Tháng 7 trên quê hương cách mạng Hoằng Châu
Những ngày tháng 7 lịch sử này, có dịp trở lại vùng quê cách mạng Hoằng Châu (Hoằng Hóa), chúng tôi rất vui mừng nhận thấy mảnh đất này đang đổi thay từng ngày. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, đường giao thông đã được nhựa hóa và bê tông hóa, một số công trình phục vụ dân sinh được xây dựng mới khang trang... Vùng quê cách mạng đang khoác lên mình một diện mạo mới, sức sống mới. Vui mừng hơn, nơi đây đang chứng kiến sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần làm nên sự thay đổi toàn diện của một xã từng là địa phương khó khăn vùng bãi ngang.
Đồng chí Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã tự hào kể lại: Cách đây 78 năm, vào những ngày cuối tháng 7-1945, trước khí thế cách mạng ngày càng lên cao ở Hoằng Hóa, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp triển khai kế hoạch khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “cái nôi” cách mạng Hoằng Hóa.
Nắm được âm mưu và kế hoạch khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, kế hoạch tác chiến của tự vệ huyện được triển khai trong đêm 23-7. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, sẵn sàng đánh giặc.
Sáng 24-7-1945, toán lính bảo an gồm 22 tên được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Hiến chỉ huy từ phủ lỵ tiến đánh Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Chúng thực hiện kế hoạch nghi binh, không đi thẳng xuống xã mà từ phủ lỵ ngược lên Hàm Rồng qua Nguyệt Viên (Hoằng Quang) về Đại Tiền (Hoằng Đại) rồi mới theo đường Hà Đồ đến Liên Châu - Hóa Lộc. Mục đích là thăm dò thái độ của ta, đồng thời chờ phối hợp với cánh quân của Phạm Trung Bảo tại Hoằng Đạo.
Khi đến Hoằng Châu, địch đi thẳng vào đóng quân tại đình Hoàng Chung, củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc. Trong lúc chưa kịp ổn định đội hình, tự vệ ta đã bao vây bắc loa kêu gọi đầu hàng nhưng chúng không chịu hạ vũ khí. Trước tình hình đó, tự vệ Hoằng Châu dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Khắc Bớ đã xung phong vào đình, dùng mã tấu đánh giáp lá cà với địch, chém 5 tên lính trọng thương. Bọn địch hoảng hốt nổ súng bắn vào tự vệ và vội vã rút chạy qua đồng cát ra bờ sông Mã, cướp 1 số thuyền của dân chài đang đậu, vượt sông sang Quảng Xương rồi về tỉnh lỵ. Về phía ta, đồng chí Lê Văn Tướn (tự vệ thôn Ngọc Long nay thuộc xã Hoằng Phong) đã anh dũng hy sinh. Đây là liệt sĩ cách mạng đầu tiên của Hoằng Hóa. Một tự vệ khác bị thương nhẹ là đồng chí Nguyễn Trọng Tiệc, ở thôn Hoàng Chung. Tại Hoằng Đạo, cánh quân của tri phủ Phạm Trung Bảo cũng bị tự vệ Đằng Trung mai phục, giả làm người đi làm đồng về, bất ngờ tiếp cận, tước vũ khí bắt sống.
Sau khi đập tan cuộc khủng bố của địch tại cồn Mã Nhón và Liên Châu - Hóa Lộc, buổi trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với gần 1 vạn quần chúng và tự vệ cứu quốc tham gia để mừng chiến thắng và xét xử bè lũ Phạm Trung Bảo. Sau cuộc mít tinh, thừa thắng xốc tới, lực lượng cách mạng đã tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế của cách mạng, không còn cách nào khác bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Như vậy, từ trưa ngày 24-7-1945, bộ máy đầu não tay sai của Nhật đã bị xóa bỏ trên quê hương Hoằng Hóa. Ngày 24-7-1945 trở thành một mốc son tươi thắm, đánh dấu sự đổi đời của Nhân dân Hoằng Hóa từ thân phận nô lệ mất nước, trở thành người làm chủ. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh, được đồng chí Trường Chinh đánh giá là “rất táo bạo”. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận rằng, cuộc khởi nghĩa ấy xứng đáng “Là lá cờ đầu của công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa”.
Không chỉ có đóng góp quan trọng trong sự kiện lịch sử Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24-7-1945, đầu tháng 8-1945, Nhân dân Hoằng Châu cùng tự vệ tổng Bái Trạch đã 3 lần chiến đấu chống khủng bố của kẻ thù đàn áp tại đình Liên Châu – Hóa Lộc, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Với những ý nghĩa đó, đình Hoàng Chung, đình Liên Châu đều đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho Nhân dân xã Hoằng Châu.
Sau khi cách mạng thành công, cùng với cả nước, xã Hoằng Châu bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Đảng bộ và quân dân Hoằng Châu đã đóng góp sức người (2.930 thanh niên nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, dân công vận tải), sức của (gần 2.000 tấn lương thực, thực phẩm, 490kg đồng và nhiều tiền, vàng) cho sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng CNXH. Trong đó phải kể đến chiến công của các nữ dân quân cảm tử xã Hoằng Châu xung phong chèo thuyền phá bom nổ chậm, quân và dân Hoằng Châu đã cùng bộ đội hải quân bắn rơi tại chỗ 2 chiếc AD6... Toàn xã có 120 đồng chí đã chiến đấu và hy sinh anh dũng; 100 đồng chí là thương, bệnh binh và người nhiễm chất độc hóa học, hàng ngàn người con ưu tú đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân...
Công lao, thành tích của Nhân dân, cán bộ, đảng viên xã nhà trong 2 cuộc kháng chiến đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng những phần thưởng cao quý. Năm 2005, Hoằng Châu được công nhận là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Toàn xã có 16 lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 956 huân, huy chương các loại, 1 làng có công với nước, 2 Bảng vàng danh dự, 111 Bảng gia đình vẻ vang, 11 Bằng có công với nước, 5 ân nhân cách mạng...
Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Châu lại tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Phát huy lợi thế bãi ngang ven biển, ngoài hơn 100 hộ dân ở thôn Châu Triều tích cực tham gia đánh bắt hải sản, 145 hộ dân có diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đầu tư, chăm sóc khu vực đồng nuôi của gia đình, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập. Toàn xã đã tích tụ 18,4 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị hàng hóa, như: cây ăn quả, dừa, măng tây, hoa lý, thuốc lào và các loại rau màu thời vụ vào sản xuất. Đến nay, giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm ước đạt 172 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 57,8 triệu đồng/năm. Xã đang tập trung cao độ để hoàn thành các tiêu chí và phấn đấu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Hoằng Châu là nơi đã sinh ra những con người cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường trong đấu tranh, thủy chung, nghĩa tình trong cuộc sống. Đây là những truyền thống được các thế hệ người dân Hoằng Châu nối tiếp nhau giữ gìn và phát triển, là động lực, sức mạnh để mỗi người Hoằng Châu hôm nay phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.