Thành tích của các cháu đẹp hơn hoa phong lan

Trong cuộc đời mình, những lần được gặp và báo công với Bác Hồ mãi là kỷ niệm đẹp nhất đối với bà Trương Thị Khuê, 77 tuổi, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021, trong căn phòng ấm cúng tại nhà số 2, ngách 39/1, Khu tập thể phụ nữ Trung ương, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội), kỷ niệm về những lần vinh dự được gặp Bác Hồ lại ùa về trong ký ức Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Khuê. Trao cho chúng tôi cuốn sổ nhỏ nhuốm màu thời gian, bằng chất giọng miền Trung chân chất, bà Khuê bảo: “Gói trọn trong đó cả đấy, tuổi già sợ quên nên tôi cố gắng ghi lại”. Theo bà Khuê, cả 3 lần được gặp Bác Hồ là 3 lần bà khắc cốt ghi tâm những lời dạy của Người.

Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Khuê giới thiệu về tấm ảnh bà được Bác Hồ tặng hoa phong lan.

Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Khuê giới thiệu về tấm ảnh bà được Bác Hồ tặng hoa phong lan.

Theo lời kể của bà cùng những thông tin được ghi lại một cách tỉ mỉ, cuối tháng 8-1968, bà cùng với chị Trần Thị Bưởi, quê ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) tham dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới tại Sofia (Bulgaria) về đến Hà Nội, được ở tại Nhà khách Bộ Quốc phòng. Cùng ở còn có chị Nguyễn Thị Xuân (Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa trở về từ Liên Xô. Ngày 11-9-1968, ba nữ dân quân đất thép Quảng Bình, Quảng Trị nghe báo tin sẽ được vào thăm và báo công với Bác. “Niềm vui đến thật bất ngờ, khiến 3 chị em hạnh phúc đến rơi nước mắt”, bà Khuê nhớ lại.

Đúng 9 giờ sáng hôm đó, xe ô tô đưa 3 nữ dân quân đến Phủ Chủ tịch. Bác Hồ ngồi trên chiếc ghế cạnh chiếc bàn tròn đang chăm chú đọc báo, quanh bàn còn có 4 chiếc ghế để không. Trên bàn có sẵn một đĩa kẹo, một đĩa chuối. Bác khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, mắt sáng, râu tóc bạc phơ như ông tiên. Bác đội trên đầu chiếc mũ vải xanh công nhân bạc màu, chân đi dép cao su. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác vào báo cáo: “Dạ thưa Bác, 3 cháu gái dân quân đến rồi ạ”. Bác đứng dậy, vui vẻ bảo mọi người ngồi xuống.

Sau khi đồng chí Vũ Kỳ lần lượt giới thiệu với Bác tên tuổi, quê quán, thành tích của 3 chị em, Bác cười hiền hậu: “Các cháu giỏi lắm”, rồi bưng đĩa kẹo phát cho từng người. Bác hỏi nữ dân quân Trương Thị Khuê: “Cháu ở Vĩnh Linh có bị máy bay B.52 đánh nhiều không?”. “Dạ thưa Bác, máy bay B.52 đánh Vĩnh Linh nhiều lắm. Còn bom tọa độ, pháo địch từ bờ nam sông Hiền Lương bắn sang thì không kể hết được”. Bác hỏi tiếp: “Địch đánh như thế bà con ta ăn ở ra sao?”. “Thưa Bác, bà con ta ăn ở đều dưới hầm, đi lại từ nhà này sang nhà khác, từ xóm này sang xóm khác bằng hệ thống giao thông hào... Đội sản xuất và hợp tác xã cũng có hầm phục vụ hội họp và thỉnh thoảng tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ cho nhân dân xem”.

Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Khuê (thứ hai, từ trái sang) kể về những lần được gặp Bác với thế hệ trẻ.

Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Khuê (thứ hai, từ trái sang) kể về những lần được gặp Bác với thế hệ trẻ.

Cứ thế, câu chuyện giữa Bác Hồ với các nữ dân quân nơi tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra vui vẻ, thân mật. Rồi Bác bất ngờ đề nghị: “3 cháu hát cho Bác nghe 3 bài nhé”. Trương Thị Khuê mạnh dạn xin hát trước, điệu hò mái nhì do đội văn nghệ xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh sáng tác: “... Rừng Thủy Ba nhiều cây gỗ quý/ Người Vĩnh Thủy ý chí kiên cường/ Quê hương ơi vời vợi mến thương/ Càng qua lửa đạn càng thêm trưởng thành...”. Tiếp đó, chị Nguyễn Thị Xuân hát cho Bác nghe ca khúc: “Đẹp sao 5 gái quê ta” của nhạc sĩ Quách Mộng Lân, ca ngợi 5 nữ anh hùng quê Quảng Bình. Cuối cùng, Trần Thị Bưởi hát bài: “Tiếng hát trên đường quê hương”. Bác khen: “Các cháu hát hay lắm!”.

Đúng lúc này, người thợ ảnh tìm được vị trí đứng chụp ảnh thích hợp. Bác thân mật hỏi: “Cháu nào muốn đứng gần Bác?”. Cả 3 cùng đồng thanh: “Dạ, cháu ạ”. Chụp ảnh xong, Bác đến trước nhà, nơi cây phong lan đang nở những chùm hoa trắng, tỏa mùi thơm dìu dịu. Ngắt 3 chùm hoa phong lan tặng 3 nữ dân quân, Bác Hồ ân cần: "Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan của Bác. Các cháu giữ và phát huy thành tích để tươi mãi như hoa".

Sau lần đầu tiên được gặp Bác, bà Trương Thị Khuê còn được gặp Bác thêm hai lần nữa. Lần nào, bà cũng cảm nhận được hơi ấm tình cảm, sự gần gũi, giản dị của Người. Lần cuối cùng bà được “gặp” Bác là khi Người đã đi xa. “Ngày 2-9-1969, tôi được lệnh có mặt ở Hà Nội vào ngày hôm sau. Tôi đi mà không biết có việc gì. Ra đến nơi, tôi mới biết Bác mất. Tôi được phân công túc trực 15 phút bên linh cữu của Bác cùng với 3 nữ anh hùng khác là Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Thị Tuyển. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in thời khắc thiêng liêng đó”, anh hùng Trương Thị Khuê rưng rưng nước mắt kể.

Sau này, nhớ lời dặn của Bác, bà Trương Thị Khuê cố gắng học văn hóa, học cao cấp chính trị, học lớp quản lý kinh tế, rồi học ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Sau năm 1972, bà lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Phó ban Tổ chức Khu ủy Vĩnh Linh (Quảng Trị); Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bến Hải (cũ), tỉnh Quảng Trị. Năm 1997, bà được tín nhiệm bầu là Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trở thành đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX.

Mùa xuân này, khi đã bước sang tuổi 77, bà Trương Thị Khuê vẫn ghi nhớ trong tâm khảm những lời căn dặn của Bác Hồ, xem đó là hành trang vô giá, nguyện mang theo suốt cuộc đời.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/thanh-tich-cua-cac-chau-dep-hon-hoa-phong-lan-651945