Tham nhũng - 'Giặc nội xâm' nguy hiểm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa cá nhân là một thứ 'giặc nội xâm' rất nguy hiểm. Nó là nguyên nhân chính dẫn đến tham ô, tham nhũng và các loại tội phạm khác.

Một trong những âm mưu thâm độc mà các thế lực thù địch tạo ra là lợi dụng tối đa các sai sót, các kẽ hở trong cơ chế, chính sách và quản lý xã hội từ chủ quan nội bộ ta. Mặt khác, thông qua các yếu tố khách quan như một số dự án, đầu tư kinh tế tạo ra những cơ hội “mềm” để một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ bị cám dỗ, tiêu cực, vì lợi ích trước mắt dẫn tới sa đọa, biến chất; làm cho nội bộ mất đoàn kết, đội ngũ cán bộ, đảng viên tha hóa về chính trị, đạo đức, dẫn tới làm mất niềm tin của nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tới nay, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực càng thể hiện rõ tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Các vụ án kinh tế lớn, những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến những vị lãnh đạo cao cấp, các “cánh hẩu lợi ích” tưởng như khó đụng tới, nay đã được đưa ra xét xử nghiêm minh với các mức án nghiêm khắc. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (tăng 18% so với nhiệm kỳ XI). Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước). Trong số này, 2 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ở các địa phương, hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật bởi suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chiếm 0,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có tới 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý; hơn 5.200 cán bộ, đảng viên bị xử lý theo pháp luật, tăng 18,5% so với nhiệm kỳ XI. Có lẽ, chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ đảng viên, cán bộ cấp cao, bất kể là đương chức hay đã về hưu, bị xử lý kỷ luật nhiều như vậy. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Kết quả đó không chỉ có tác dụng lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa tiêu cực mà còn củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến đấu tranh PCTN hiện nay, không phải là không có những khó khăn, chống đối quyết liệt. Các thế lực thù địch, cơ hội thường rêu rao: Việc PCTN ở Việt Nam là “Cuộc thanh trừng nội bộ, phe nhóm đấu đá nhau, là khóa mới kỷ luật khóa cũ”; “Căn nguyên tạo ra tham nhũng là do một Đảng lãnh đạo, Đảng đứng trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng”... Thực tế là họ muốn lợi dụng việc PCTN của toàn Đảng và toàn quân, toàn dân ta để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, cổ súy cho tham nhũng, lợi ích nhóm phát triển. Chúng xuyên tạc mục đích, gây chia rẽ nội bộ làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân; làm giảm ý nghĩa thắng lợi công cuộc PCTN; làm lung lạc ý chí, giảm sự ủng hộ của người dân và dư luận về PCTN.

Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt cuộc đấu tranh PCTN nếu luôn giữ vững quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; PCTN như cuộc chiến chống giặc ngoại xâm; phải kiên quyết phòng chống với tâm thế tỉnh táo, không cả tin; không riêng trong Đảng mà phải vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với nạn tham nhũng - một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm-không chỉ góp phần làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh mà còn góp phần tích cực làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

LÊ QUÝ HOÀNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xay-dung-dang---chinh-quyen/tham-nhung---giac-noi-xam-nguy-hiem-184752