Thanh tra kiến nghị xử phạt nhà xe đi miền Tây và công ty vận tải container
Doanh nghiệp vận tải container vi phạm bị đề nghị tước giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 1 tháng đến 3 tháng, một nhà xe đi miền Tây cũng bị đề nghị xử phạt vì không ký hợp đồng lao động cho tài xế.
Thanh tra Sở GTVT TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hồng Toán. Theo đó, cơ quan này kiến nghị tước giấy phép có thời hạn với đơn vị trên.
Đề nghị tước giấy phép kinh doanh vì hàng loạt vi phạm được phát hiện
Theo đó, từ ngày 7-8 đến hết ngày 7-9, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hồng Toán (công ty), sau đó nêu ra các kết luận liên quan.
Về xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông, thanh tra kết luận công ty không thực hiện đúng quy trình đảm bảo ATGT theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 10/2020 và điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.
Do đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty về hành vi vi phạm trên với số tiền xử phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung “Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh (tước giấy phép) vận tải bằng xe ô tô từ 1 tháng đến 3 tháng” theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 28 Nghị định số 100/2019.
Ngoài việc tước giấy phép như trên, bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT đã không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT, xử phạt từ 10 triệu đến 12 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung "Tước quyền sử dụng giấy phép (tước giấy phép) kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 1 tháng đến 3 tháng’’ theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 28 Nghị định số 100/2019.
“Với các thiếu sót này, trách nhiệm chính thuộc về người điều hành vận tải của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hồng Toán tại thời điểm xảy ra vụ việc” - kết luận thanh tra nêu.
Công ty cũng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 6 tài xế, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định.
Đơn vị này cũng không lập hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc phần mềm quản lý phương tiện để theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện theo quy định.
Nhà xe đi miền Tây có nhiều vi phạm
Ngoài đơn vị trên, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng có kết luận về về việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định tại Công ty TNHH vận chuyển hành khách Mỹ Duyên (nhà xe đi miền Tây).
Cụ thể, công ty bị phát hiện không ký hợp đồng lao động đối với lái 2 tài xế, không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho 8 tài xế.
Ngoài ra, đơn vị này cũng không quản lý thông tin về họ tên, số giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2015/TT-BGTVT. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra công ty đã khắc phục thiếu sót này.
Với các vi phạm trên, thanh tra kiến nghị xử phạt nhà xe này vì vi phạm hành chính về "Sử dụng lái xe để tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động theo quy định” với số tiền xử phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung "tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 tháng đến 3 tháng” đối với phương tiện 51B-207.69, 51B-325.89.
Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "không thực hiện việc quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định” với số tiền xử phạt từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả "buộc phải quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô theo quy định”.