Thái Nguyên: Lo ngại công tác bảo vệ môi trường đối với nước thải tại các cụm công nghiệp

Chỉ có 4/7 khu công nghiệp (KCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong khi đó 100% các cụm công nghiệp (CCN) chưa hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động.

Mối lo ngại bên cạnh sự phát triển của công nghiệp

Việc phát triển các khu công nghiệp, một mặt đã tạo ra động lực đáng kể để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng dẫn đến gia tăng áp lực về bảo vệ môi trường.

Vào ngày 16/5, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đến khảo sát về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại tỉnh Thái Nguyên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Thái Nguyên phải xác định rõ việc phát triển khu công nghiệp, CCN, làng nghề gắn với BVMT. Đối với những vi phạm pháp luật về BVMT, tỉnh cần phải nhìn nhận rõ trách nhiệm, từ đó đề ra giải pháp xử lý kịp thời.

Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc với hơn 20 cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải ra môi trường.

Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc với hơn 20 cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải ra môi trường.

Qua báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn tỉnh có 4 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỉ lệ 57%) thì mới có 3 khu đã lắp đặt quan trắc tự động và truyền dữ liệu, 1 khu chưa lắp đặt quan trắc tự động là Khu A của KCN Nam Phổ Yên.

Với các cụm công nghiệp, hiện toàn địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới có 3/9 CCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải (đạt 33%). Đặc biệt không có CCN nào hoàn thành lắp đặt quan trắc tự động.

Trong thời gian làm việc tại Thái Nguyên, Đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã khảo sát tại một số khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đoàn ghi nhận những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác BVMT cũng như những bất cập về điều kiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ quan trắc tự động nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm, hạn chế các thiệt hại về môi trường.

Ứng dụng công nghệ quan trắc tự động nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm, hạn chế các thiệt hại về môi trường.

Quan trắc tự động là hệ thống các thiết bị (thiết bị hiển thị, ghi nhận dữ liệu và kết nối với các đầu đo kỹ thuật số; máy lấy mẫu nước thải tự động; bộ thiết bị xử lý và truyền tín hiệu...) được lắp đặt phía sau các hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải. Nhờ hệ thống này mà lưu lượng cùng với nhiều thông số chỉ tiêu quan trắc khác sẽ được đánh giá phân tích, truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ứng dụng công nghệ quan trắc tự động nhằm cảnh báo sớm ô nhiễm, hạn chế các thiệt hại về môi trường. Các hệ thống quan trắc môi trường tự động sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, chất lượng môi trường được cảnh báo kịp thời, qua đó các cấp chính quyền có những giải pháp để cảnh báo đến cộng đồng nhằm giảm thiểu những tác động ảnh hưởng do biến động của môi trường.

Các hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN, CCN sẽ kịp thời cảnh báo để các đơn vị có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 1812/UBND-CNNXD giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp thực hiện quy định hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường của khu, cụm công nghiệp theo Điều 51, Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Công văn số 2456/UBND-CNNXD đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Công văn số 2456/UBND-CNNXD đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Nội dung Công văn cũng nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, Sở Công Thương lập kế hoạch cụ thể triển khai đôn đốc thực hiện nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1812/UBND-CNNXD ngày 24/4/2023.

Các cơ quan đã được các giao nhiệm vụ, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/5/2023; Thủ trưởng các cơ quan nêu trên chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả công tác bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công theo quy định.

Đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyễn đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lắp đặt, truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động từ các khu công nghiệp (chưa hoàn thiện việc lắp đặt) về Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định hoàn thành trước ngày 30/6 2023.

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đang hoạt động hoặc đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động của cụm công nghiệp theo đúng quy định, hoàn thành việc lắp đặt trước ngày 30/6/2023; kịp thời đề xuất, tham mưu báo cáo UBND tỉnh đối với các nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thời hạn cuối cùng để hoàn thành lắp đặt quan trắc chất thải tự động (QTTĐ), liên tục là ngày 31/12/2024.

Mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra, đến năm 2025, 100% các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, tuy nhiên những vấn đề môi trường tại các cụm, khu công nghiệp đã tồn tại trong thời gian dài nên đây cũng là “bài toán khó” được đặt ra.

Nỗi khổ của người dân khi sống cạnh nhà máy xử lý chất thải Sông Công

Nỗi khổ của người dân khi sống cạnh nhà máy xử lý chất thải Sông Công

Công ty TNHH Môi trường Sông Công nhiều thời điểm thông số bụi trong khí thải không đảm bảo quy chuẩn xả thải theo quy định

Ngày 11/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1203/STNMT-BVMT thông báo kết quả theo dõi số liệu quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải lò đốt chất thải công nghiệp, nguy hại của Công ty TNHH Môi trường Sông Công truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy có nhiều thời điểm thông số bụi trong khí thải không đảm bảo quy chuẩn xả thải theo quy định.

Để đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực UBND thành phố Sông Công đã có văn bản số 899/UBND-TNMT ngày 14/4/2023 yêu cầu Công ty TNHH môi trường Sông Công tăng cường kiểm soát các nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động xử lý chất thải của nhà máy, đặc biệt là khí thải... Đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét xử phạt nghiêm việc xả thải vượt quy chuẩn định gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH môi trường Sông Công.

Nguyên Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-nguyen-lo-ngai-cong-tac-bao-ve-moi-truong-doi-voi-nuoc-thai-tai-cac-cum-cong-nghiep-77850.html