-va-huong-phat-trien-du-lich-cong-dong-ben-vung/108106.htm