Thanh Hóa: Cực tăng trưởng mới

Nằm trên trục giao thông kết nối giữa Bắc bộ với Trung bộ; đất đai đa dạng, phù hợp phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; vùng lãnh hải rộng lớn thuận lợi phát triển kinh tế biển… Thanh Hóa có nhiều lợi thế trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.

Tín hiệu tốt

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,5% cả nước…

Thanh Hóa có nhiều lợi thế trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước

Tính riêng 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid - 19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn ước đạt 3,7% và dự báo sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP cả năm 2020. Đây là mức tăng khá cao so với các tỉnh, thành phố, đóng góp vào mức tăng GDP chung của cả nước. Có được kết quả đó, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công khá, các ngành công nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhanh, một số dự án lớn đạt tiến độ như Nhiệt điện Nghi Sơn 2, cao tốc đường bộ Bắc - Nam...

Với những cam kết và sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, những năm qua, tỉnh đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020, tỉnh đã lựa chọn, trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD; ký ghi nhớ đầu tư 15 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Đón đầu lượng đầu tư lớn như vậy được cho là tín hiệu tốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Công nghiệp là "đầu tàu"

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Song, để phát huy hiệu quả lợi thế, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2025, Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện. Cùng với đó, sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác, để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 110 dự án mới được đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, gần 150 dự án khác đầu tư vào các KCN trong tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò đầu tàu, động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn trong Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, đặc biệt là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là các ngành công nghiệp sau lọc hóa dầu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng, phát triển dịch vụ logistics.

Với 19 dự án tỉnh Thanh Hóa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vừa qua, có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 2 dự án đô thị và cơ sở hạ tầng; 3 dự án du lịch; 3 dự án nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế.

Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-cuc-tang-truong-moi-139363.html