Thanh Hóa nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình), tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, ngày 28/12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 5541/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị cấp huyện và cấp xã đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã, tạo sự đồng thuận, thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình giữa các cấp, các ngành, các đơn vị.

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Ảnh: baodantoc.vn

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Ảnh: baodantoc.vn

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành các văn bản quản lý điều hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Tổng vốn ngân sách Trung ương giao tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2023 là 1.154.375 triệu đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân: hỗ trợ về nhà ở cho 339 hộ dân với tổng vốn 13.560 triệu đồng; đầu tư 32 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn 45.288 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.545 hộ, với tổng vốn là 7.463 triệu đồng.

Năm 2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2523/QĐ-UBND (ngày 18/6/2024), phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2023 chưa phân bổ chuyển sang năm 2024) thực hiện Chương trình là 233.895,8 triệu đồng; tổng số vốn phân bổ đợt 2 là 233.895,8 triệu đồng, trong đó số vốn phân bổ cho dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 37.245 triệu đồng

Thực hiện Chương trình, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND về “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa” tại 6 huyện gồm: Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát.

Với tổng kinh phí hỗ trợ là 21 tỷ 480 triệu đồng, huyện Lang Chánh đã hỗ trợ nhà ở 747 hộ (trong đó có 327 hộ xây mới, 420 hộ sửa chữa nhà). Các hộ nghèo, cận nghèo đã và đang tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở. Hiện nay, các phòng ban trong huyện đẩy mạnh việc kiểm tra và giám sát để đảm bảo rằng từng hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ một cách chính xác nhất; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo cho hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ huyện cùng các đoàn thể đã kêu gọi và vận động mọi người chung tay hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn trong việc xây mới và sửa chữa nhà ở. Mặt trận phát huy tối đa khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà cung cấp vật liệu và hộ gia đình để việc xây mới, sửa chữa nhà đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Thông qua Mặt trận, huyện đã kêu gọi nhà hảo tâm được 67 nhà, trong đó 2 căn sửa, 65 căn làm mới trong năm 2023.

Huyện Quan Sơn là địa phương đang tích cực triển khai các chương trình MTQG, đặc biệt là những dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2030. Từ năm 2021 đến năm 2023, huyện Quan Sơn được Trung ương giao 100,383 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình. Đến cuối năm 2023, huyện đã giải ngân được 70,034 tỷ đồng, đạt 70% số vốn được phân bổ, trong đó, 50,518 tỷ đồng là vốn đầu tư phát triển, đạt 80%, và 19,516 tỷ đồng là vốn cho sự nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đang tập trung cao triển khai các chương trình, dự án, giải ngân số vốn chuyển tiếp và phân bổ mới với tổng vốn 72,423 tỷ đồng, gồm 54,939 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển

và 17,484 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào DTTS. Ảnh: baodantoc.vn

Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào DTTS. Ảnh: baodantoc.vn

Năm 2022, huyện có 100 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Đặc biệt , huyện còn đầu tư vào một công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy nhằm cải thiện đời sống người dân nơi đây. Năm 2023, huyện có 439 hộ được hỗ trợ tiền mua téc chứa nước theo nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, mức kinh phí mỗi hộ 3 triệu đồng. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ và giao vốn triển khai thực hiện. Ngoài ra, huyện hiện vẫn còn 1.089 hộ đăng ký hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, với nguồn kinh phí gần 3,3 tỷ đồng đang được các cấp thẩm định, ra quyết định phê duyệt hỗ trợ. Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh đạt 91% trở lên.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Như Thanh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình, trong đó đã triển khai thực hiện Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”. Trong 2 năm (2023 – 2024), huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho 40 hộ, với kinh phí là 1 tỷ 600 triệu đồng. Năm 2023, đã có 31 hộ hoàn thành nhà ở và đi vào sử dụng, năm 2024 có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Về thực hiện hỗ trợ đất ở, năm 2024 huyện có 27 hộ nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu hỗ trợ đất ở, trong đó có 5 hộ thuộc các xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Yên Lạc, Thanh Kỳ, Hải Long đủ điều kiện được thực hiện hỗ trợ về đất ở, với tổng kinh phí 200 triệu đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, Nhân dân nhằm nâng cao hiệu qua thực hiện Chương trình.

Tăng cường tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2024; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình năm 2024 và năm 2025.

Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo đúng mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt.

Minh Anh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/thanh-hoa-no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-58907.html