Thấy gì khi phụ nữ tham gia thánh chiến ở Đông Nam Á?
Kể từ năm 2015 ở Indonesia, Malaysia và Singapore ngày càng nhiều phụ nữ bị bắt vì hoạt động khủng bố. Dưới đây là câu chuyện của những 'người trong cuộc' lý giải về xu hướng này, đồng thời cũng là lời nhắc nhở cuộc chiến chống khủng bố cũng phải tính đến vai trò của phụ nữ trong số những kẻ cực đoan.
Xu hướng cần báo động
Sau khi theo học tại một trường nội trú Hồi giáo ở bậc trung học cơ sở, Listyowati (năm nay 33 tuổi) muốn có tiền tiết kiệm nên quyết định ra nước ngoài làm việc. Ở Hồng Kông, cô gái đến từ một vùng nông thôn của Indonesia lần đầu tiên có điện thoại di động thông minh. Được một người bạn lập hộ tài khoản Facebook, cô bắt đầu tìm kiếm bạn bè là những người Hồi giáo. Listyowati sớm biết đến một đất nước có tên là Syria và bị sốc bởi cuộc chiến ở đó. Việc tìm hiểu thêm về cuộc xung đột đã khiến cô tìm đến với một nhóm truyền thông xã hội của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Listyowati đã chuyển tiền cho những kẻ cực đoan và cam kết ủng hộ IS. Cô cũng sở hữu một khẩu súng trường bán tự động thông qua một người ủng hộ IS ở Indonesia tên là Arif. Listyowati có ý định sử dụng vũ khí này ở Syria. “Nếu chúng tôi chết ở đó có nghĩa là chúng tôi tử vì đạo. Chúng tôi cảm thấy điều đó là xứng đáng”. Nhưng người phụ nữ này đã bị bắt và hiện đang thụ án 3,5 năm ở Jakarta vì tài trợ cho IS và tàng trữ vũ khí.
Listyowati là một trong những phần tử khủng bố mới xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á những năm gần đây: Các nữ chiến binh thánh chiến sẵn sàng tử vì đạo. Trung tâm Soufan - một tổ chức phi lợi nhuận độc lập cung cấp nghiên cứu và phân tích về các thách thức an ninh toàn cầu - cho biết, phụ nữ bắt đầu được tuyển dụng cho các nhiệm vụ đánh bom liều chết ở Đông Nam Á từ năm 2016. Trong báo cáo “Khủng bố và chống khủng bố ở Đông Nam Á: Các xu hướng và động lực mới nổi” của tổ chức này vào năm ngoái, họ lưu ý rằng nhiều phụ nữ đã bị bắt vì hoạt động khủng bố ở Indonesia, Malaysia và Singapore kể từ năm 2015. Phụ nữ đã tham gia vào 8/11 vụ tấn công liều chết từ tháng 5-2018 đến tháng 5-2022. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục và “các nỗ lực chống khủng bố phải tính đến vai trò của phụ nữ trong số những kẻ cực đoan bạo lực” - báo cáo nêu rõ.
Jolene Jerard - một chuyên gia chống khủng bố, đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Centinel chuyên về tư vấn an toàn công cộng - nhận định: “Trước đây, vai trò của phụ nữ chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ nam giới khi thực thi nhiệm vụ cụ thể. Nhưng gần đây, chúng tôi đã thấy ranh giới đó mờ nhạt đi, phụ nữ coi mình là những ứng cử viên bình đẳng về cơ hội tuyển mộ và sử dụng vũ khí”.
Một vài phụ nữ “cực đoan” hơn cả nam giới
Những người nảy ra ý tưởng tuyển dụng nữ khủng bố thánh chiến là Bahrun Naim - một cựu thủ lĩnh nhóm IS ở Indonesia (đã chết) và tay chân của hắn là Munir Kartono. Vụ tấn công ở đường Thamrin (Thủ đô Jakarta) vào tháng 1-2016 do IS tuyên bố nhận trách nhiệm đã giết chết 8 người, bao gồm cả 4 kẻ tấn công và làm bị thương khoảng 20 người khác. “Người của chúng tôi đã bị bắt sau vụ Thamrin. Chúng tôi quyết định đưa phụ nữ lên tuyến đầu. Nói chung, phụ nữ có xu hướng kết nối dễ dàng với nhau. Điều này đã giúp gây quỹ và cũng là nỗ lực để tìm người sẵn sàng tử vì đạo. Việc sử dụng phụ nữ có ý nghĩa chiến lược, bởi họ ít có khả năng khơi dậy sự nghi ngờ của các nhân viên thực thi pháp luật” - Munir, khi đó là người phụ trách tuyển mộ và tìm kiếm tài trợ cho IS nhưng nay đã từ bỏ các tư tưởng khủng bố, cho biết.
