Thâm nhập 'đại bản doanh' làm linh kiện ô tô, xe máy ở Thái Nguyên

Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công là doanh nghiệp cơ khí hiếm hoi có tới 80% khách hàng nước ngoài như: Honda Việt Nam, Toshiba, Ford Việt Nam.

Khi khách hàng là các “ông lớn” FDI

Tọa lạc tại số 362, đường Cách Mạng Tháng 10, phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Nhà máy Diesel Sông Công (DISOCO) là một trong số doanh nghiệp cơ khí đầu tiên đặt nhà máy tại Sông Công.

Mấy chục năm về trước, xung quanh nhà máy vẫn là chốn hoang vu, không một bóng người. Nay, nơi đây đã trở thành “đại bản doanh” sản xuất công nghiệp cơ khí không phải chỉ của tỉnh Thái Nguyên mà là của cả nước.

Ông Vũ Xuân Thoàn bên sản phẩm càng lái cung cấp cho Piaggio, Yamaha

Ông Vũ Xuân Thoàn bên sản phẩm càng lái cung cấp cho Piaggio, Yamaha

Dẫn PV Báo Giao thông đi thăm xưởng rèn 1 - nơi cả thời trai trẻ gắn bó, ông Vũ Xuân Thoàn, Phó giám đốc DISOCO tự hào khoe: Khách hàng của DISOCO chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, Mỹ… Công ty cũng có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường 2 nước này.

Một công ty có 4 hệ thống quản lý chất lượng rất là hiếm. Công nghệ mới đương nhiên có nhiều cái mới rồi, nhưng cũng phải có nền tảng hệ thống quản lý chất lượng, quản trị tài chính, đầu tư đúng hướng. Đó là bí quyết thành công của công ty trong những năm vừa qua.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc DISOCO

Cầm một chiếc càng lái xe máy phân phối lớn của Piaggio, ông Thoàn chia sẻ: “Để ra được sản phẩm này, chúng tôi làm hầu như tất cả các khâu, từ nung, rèn, mài, kiểm tra sản phẩm…

Những sản phẩm này được làm từ năm 2008 - 2009. Lúc đầu, việc thuyết phục các khách hàng là rất khó khăn, đối tác yêu cầu cao. Nhưng bằng kinh nghiệm đã có, chúng tôi đã thuyết phục được họ. Mỗi tháng, công ty cho ra lò 100 nghìn sản phẩm, 1 năm là 1,2 triệu sản phẩm”.

Lãnh đạo nhà máy dẫn chúng tới khu nhà xưởng là niềm tự hào của DISOCO -chuyên sản xuất chi tiết trục khuỷu cho Honda. Mỗi năm nhà máy sản xuất tới 5,5 triệu sản phẩm, tương đương lắp ráp cho trên 2,7 triệu xe máy Honda. Đây là “tấm vé thông hành” giúp DISOCO có nhiều khách hàng là doanh nghiệp FDI tìm đến.

“Mỗi ngày có 4 chuyến xe của Honda đến lấy hàng”, ông Thoàn kể khi dẫn khách tới kho hàng.

DISOCO là nhà máy duy nhất của Việt Nam sản xuất chi tiết này cho Honda từ năm 2006. Đây cũng là thời điểm DISOCO hợp tác chuyển giao công nghệ với Tập đoàn Gohsyu Nhật Bản rèn trục khuỷu.

Nhớ lại quãng thời gian này, ông Ngô Văn Tuyển, nguyên lãnh đạo DISOCO giai đoạn đó kể: “Chúng tôi mua công nghệ của Nhật Bản. Nhưng đó không phải là điều duy nhất quyết định thành công của một dây chuyền sản xuất. Ngoài thiết bị, công nghệ thì cần phải có con người. DISOCO là doanh nghiệp chuyên về rèn, nên chúng tôi trình bày năng lực của nhà máy, bày tỏ mong muốn làm nhà cung cấp của Honda, đáp ứng các yêu cầu của họ.

Sau 6 - 7 tháng, chúng tôi đã hoàn thành dây chuyền sản xuất và có sản phẩm. Hồi đầu chúng tôi chỉ sản xuất trục khuỷu cho khoảng 1 triệu xe, thì nay đã là 2,5 - 2,7 triệu xe”.

Cầm trục khuỷu trên tay, ông Vũ Xuân Thoàn khoe: “Chúng tôi còn xuất sang Indonesia. Nếu nhà máy rèn ở Indonesia có vấn đề thì Honda Việt Nam lại nhờ DISOCO cấp phôi cho bên đó.

Với sản phẩm này, khó có doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh với DISOCO. Chúng tôi vào được từ đầu, có uy tín với khách hàng nên khá an tâm về sản phẩm này”.

Thu nghìn tỷ mỗi năm

Dây chuyền đúc tự động được đầu tư với giá 13 triệu USD

Dây chuyền đúc tự động được đầu tư với giá 13 triệu USD

Sau khi thăm một loạt xưởng rèn, đúc, gia công, lãnh đạo DISOCO dẫn chúng tôi tới một nhà xưởng được đầu tư từ hơn 2 năm trước.

