Thất bát vì mua lúa giống trên mạng

Vụ Chiêm Xuân năm nay, hàng chục hộ nông dân ở các xã Tân Sơn, Lai Đồng, Kiệt Sơn, Thạch Kiệt, Đồng Sơn (huyện Tân Sơn) nghe những lời quảng cáo trên mạng đã mua giống lúa VST-899 về gieo cấy. Được quảng cáo là giống ngắn ngày, năng suất cao nhưng đến kỳ thu hoạch, giống lúa trên vẫn là những cây lúa 'đang thì con gái' hoặc có những ruộng lúa đã trỗ nhưng cho ra những bông lúa không hạt trong khi các ruộng xung quanh bông đã trĩu vàng.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng NN & PTNT huyện Tân Sơn kiểm tra thực tế giống lúa VST 899 tại xã Lai Đồng

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng NN & PTNT huyện Tân Sơn kiểm tra thực tế giống lúa VST 899 tại xã Lai Đồng

Theo lời quảng cáo của người bán trên Facebook, đây là giống lúa có rất nhiều ưu điểm như: Gieo, sạ đều được; năng suất cao; gạo dẻo thơm, ngon; khả năng chịu hạn, rét tốt; chống đổ; kháng sâu, rầy...Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, tăng thêm độ uy tín cho sản phẩm, người bán còn trưng hẳn “quyết định” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố giống lúa trên được công nhận chính thức, thuộc danh mục được phép sản xuất (đã được photoshop). Theo đó, đây là giống lúa của các tác giả Trần Duy Quý, Trần Duy Dương, Trần Duy Vương thuộc Trung tâm giống Nông nghiệp thuộc Đại học Nông nghiệp 1 liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Đại học Nông nghiệp Saporo (Nhật Bản) sản xuất. Đây là điều mà người bán cố tình “lập lờ đánh lận con đen”. Thực tế từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 441/QĐ-TTg thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nên cái gọi là Đại học Nông nghiệp 1 đã không còn tồn tại.

Quyết định công nhận giống lúa VST 899 thuộc danh mục được phép sản xuất của Bộ NN & PTNT được các đối tượng làm giả nhằm đánh lừa người mua

Quyết định công nhận giống lúa VST 899 thuộc danh mục được phép sản xuất của Bộ NN & PTNT được các đối tượng làm giả nhằm đánh lừa người mua

Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT &BVTV) huyện Tân Sơn, giống lúa trên được gieo cấy gần 20ha trên toàn huyện, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Tân Sơn và xã Lai Đồng. Theo một số hộ gieo cấy giống này, họ được người quen gieo cấy vụ Mùa năm 2023 thấy hiệu quả cao giới thiệu, cùng với xem quảng cáo trên Facebook nên vụ Chiêm xuân năm nay rủ nhau mua để cấy. Bên cạnh đó, chợ phiên xã Lai Đồng và xã Tân Sơn là các chợ lớn trong khu vực, thường xuyên có các đối tượng buôn bán các mặt hàng như giống cây trồng, thuốc thú y và một số vật tư nông nghiệp khác. Do đó, nhiều hộ không đăng ký mua giống tại các tổ chức của Nhà nước hoặc điểm kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp có uy tín nên rất dễ mua phải các loại giống “giả”.

Đến thời điểm này, diện tích cấy giống VST 899 vẫn còn vài thửa chưa được thu hoạch. “Thực mục sở thị” tại những thửa ruộng này cho thấy, cây lúa cao khoảng 1,5-1,6m; bông lúa khá dài, nhiều hạt. Nhưng khi cán bộ Trạm TT & BVTV bóc thử một vài hạt thì thấy hạt lép, không có lõi.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Tân Sơn kiểm tra giống lúa tại Đại lý kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp Nhới Hương, xã Kiệt Sơn

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Tân Sơn kiểm tra giống lúa tại Đại lý kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp Nhới Hương, xã Kiệt Sơn

Được biết, sau khi nắm được thông tin về giống lúa VST 899, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo Phòng NN & PTNT tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các đại lý cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, do đặc thù của huyện miền núi, hầu hết là các đại lý nhỏ lẻ, chưa nhập giống về vào thời điểm này nên rất khó để kiểm tra, đánh giá chất lượng, chủng loại giống.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn chia sẻ: "Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo rất nhiều cho bà con nông dân về việc mua giống tại các đại lý có uy tín. Tuy nhiên, nhiều bà con do ham rẻ nên vẫn mua giống “trôi nổi” ngoài thị trường dẫn đến “tiền mất tật mang”. Thời gian vừa qua cũng như thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn xã. Riêng đối với việc kinh doanh qua mạng xã hội, đề nghị các cơ quan nhà nước cần có biện pháp quản lý, xử lý tránh để xảy ra tình trạng lộn xộn như hiện nay."

Giống lúa Thiên ưu 8 của Công ty cổ phần tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã được trồng và chứng minh ưu điểm trên đồng đất Tân Sơn từ hàng chục năm nay được Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV khuyến cáo bà con sử dụng

Giống lúa Thiên ưu 8 của Công ty cổ phần tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã được trồng và chứng minh ưu điểm trên đồng đất Tân Sơn từ hàng chục năm nay được Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV khuyến cáo bà con sử dụng

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Theo điều 30 tại Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, đã phân cấp rõ ràng, chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp vi phạm; tịch thu và xử phạt hành vi kinh doanh các mặt hàng trên tại các chợ...

Hiện là thời điểm bà con nông dân trên toàn tỉnh đang chuẩn bị bắt tay vào sản xuất vụ Mùa, chỉ hơn chục ngày nữa là đến thời điểm bà con ủ thóc, ngâm giống. Các đơn vị cung ứng đang tập trung chuẩn bị nguồn cung đáp ứng yêu cầu của người nông dân. Để tránh việc mua phải các loại giống giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến thu nhập, ngành NN &PTNT khuyến cáo: Bà con cần mua giống tại các đại lý có uy tín, có xác nhận của các công ty giống cây trồng hoặc thông qua các cơ quan tổ chức như Hội Nông dân, tổ Khuyến nông xã...; đăng ký mua giống theo danh mục được thông báo rộng rãi theo bản thông báo cơ cấu giống, khung lịch thời vụ do Sở NN & PTNT ban hành được niêm yết tại UBND các xã, các khu dân cư... Đồng thời, xuống giống, gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ đã được ban hành để vụ Mùa đạt kết quả cao.

Phan Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/can-trong-voi-lua-giong-troi-noi-tren-thi-truong-213092.htm