THẢO LUẬN TỔ 15: ĐỀ NGHỊ ĐỊNH NGHĨA LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM LÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Tổ 15 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Khánh Hòa, Bình Phước.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, qua Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13 cho thấy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện đến thời điểm này còn có những bất cập và không còn phù hợp với giai đoạn đoạn hiện nay. Trên cơ sở Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng cho thấy Nghị quyết số 85/2014/QH13 cũng có những điểm chưa phù hợp. Do đó, đại biểu cho rằng, việc cần phải sửa đổi Nghị quyết và thực hiện theo quy trình rút gọn là phù hợp. Về vấn đề cụ thể, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định “không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền” tại khoản 5 Điều 2 dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho rằng, quy định trên rất phù hợp, thể hiện tính nhân văn cũng như phù hợp với mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với quy định về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Điều 6, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng bày tỏ thống nhất với việc bổ sung căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm theo điểm đ, Điều 6, đó là “kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách, tôn trọng lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện cam kết và lời hứa”. Đây là một trong những nội dung quan trọng; do đó cần phải coi đây là một trong những căn cứ để bổ sung trên cơ sở các nhiệm vụ chính, mức độ tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết 85/2014/QH13.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Hồng Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết còn giúp làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp; rà soát các trường hợp vẫn thiếu trong quá trình thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Cùng quan điểm với đại biểu Đặng Bích Ngọc đối với quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu đề nghị bổ sung sau cụm từ “sáu tháng” là từ “liên tục”, và sửa lại là “không điều hành công tác từ sáu tháng liên tục trở lên theo quyết định của cơ quan”.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh đặt vấn đề, nếu có trường hợp, người giữ chức vụ đang trong thời gian thi hành kỷ luật và đang chờ các cấp có thẩm quyền làm các trình tự, thủ tục để miễn nhiệm, bãi nhiệm thì có đưa vào trường hợp để lấy phiếu tín nhiệm hay không? Trên thực tế, vẫn có những trường hợp đó, do đó đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại trong thực tế các trường hợp không phải lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ để đảm bảo quy định đầy đủ và chặt chẽ.
Mặt khác, đối với khái niệm lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, quy định hiện nay chủ yếu đưa nội dung về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, đề nghị định nghĩa lại theo hướng lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân để đánh giá cán bộ làm cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, cho thôi chức hoặc là từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ.
Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, hiện nay trong dự thảo Nghị quyết quy định thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn thực hiện vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Đại biểu Đỗ Đức Duy cho rằng, quy định này phù hợp với Quốc hội nhưng với Hội đồng nhân dân các cấp thì nên điều chỉnh theo hướng vào kỳ họp thường lệ giữa năm thứ ba của nhiệm kỳ. Đồng thời đề nghị cân nhắc điều chỉnh về thời gian của các bước trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng giảm còn bằng khoảng 2/3 so với thời gian quy định lấy phiếu của Quốc hội để tránh thời gian quá dài.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu quy định và hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=76439