Thấy thương thành phố này!
Tôi đi công tác ở tỉnh thường về vào khuya muộn. Khi xe chạy tới vị trí cao nhất của cầu Sài Gòn, cứ luôn tưởng chừng mấy tòa nhà gần như sát bên, lấp lánh, lung linh. Cảm xúc buổi đêm lúc ấy thật khó tả, vừa xúc động vừa tiêng tiếc cái gì chẳng rõ.
Trước đó là mấy đoạn cầu vượt chấp chới nối nhau ở Cát Lái. Nhìn quanh, các cao ốc chọc trời âm thầm len lén mọc lên hồi nào. Lòng người loay hoay hoài cổ, rằng mới đây thôi mà thành phố đổi thay nhanh quá. Với một người hay quên như tôi, đấy thực sự là một sự đánh đố nhau về đường sá, phố phường.
Tôi mê việc trồng cây làm vườn nên tham gia vào một nhóm có tên là “Thích trồng cây” trên mạng. Ở đó, tôi bắt gặp nhiều người quen, cùng hào hứng chia sẻ trải nghiệm, các vấn đề gặp phải khi làm nông dân nghiệp dư. Và hầu như cả nhóm đều có chung một nỗi niềm là đất thành phố đang... biến đi đâu, một miếng đất nhỏ thôi để thỏa niềm vui chăm sóc và ngắm cây nảy mầm đâm chồi cũng ngày càng khó kiếm. Có cảm giác việc sở hữu một mảnh vườn be bé với vài thứ cây ăn trái, trổ hoa theo mùa là một niềm ao ước xa vời.
Nhưng rồi cũng kiếm được, có điều rất xa trung tâm thành phố, đó là một miếng vườn nhỏ ở tít Củ Chi. Hôm đi công chứng sang tên, tôi bất ngờ trước sự tấp nập ở đó. Cái sảnh tương đối rộng ấy chẳng còn chỗ chen chân. Nhìn thôi, cũng có thể đoán được đâu là người mua kẻ bán. Những cặp vợ chồng quê, mân mê mấy tờ giấy chi chít chữ, đến ký tên còn vụng về. Còn những chủ nhân mới của đất lắm khi chẳng mấy tha thiết với màu xanh, chỉ mơ màng tới con số sinh lợi, khả năng thanh khoản của bất động sản. Và quanh đó, cò đất nhiều như trên một cánh đồng mùa gặt.
Tôi chợt nhớ bà già sống một mình trong căn nhà lợp mái lá kế bên khu vườn tôi mới tậu. Bà bảo nhà bà đã sống ở đây đến ba đời rồi. Thấy đất bây giờ có giá, mấy anh em bà đã bán đi nhiều; có người bán hết. Chỉ còn lại mình bà ráng giữ, không bán. Bà không con cái, trong gian nhà lá ọp ẹp chả có gì đáng giá. Chỉ có được miếng đất là nhiều người thèm muốn, trên đó những hàng cau, dâu da, sầu riêng, măng cụt hẳn là đã được trồng từ lâu lắm.
Bà già ấy chẳng nghĩ ngợi, háo hức gì với chuyện sốt đất. Không như nhiều người bắt đầu giàu lên từ đất. Xưa, một chị khách hàng của tôi đổi đời khi đại lộ Phạm Văn Đồng được xây dựng. Còn một người bạn sống cặp bờ kênh bốc mùi nay đã ra mặt tiền, mở quán bán buôn lặt vặt kiếm sống. Có anh sếp bảo rằng chẳng thấy thoải mái khi tình cờ gặp lại cô nhân viên cũ từng rất quý mến, người đã rời văn phòng trong sự khó hiểu của đồng nghiệp. Rằng vị trí sự nghiệp đang tốt thế, sao lại bỏ đi? Nhưng giờ thì anh sếp hiểu, bởi những đề tài mà cô nói chuyện với anh lúc gặp lại là mua đất chỗ này, đầu tư chỗ kia...
“Quyết định không đầu tư lướt sóng mà vui thú điền viên sớm, thật à?”. Cô bạn thân của tôi đã đùa như thế khi biết tôi không chung vốn kinh doanh bất động sản với bạn như dự định ban đầu. “Tớ chẳng dại mà ôm vào một cái vườn cây trái, ít sinh lợi nhuận, tốn công chăm mà chẳng mang lại cái gì thiết thực”, bạn tôi thẳng thừng.
Hôm ấy, tôi với bạn ngồi quán cà phê, dưới một con đường tàu điện đang xây dựng ở trên cao. Tôi lạc quan bảo, những công trình này, thành quả này sẽ quen thuộc với đời sống của đám nhóc con mình. Đứa trẻ đang học năm cuối của bậc tiểu học, sinh ra và lớn lên ở thành phố này, hẳn sẽ không đa cảm giống như mẹ nó, cứ hay day dứt ngẫm ngợi rồi tiếc nhớ vu vơ. Rằng đất đai vườn tược vì đâu cạn kiệt, một chỗ để dành cho cây giờ mắc mỏ hiếm hoi quá vậy, sao ngoài phố nhiều xe nhiều khói nhiều bụi đến đáng sợ.
Hoàng My
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293082/thay-thuong-thanh-pho-nay-.html