Thanh Hà phát triển bền vững

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022, kinh tế-xã hội của huyện Thanh Hà có nhiều khởi sắc, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ.

Cầu Sông Hương khánh thành là niềm vui của người dân Thanh Hà trong năm 2022

Cầu Sông Hương khánh thành là niềm vui của người dân Thanh Hà trong năm 2022

Nông nghiệp là thế mạnh

Với thế mạnh về cây ăn quả, huyện Thanh Hà đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng. Năm 2022, huyện có 450 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGAP; 101 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Huyện hiện có 51 vùng sản xuất vải đã được cấp 185 mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Năm 2022, sản lượng vải đạt hơn 42.000 tấn, doanh thu gần 1.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5.000 tấn, khoảng 200 tỷ đồng so với vụ vải năm 2021). Bên cạnh đó, ổi, quất, bưởi cũng là những cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Thanh Hà.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất đạt hơn 465 tỷ đồng. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng hơn năm trước. Huyện hiện có 357 ha nuôi thủy sản. Nông dân Thanh Hà đang mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá lồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Địa phương đã quy hoạch 3 vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân, Thanh Sơn. Mỗi năm giá trị kinh tế từ thủy sản mang lại đạt gần 150 tỷ đồng.

Thanh Hà hiện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhiều xã đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022 huyện có 8 chủ thể đăng ký 9 sản phẩm OCOP.

Giao thông, xây dựng, dịch vụ phát triển

Nổi bật nhất trong năm 2022, huyện Thanh Hà đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa lớn trong kết nối các xã, tạo thuận tiện cho đi lại, phát triển kinh tế - xã hội. Một số công trình nổi bật như cải tạo đường huyện Hồng Lạc - Cẩm Chế; đường từ cầu bến Sung và đường đầu cầu thuộc tuyến đường huyện Cẩm Chế - Thanh Xuân; cầu Sông Hương nối xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) với xã Tân Việt (Thanh Hà).

Nhiều dự án khu dân cư được triển khai làm diện mạo nông thôn Thanh Hà ngày càng đổi mới, khang trang. Việc quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm vải thiều được tập trung thực hiện. Huyện đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên địa bàn. Tiểu vùng du lịch Đồng Mẩn đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, trong đó có hơn 80 lượt khách quốc tế; cây vải tổ xã Thanh Sơn đón hơn 40.000 lượt khách, trong đó có hơn 240 lượt khách quốc tế.

Tổng thu ngân sách đạt 954,868 tỷ đồng, vượt 34,3% dự toán và tăng 5,7% so với năm 2021.

Đời sống người dân được chăm lo

Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, năm qua huyện đã trợ cấp hằng tháng cho hơn 10.200 người với số tiền 107,2 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 3.698 người với số tiền 10,34 tỷ đồng. Triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 97 lao động làm việc tại 8 doanh nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,57%, giảm 1,19% so với năm 2021; hộ cận nghèo còn 2,39%, giảm 0,51%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 64 triệu đồng/người.

Năm 2022, UBND huyện phê duyệt hỗ trợ 13 người có công hoàn cảnh khó khăn xây nhà ở với tổng số tiền 710 triệu đồng và vận động xã hội hóa xây nhà ở cho người có công khác ở các xã Thanh Xá, Cẩm Chế với số tiền 100 triệu đồng.

Năm 2023, huyện Thanh Hà phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt hơn 1.831 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng 5.075 tỷ đồng; giá trị các ngành thương mại, dịch vụ 3.580 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 435,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 67,1 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/thanh-ha-phat-trien-ben-vung-223981