Munir đã tham gia gây quỹ cho IS từ năm 2012 đến 2015 và điều khiến anh ta đặc biệt chú ý là cách một số phụ nữ “cấp tiến” hơn những người đàn ông “một khi họ được truyền dạy”. Đơn cử như chính vợ cũ của anh ta. Người vợ này tình nguyện trở thành một người tử vì đạo khi Munir và các thành viên IS khác chọn mục tiêu là Phủ Tổng thống sau vụ tấn công Thamrin. Nhưng cô ta đã rút lui chỉ vài ngày trước khi diễn ra kế hoạch. Vì thế, chất nổ đã chuẩn bị sẵn được chuyển hướng sang một cuộc tấn công vào một đồn cảnh sát ở Solo, Trung Java, vào tháng 7-2016. Người vợ sau này đã bỏ Munir khi anh ta không còn theo con đường thánh chiến và Munir tin rằng, cô ta vẫn hoạt động trong một mạng lưới khủng bố ở nơi nào đó.
Sau đó, Munir và Bahrun Naim đã chiêu mộ một phụ nữ khác tên là Dian Yulia Novi để thực hiện cuộc tấn công Phủ Tổng thống Indonesia, nhưng thủ phạm đã bị ngăn chặn kịp thời. Cô này bị bắt vào tháng 12-2016 và bị kết án 7,5 năm tù vào năm 2017. Đây là người phụ nữ đầu tiên bị kết án ở Indonesia vì âm mưu tấn công khủng bố.
Cần những phương pháp tiếp cận đặc biệt
Bà Erin Gayatri - chuyên gia tư vấn tẩy trừ cực đoan của Indonesia, khi tới thăm các tù nhân thường đi cùng với các đặc vụ bí mật từ đơn vị chống khủng bố. “Mọi người nghĩ rằng, khi phụ nữ làm khủng bố thì rất đáng sợ nên không muốn nghe họ nói. Thực ra không phải vậy. Ngay cả với những người có vẻ cứng rắn thì chúng ta vẫn có thể tìm thấy ở họ tính nhân văn” - bà nói.
Nhưng Erin cảm thấy rằng, nếu tiếp cận họ một cách cởi mở, bà cũng được họ chia sẻ về con đường đến với tư tưởng cực đoan. Marifah (45 tuổi) đang thụ án ở nhà tù Bandung vì tham gia kế hoạch tấn công nhằm vào Bộ trưởng An ninh Indonesia năm 2019. Marifah quen biết Syahrial Alamsyah (kẻ đã đâm vị Bộ trưởng ở tỉnh Banten phía Tây Java) nhưng khẳng định không tham gia vào vụ tấn công. Tuy vậy, nhà chức trách đã có bằng chứng về việc Marifah biết trước về cuộc tấn công cùng hoạt động tài trợ của đối tượng. Thời gian làm việc với chuyên gia Erin, Marifah tâm sự điều mà bà chưa từng nói với ai, rằng bà đã bỏ chồng vì bị hành hung. “Ông ta rất hung dữ, nên tôi muốn… trút cơn giận của mình vào một việc khác. Tôi đã trở nên nổi loạn vì sợ phải làm điều đó trong cuộc sống thực. Tôi đã phát tán sự tức giận của mình lên mạng xã hội, một cách điên cuồng. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến tôi bị nghi ngờ, bắt giữ” - Marifah nói.
Những người từng làm việc với các phần tử cực đoan nữ lưu ý rằng, có nhiều yếu tố có thể đẩy phụ nữ đến với chủ nghĩa khủng bố cũng như lôi kéo họ ra xa. Tùy theo từng cá nhân mà có thể giáo dục, cảm hóa họ. Tiến sĩ Ahmad El-Muhammady - một trong những chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Malaysia cho biết, ông từng theo dõi trên mạng suốt 2 - 3 tháng về một phụ nữ đang tìm hiểu tình hình ở Syria rồi tìm cách gặp cô ta. Theo ông, cô ấy đã gần bay đến Istanbul để gia nhập IS. Nhưng sau cuộc trò chuyện của họ, người phụ nữ đã từ bỏ ý định, thậm chí tiết lộ danh tính của những người đang tham gia mạng lưới của IS.
Bà Wahida A Abdulla - người điều hành tổ chức phi chính phủ Gagandilan Mindanao Women.Inc ở miền Nam Philippines, nơi nhóm phiến quân Abu Sayyaf hoạt động mạnh, đã tin rằng, nghèo đói và khó khăn làm tăng nguy cơ cực đoan hóa. Tổ chức của bà Abdulla giúp những phụ nữ từng mắc sai lầm có việc làm và thu nhập. Một trong những người mà họ đã giúp đỡ là Mhae, người sau khi kết hôn mới biết chồng mình là một chỉ huy của Abu Sayyaf. Vợ chồng họ sống chui lủi vì bị coi là kẻ thù của quân đội và chính phủ. Mhae hỗ trợ phiến quân bằng cách buôn lậu thuốc men, thực phẩm và đôi khi là đạn dược qua các trạm kiểm soát vì binh lính “khoan dung hơn” với phụ nữ. Sau khi chồng chết, Mhae bị truy lùng và sau đó tham gia chương trình đào tạo của Gagandilan Women. Bà Abdulla tin rằng, việc hình sự hóa những người phụ nữ sẽ khiến xã hội thêm xa lánh và hệ tư tưởng cực đoan cùng chủ nghĩa khủng bố cứ thế tiếp diễn. Cách tốt nhất để chống lại điều này là cảm hóa để họ thấy vẫn còn có ích cho xã hội.