Tháng Ba ở Cốc Lầy

Tháng Ba, theo chân anh Đặng Quốc Đoàn, Trưởng ban Thanh thiếu niên nông thôn, công nhân viên chức và đô thị, Tỉnh đoàn Lào Cai, chúng tôi về Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Cốc Lầy (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương). Nhờ nỗ lực vượt khó làm giàu, đến nay nhiều hộ trong làng đã có cuộc sống khấm khá, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình trồng chuối ở Làng Thanh niên lập nghiệp Cốc Lầy.

Mô hình trồng chuối ở Làng Thanh niên lập nghiệp Cốc Lầy.

Anh Đặng Quốc Đoàn cho biết: Làng Thanh niên lập nghiệp Cốc Lầy là dự án của Trung ương Đoàn được triển khai thực hiện từ đầu năm 2014. Dự án có diện tích hơn 1.200 ha, với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng, nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên giới. Dự án được đầu tư các hạng mục: điện, đường, trạm y tế, bể chứa nước sạch, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác như cấp đất ở, đất sản xuất, vay vốn, giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt... bước đầu thu hút 25 cặp vợ chồng thanh niên đến lập nghiệp.

Nhớ lại năm 2015, là năm khó khăn đáng nhớ trong cuộc đời của các chàng trai, cô gái trẻ Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới. Nông sản khó tiêu thụ vì đường giao thông đi lại khó khăn. Ngày ấy, đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vượt núi, lội suối về với Làng Thanh niên để động viên, chia sẻ khó khăn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của thanh niên và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, giúp thanh niên ổn định tinh thần, tìm cách làm ăn hiệu quả. Từ đó, Làng Thanh niên phát triển mạnh diện tích trồng chuối, xuất khẩu quả chuối thu tiền tỷ mà ít thôn nào ở xã Lùng Vai có được.

Với dáng vẻ hiền lành, chất phác nhưng ẩn sâu bên trong là sự hiếu khách và nghị lực vượt khó làm giàu của tuổi trẻ ở đây, đầu tiên phải nhắc đến là chàng trai dân tộc Dao Phàn Văn Minh. Trước đó, Minh ở thôn Mường Lum, xã La Pan Tẩn, từng loay hoay mưu sinh. Năm 2014, Minh viết đơn xung phong vào Làng Thanh niên lập nghiệp Cốc Lầy. Anh Minh nói: Từ hai bàn tay trắng, được cán bộ Đoàn tạo điều kiện, đến nay vợ chồng tôi đã có của ăn của để. Hiện, ngoài 3 ha chuối, gia đình còn nuôi 6 con trâu và chục đầu lợn... Hằng năm, thu nhập hàng trăm triệu đồng, có đủ điều kiện nuôi 2 con ăn học chu đáo. Ngoài ra còn dựng được nhà, sắm xe máy, vật dụng trong gia đình.

Chăm chút từng cây chuối, anh Chảo Việt Xuân, dân tộc Dao cẩn thận bao gói túi ni lông quanh để buồng chuối sinh trưởng đạt chất lượng cao. Hiện, dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất nên anh bán chỉ với giá hơn 5 nghìn đồng/kg; loại chuối này vào thời cao điểm có giá bán tới 21 nghìn đồng/kg.

Theo anh Xuân, ngày đầu về làng, anh trồng chuối tiêu và nuôi lợn. Có tiền tích cóp, anh mua chiếc xe vận tải chuyên chở hàng nông sản và vật liệu xây dựng cho người dân trong vùng. Đến nay, gia đình anh Xuân đã có 2 ha chuối và hơn chục con lợn. Trong năm vừa qua, trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 150 triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình anh Xuân đã dựng được ngôi nhà gỗ khang trang với tiện nghi khá đầy đủ.

Gắn bó với nghề nông, suốt năm tháng trên non cao, anh Triệu Phúc Lìn rất rắn rỏi, khỏe mạnh. Vừa thu hoạch chuối xong hôm trước, tranh thủ thời tiết thuận lợi, rạng sáng hôm sau anh vội lên nương trồng xen 1,5 vạn gốc quế mới. Thông thường, trồng quế là phải tưới nước, song anh biết tận dụng trồng quế sát gốc chuối để cây lấy nước từ gốc chuối đã thu hoạch. Không chỉ giữ riêng “bí kíp” trồng quế, anh phổ biến cho mọi người làm theo. Anh Lìn tâm sự: trước đây, gia đình nghèo vì chỉ biết chọc lỗ tra hạt. Bây giờ, ngoài trồng chuối tiêu để xuất khẩu và chăn nuôi gia súc hàng hóa, vợ chồng tôi còn trồng ngô, rau… làm nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày. Trong năm qua, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng.

Câu chuyện trở nên hấp dẫn khi anh Đặng Quốc Đoàn, cán bộ Tỉnh đoàn cho biết: Sau 6 năm định cư phát triển kinh tế, cuộc sống của thanh niên Cốc Lầu đã có nhiều khởi sắc. Dự án Làng Thanh niên Cốc Lầy được thiết kế tiếp nhận khoảng 160 hộ gia đình thanh niên đến định cư. Theo đó, Tỉnh đoàn tiếp tục lựa chọn những thanh niên cốt cán tình nguyện tham gia Làng Thanh niên, cùng lớp thanh niên trong làng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Anh Sùng Seo Thành, Trưởng thôn Cốc Lầy nhấn mạnh: Làng Thanh niên ngoài việc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, còn chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới từ cột mốc Quốc gia 113 - 116. Từ địa bàn từng là điểm nóng về an ninh, trật tự, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và bộ đội biên phòng, Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Cốc Lầy đang từng ngày khởi sắc, tạo nên diện mạo mới và đặc biệt tất cả các hộ thanh niên nơi này không có hộ thuộc diện nghèo.
Đây là minh chứng về sức trẻ tháng Ba ở Làng Thanh niên Cốc Lầy đã hòa nhập, vươn lên thay đổi cuộc sống, đoàn kết, tô thắm truyền thống của Đoàn thanh niên nơi mảnh đất biên cương.

La Văn Tuất

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/thang-ba-o-coc-lay-z62n20200323095134048.htm