Thành Cổ Loa: Từ truyền thuyết tới hiện thực

Nhắc đến Cổ Loa thường chúng ta sẽ nghĩ tới các sự tích như là 'Thần Kim Qui chỉ điểm An Dương Vương xây thành', 'Sự tích nỏ thần một lần giết hai trăm giặc', hay sự tích 'Mỵ Châu Trọng Thủy'. Tuy nhiên, qua quá trình khảo cổ xuyên suốt từ năm 1950 tới nay, nhiều dấu tích được phát hiện xung quanh khu vực Thành Cổ Loa đã phần nào minh chứng tính hiện thực từ những truyền thuyết của ông cha.

“Thành Cổ Loa: Từ truyền thuyết tới hiện thực” là tên buổi triển lãm được Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội) tổ chức nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Rất nhiều tư liệu về khảo cổ như khuôn đúc mũi tên đồng, trống đồng Cổ Loa... đã được giới thiệu tới công chúng trong lần trưng bày này, khẳng định tính hiện thực của công trình thành ốc đặc biệt nhất trong lịch sử Việt Nam.

Đây chính là bộ khuôn đúc mũi tên và các loại mũi tên 2 cạnh và 3 cạnh được tìm thấy tại Cổ Loa, có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn – sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách ngày nay khoảng 2300 đến 2200 năm. Và đó cũng là giai đoạn được các nhà khảo cổ học định danh là thời kỳ vua An Dương Vương dựng nước Âu Lạc và đóng đô ở ngôi thành Cổ Loa. Những hiện vật do lịch sử để lại đã phần nào làm rõ những bí ẩn của truyền thuyết.

Với những em nhỏ này, truyền thuyết là sự tò mò, thích thú nhưng hiện thực mới là căn cứ để các em tường tận và ghi nhớ.

Diện mạo Thành Cổ Loa hiện nay chỉ còn trong những hình vẽ phác lại, thế nhưng những dấu tích của Thành Cổ Loa thì vẫn hiện hữu. Thế hệ trẻ của ngày hôm nay cần thêm nhiều sự trải nghiệm thực tế như thế này để thêm trân trọng những di sản quí giá của quê hương, đất nước mình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thanh-co-loa-tu-truyen-thuyet-toi-hien-thuc-199728.htm