Đó là dây chuyền đúc tự động trị giá 13 triệu USD, sử dụng máy của Nhật Bản. Nhà xưởng này hoạt động từ tháng 1/2020 với công suất 10.000 tấn/năm; Tốc độ rót 30 giây/khuôn. Dây chuyền đúc gồm 1 cặp lò 1 tấn/1 lần nấu và 1 cặp lò 1,5 tấn/lần nấu.

“Ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay dây chuyền này. Chúng tôi đúc thân động cơ cho Toshiba, thân máy khâu, ống xả ô tô, xe máy…”, ông Thoàn nói.

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công giải thích cặn kẽ: “DISOCO cũng đang đầu tư tiếp.

Dây chuyền mới giúp giảm chi phí rất nhiều, về nhân công, chất lượng, trọng lượng. Khách hàng rất quan tâm đến trọng lượng, nếu nặng hơn người ta không trả tiền thêm, còn nhẹ hơn thì cũng bị loại vì buộc phải chính xác theo tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Với doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế khoảng 70 tỷ đồng, lãnh đạo DISOCO thừa nhận thực tế thị trường cơ khí Việt Nam có sự cạnh tranh rất khốc liệt, ngay cả ở thị trường trong nước vì nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang đầu tư ở Việt Nam.

Trong khi đó, hầu hết vật tư như thép chế tạo đều là nhập khẩu từ nước ngoài. Lợi nhuận với sản xuất cơ khí không được nhiều, cho nên người có tiền đầu tư vào cơ khí cũng phải đắn đo, tính toán rất kỹ.

Nền tảng con người

Sản phẩm trục khuỷu xe Honda

Sản phẩm trục khuỷu xe Honda

Những doanh nghiệp như DISOCO đã có truyền thống từ lâu đời, không thuần túy gia công mà làm từ phôi rèn, phôi đúc, có sự kế thừa, nhận được tín nhiệm của khách hàng.

Còn nếu là doanh nghiệp mới, nền tảng chưa có thì rất khó để chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, ông Minh chia sẻ.

“Nhiều công ty gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động, nhưng DISOCO lại có đội ngũ lao động gắn bó với thu nhập trung bình hơn 16 triệu đồng/tháng” - Giám đốc Minh tự hào, chỉ ra bãi để xe đang đỗ gần 200 ô tô, cười nói: “Nhiều khách hàng đến hỏi xe của ai, tôi nói thật đó toàn là xe của người lao động”.

Là người gắn bó với DISOCO từ những ngày đầu làm cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, ông Ngô Văn Tuyển tâm sự: DISOCO là điển hình của sản xuất cơ khí của Việt Nam, từ tạo phôi đúc, phôi rèn. Phôi đúc đã được đầu tư dây chuyền hiện đại, tự động. Ở Việt Nam không có nhiều dây chuyền như vậy. Sản phẩm làm ra vừa bán trong nước vừa xuất khẩu.

“Phải có nền tảng kỹ thuật, con người mới làm được phôi đúc, phôi rèn, không phải mua máy móc về là làm được ngay. Khi duy trì được sản xuất từ mấy chục năm thì cũng duy trì được đội ngũ. Có một số nhà máy khi di dời là dừng sản xuất vì mất nhân lực. Còn với chúng tôi, đời bố mẹ làm việc cho DISOCO, đến đời con cái họ cũng làm việc ở đây, tức là có thế hệ kế thừa”, ông Tuyển tự hào.

Nhắc đến những khoản đầu tư cho công nghệ đang được DISOCO áp dụng, ông Ngô Văn Tuyển giãi bày, trước công ty có gần 2.000 người thì nay còn 900.

Đó là nhờ tự động hóa nhiều hơn. Tự động hóa còn cải tạo môi trường, điều kiện làm việc, an toàn cho người lao động.

“Khi khách nước ngoài đến đánh giá công ty làm được hay không làm được, họ không phải nhìn máy móc hiện đại đâu. Đó chỉ là một yếu tố, còn cái chính là con người. Con người quyết tâm, biết cách làm thì họ tin tưởng. Đó là điều rất thành công của DISOCO”, ông Tuyển tâm sự và chỉ vào hàng loạt chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng áp dụng tại công ty với một niềm tự hào không giấu. (Các chứng chỉ ISO 9001:2015, IATF 16949:2016, ISO 14001:2015, ISO 50001:2018 - NV).

Theo ông Phạm Hải Phong, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, DISOCO thuộc top 10 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

“Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. DISOCO là công ty hàng đầu, có nền tảng và uy tín trên thị trường. Do đó, sự lớn mạnh của DISOCO cũng góp phần nâng vị thế công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, ông Phong nhận xét.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tham-nhap-dai-ban-doanh-lam-linh-kien-o-to-xe-may-o-thai-nguyen-d583516.html