Thanh Hóa: Bến thủy không phép ngang nhiên kinh doanh thu tiền

Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịch Hải Tiến chưa được cấp phép. UBND tỉnh đã có văn bản cho phép Công ty CP ĐT&XD Tuấn Linh mượn tạm...

Mặc dù chưa được Sở GTVT cấp phép hoạt động nhưng Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịchHải Tiến vô tư hoạt động

Mặc dù chưa được Sở GTVT cấp phép hoạt động nhưng Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịchHải Tiến vô tư hoạt động

Dự án Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịch Hải Tiến bao gồm cầu cảng ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) được đầu tư hàng chục tỷ đồng chưa được cấp thẩm quyền cấp phép nhưng lại kinh doanh thu tiền.

Dự án hơn 22 tỷ đồng hoạt động “chui”

Những ngày đầu tháng 6, PV Báo Giao thông ghi nhận, hàng ngày có hàng trăm lượt du khách về khu du lịch Hải Tiến đều tò mò và mua vé vào tham quan cầu cảng, đi cano cao tốc tại Bến dịch vụ vận tải hành khách Hải Tiến (trong Khu du lịch Hải Tiến, xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Theo bảng niêm yết của doanh nghiệp, giá tham quan cầu cảng, chụp ảnh trên biển là 20.000 đồng/vé, giá vé cano cao tốc đi thăm địa điểm xa nhất (từ biển Hải Tiến đi cầu Hàm Rồng) là 640.000 đồng/tour (còn giá vé công bố là 800.000 đồng/tour).

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tour tham quan này do Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tuấn Linh (Công ty Tuấn Linh) ký kết hợp tác với Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh tổ chức, trong khi đó, bến thủy nội địa này chưa được Sở GTVT Thanh Hóa cấp phép.

Cụ thể, ngày 14/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịch Hải Tiến. Chủ đầu tư là Công ty Tuấn Linh. Tổng mức đầu tư của dự án là 22 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp. Mục tiêu đầu tư nhằm cung cấp dịch vụ vận tải hành khách du lịch trên biển, kết nối các điểm và khu du lịch trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Theo quyết định này, dự án sẽ xây dựng cầu dẫn cho hành khách lên xuống và cho cano, tàu thuyền neo đậu dài 100m, rộng 5m, diện tích đất thực hiện khoảng 4.000m2.

Đến ngày 4/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định 2534/QĐ-UBND điều chỉnh quy mô dự án thành “Xây dựng cầu dẫn cho hành khách lên xuống và cho cano, thuyền neo đậu (dài 175m, rộng 5-40m), diện tích thực hiện dự án điều chỉnh từ 4.000m2 thành 8.750m2. Tuy nhiên, khi chưa làm các thủ tục thuê đất phần mở rộng như quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Tuấn Linh đã ngang nhiên xây dựng trái phép thêm đường dẫn ra cầu tàu 50m (từ 100m lên 150m) và chiếm dụng phía sân khấu ngoài trời (dự án được UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư) làm nơi lên xuống cầu cảng.

Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, ngoài ra, Công ty Tuấn Linh cũng chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ xin thuê đất đối với diện tích khoảng 3.750m2 sau điều chỉnh.

Khó xử lý vi phạm?

Về vấn đề chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động nhưng vẫn diễn ra hoạt động bán vé thu tiền tham quan tại Bến dịch vụ vận tải hành khách Hải Tiến, ông Hoàng Ngọc Dự, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoằng Hóa cho rằng: Việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa do Sở GTVT Thanh Hóa cấp. Cơ quan này cũng là đơn vị có quyền tạm đình chỉ hoạt động khi chưa đảm bảo quy định.

Ông Hoàng Ngọc Dự, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoằng Hóa xác nhận: Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịch Hải Tiến chưa được cấp phép. Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh mượn tạm sân khấu để làm đường ra cầu cảng. Tỉnh cũng giao Sở TN&MT xem xét các thủ tục hồ sơ cho thuê đất phần mở rộng.

Khi được hỏi về hoạt động kinh doanh thu tiền bán vé ở bến dịch vụ, ông Dự cho rằng: “Việc thu phí, thu vé phụ thuộc vào phương án kinh doanh của công ty. Việc đó là thỏa thuận giữa người muốn vào tham quan và công ty. Còn phương án tài chính bán vé như thế nào không thuộc thẩm quyền của phòng mà do bên Tài chính quy định”.

Chung quan điểm này, ông Vũ Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa cho biết: Địa phương chỉ biết cung cấp các hồ sơ liên quan đến đất đai, vùng biển quản lý. Việc đầu tư xây dựng khai thác do các doanh nghiệp. Tôi có thấy họ bán vé tham quan chụp ảnh và đi cano cao tốc. Việc họ có vi phạm kinh doanh hay không thì không thuộc thẩm quyền của xã cũng như hoạt động kinh doanh của công ty, chúng tôi không quản lý.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Hồng Cường, Phó phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Thanh Hóa) cho biết, đến thời điểm này, Sở chưa cấp phép hoạt động cho bến thủy nội địa này vì doanh nghiệp đã tự ý xây dựng thêm 50m. Phía Công ty Tuấn Linh có trình hồ sơ lên Sở nhưng trong hồ sơ lại theo thiết kế cũ (Dự án xây dựng cầu dẫn cho hành khách lên xuống và cho cano, tàu thuyền neo đậu dài 100m, rộng 5m). Mặt khác, UBND tỉnh đã cho phép điều chỉnh nhưng phía công ty không hoàn thiện hồ sơ theo thiết kế được điều chỉnh. Vì vậy, Sở yêu cầu Công ty Tuấn Linh hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để xem xét cấp giấy phép hoạt động đối với bến thủy nội địa - Bến dịch vụ vận tải hành khách du lịch Hải Tiến.

“Sở GTVT là đơn vị cấp giấy phép hoạt động của bến thủy nội địa nhưng đây là bến chưa được cấp vì chưa đủ điều kiện. Việc quản lý mọi hoạt động kinh doanh, xây dựng là của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khác. Khi nào đủ điều kiện Sở mới cấp giấy phép hoạt động”, ông Cường cho biết.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thanh-hoa-ben-thuy-khong-phep-ngang-nhien-kinh-doanh-thu-tien-d423751.html