Thầy cô online để bắt kịp đổi mới giáo dục
Nhiều thầy cô tự bồi dưỡng bằng cách đăng ký học online, thiết kế bài giảng E-learning để bắt kịp với đổi mới giáo dục.
Tiếp thêm động lực
Cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên Toán, Trường THPT Quan Hoa (Thanh Hóa) đăng ký liên tiếp 2 khóa học về phương pháp dạy học tích cực của đồng nghiệp trẻ Nguyễn Thị Thảo Ly và Mai Thị Thu Hà (Quảng Nam).
Cô Thắm chia sẻ: “Tôi từng nghĩ, với khối lượng kiến thức cần cung cấp trong 1 tiết học 45 phút thì giáo viên khó biến hoạt động học tập thành trò chơi, nhất là với môn Toán. Thế nên, như các đồng nghiệp khác, tôi giảng, nói nhiều vì sợ “cháy” giáo án.
Nhưng sau khi tham gia 2 khóa học online về đổi mới phương pháp dạy học của cô Thu Hà, bản thân đã thay đổi nhận thức về cách tổ chức hoạt động lớp học. Tiết học Toán luôn vui vẻ, không học sinh nào buồn ngủ. Các em hào hứng làm việc nhóm đúng tinh thần học thông qua chơi, trống đánh hết tiết vẫn cố làm để lấy điểm”.
Cô Hoàng Mỹ Hạnh – giáo viên Trường THPT Tiên Hưng (Đông Hưng, Thái Bình) dạy môn Hóa học so sánh: “Cũng là phương pháp khăn trải bàn, nhưng nếu giáo viên không điều chỉnh kỹ thuật tổ chức, trong nhóm sẽ có học sinh không hoạt động, hoặc nhìn bạn để chép.
Thế nhưng, khi được cô Thu Hà chia sẻ cách tổ chức làm việc nhóm theo kiểu “khăn trải bàn xoay”, mọi thành viên nhóm buộc phải hoạt động. Tôi đã có những tiết thao giảng không cần dặn trước học sinh “cứ giơ tay nhiều cho lớp học sôi nổi”, cũng không phải “gà” kiến thức trước”.
Cùng với đó, cô Mỹ Hạnh còn cho biết, tham gia khóa học, đồng thời nhận lửa nhiệt tình được truyền từ giáo viên đứng lớp và cộng đồng giáo viên sáng tạo.
“Với phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên thường chú trọng chuyển tải kiến thức. Nhưng chúng tôi nghĩ, dạy học bây giờ không phải là dạy cái gì mà dạy thế nào. Người thầy cần tổ chức cho học sinh tiếp cận, định hướng làm chủ kiến thức và cách vận dụng”, cô Thu Hà phân tích và cho hay:
Cô Mai Thị Thu Hà - Trường THPT Nguyễn Thái Bình (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) – một trong hai giáo viên đứng lớp của khóa học Thiết kế giáo án Tâm – Thân – Trí cho rằng, để có tiết học hiệu quả, người dạy cần trang bị đủ phương pháp – kỹ thuật – công cụ dạy học.
Thông qua trò chơi, di chuyển làm việc nhóm, học sinh không trải qua tiết học chỉ ngồi tiếp nhận kiến thức thụ động mà được vận động cơ thể. Từ phương pháp kỹ thuật dạy học, trò chơi…, giáo viên gửi gắm những thông điệp cuộc sống, hướng đến hình thành phẩm chất tốt đẹp.
Ví như với hoạt động “Tớ không hoàn hảo”, cô Nguyễn Thị Thắm đã chia lớp học thành 9 nhóm với 9 phiếu học tập. Các nhóm có 15 phút để tìm lỗi trong những đề Toán cho sẵn và sửa lại dữ kiện đúng. Sau đó, 4 nhóm cử đại diện lên bảng trình bày kết quả, nhóm còn lại đổi phiếu chấm chéo.
Cô giáo chốt bài: “Có ai trong chúng ta hoàn hảo không? Đó chính là lý do vì sao đầu bút chì thường kèm theo tẩy, để xóa đi những lỗi sai của học sinh khi làm bài. Vậy, “cục tẩy” trong cuộc đời các em là gì? Đó chính là sự bao dung và tha thứ để tẩy đi sai lầm của mình và người khác. Sau mỗi lỗi sai, chúng ta phải yêu và biết ơn sự không hoàn hảo của bản thân và người khác. Mỗi lần không hoàn hảo thể hiện, chúng ta có được bài học vỡ ra từ đó để mỗi ngày phấn đấu tốt hơn”.
Cộng đồng giáo viên sáng tạo
Với 7 khóa học mở từ đầu năm 2022, mỗi khóa có trên dưới 200 học viên tham gia, nhóm của cô giáo Mai Thị Thu Hà đang tiếp tục mở khóa thứ 8 để chia sẻ thêm cách làm phim hoạt hình, truyện tranh, video, sơ đồ tư duy tương tác, trò chơi online và offline… “Bây giờ, có nhiều thứ lôi kéo học sinh, ngoài game còn Tiktok, Facebook… Để thu hút các em, giáo viên phải tạo ra những giờ học sinh động, mới lạ và hấp dẫn”, cô Hà lý giải.
Đây cũng là lý do cô Phạm Thị Ái Vân - giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) mở các khóa học online hỗ trợ đồng nghiệp bắt nhịp với giáo dục 4.0 như Elearning chuyên sâu, soạn giảng online 4.0… Kiên nhẫn hướng dẫn và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp không thạo công nghệ có những ứng dụng tích cực vào dạy học là vấn đề cô Vân đã làm những năm qua.
Cùng với hướng dẫn giáo viên soạn giảng hiện đại, thiết kế bài giảng bằng PowerPoint, cô Ái Vân còn tổ chức các khóa học online giúp thầy cô giáo khai thác tiềm năng học trò; hỗ trợ cách tổ chức, triển khai hướng dẫn học sinh tạo ra sản phẩm học tập chất lượng.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học gần như là yêu cầu bắt buộc để giáo viên đáp ứng đổi mới phương pháp dạy học cũng như đánh giá học sinh. Thầy cô phải có phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực. Học trò bây giờ không thiếu nguồn tham khảo nên người dạy phải linh động, sáng tạo. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, học sinh vào lớp 10 được chọn môn học, nếu giáo viên không có cách dạy lôi cuốn, khơi gợi sự sáng tạo, chủ động từ người học thì khó đáp ứng yêu cầu”, cô Vân chia sẻ.
“Giáo viên có thể tìm hiểu, khai thác phần mềm dạy học. Thế nhưng, việc phối hợp phương pháp, cách tổ chức hoạt động, tương tác với học sinh thì không phải ai cũng sử dụng nhuần nhuyễn. Trong vai người học, giáo viên cần hiểu mong muốn, tâm lý tiếp thu của học sinh để điều chỉnh phù hợp khi dạy học. Việc học là chính, nhưng không khí vui vẻ cũng không hề phụ”. - Cô Lâm Hương Giang - giáo viên Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-co-online-de-bat-kip-doi-moi-giao-duc-post660966.html