Thế giới bảo vệ người tố giác
Những người tố giác trên khắp thế giới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia hay các hành vi hủy hoại môi trường... Năm 2003, vai trò quan trọng của người tố giác, và nhu cầu bảo vệ người tố giác, đã được công nhận là một bộ phận của luật pháp quốc tế khi Liên Hợp Quốc thông qua Công ước chống tham nhũng. Công ước này đã được 140 quốc gia ký kết và được 137 quốc gia chính thức phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập.
Theo whistleblowers.org, hỗ trợ bảo vệ người tố giác trong luật pháp quốc tế cũng có thể được thấy trong Công ước của Liên minh châu Phi về phòng chống tham nhũng và Công ước của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ về chống tham nhũng. Nhiều tổ chức quốc tế cũng có ảnh hưởng trong việc thúc đẩy quốc tế áp dụng nhiều hơn các luật về tố giác và các thông lệ tốt nhất, bao gồm nhóm G20, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Ở cấp độ quốc gia, ngày càng có nhiều sự quan tâm trên toàn cầu trong việc xây dựng các luật về tố giác. Các biện pháp bảo vệ người tố giác đã được ban hành ở ít nhất 59 quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp bảo vệ và phần thưởng thích hợp, nhiều luật vẫn chưa hỗ trợ hiệu quả cho việc tố giác tội phạm.
Bảo vệ người tố giác ở cả khu vực công lẫn tư
Người tố giác là một trong những kênh tốt nhất để phát hiện tội phạm, nhưng họ thường bị trả thù vì hành động của mình. Đó là lý do tại sao các biện pháp bảo vệ người tố giác rất quan trọng. Theo một báo cáo năm 2016 của OECD, “Bảo vệ người tố giác là tuyến phòng thủ cuối cùng để bảo vệ lợi ích công”.
Trong các luật quốc tế về người tố giác, phạm vi bảo vệ có thể rất khác nhau. Luật pháp bảo vệ người thổi còi (người tố giác) ở một số quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, chỉ bảo vệ công chức. Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, cả công chức nhà nước lẫn người lao động ở khu vực tư nhân đều được bảo vệ.
Các quốc gia cũng khác nhau về việc ai có đủ tư cách là người tố cáo khu vực công hoặc tư nhân. Ở một số quốc gia, chỉ nhân viên Chính phủ mới có thể đủ điều kiện là người tố cáo khu vực công, trong khi ở các quốc gia, chẳng hạn như Mexico, Bồ Đào Nha và Na Uy, nhiều cá nhân, bao gồm nhân viên cũ, nhà thầu hoặc nhà cung cấp, có thể đủ điều kiện là người tố cáo khu vực công.
Trong lịch sử, ngày càng có nhiều luật bảo vệ nhân viên khu vực công, nhưng luật bảo vệ cả nhân viên nhà nước lẫn tư nhân ngày càng trở nên phổ biến. Luật Bảo vệ người tố giác ban đầu ở nhiều quốc gia đã tồn tại như một phần của luật hiện hành, nhưng luật riêng về bảo vệ người tố giác cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Vẫn còn nhiều khoảng trống và thách thức
Các biện pháp bảo vệ người tố giác cũng có thể có nhiều hình thức. Chúng bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm trả thù, quyền từ chối tham gia vào các hành vi sai trái, và trong một số trường hợp, bảo vệ thể chất cho người tố giác và các thành viên gia đình bị ảnh hưởng. Năm 2014, OECD nhận định, các quốc gia có luật tố giác toàn diện nhất là Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand và Vương quốc Anh.
Một trong những biện pháp bảo vệ quan trọng nhất đối với người tố giác là khả năng bảo vệ danh tính của họ bằng cách báo cáo bí mật hoặc ẩn danh. Hầu hết các quốc gia có luật tố giác bao gồm các điều khoản về bảo mật và ở một số quốc gia, chẳng hạn như Slovakia và Australia, cung cấp các con đường cho việc tố cáo ẩn danh.
Trong khi nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc bổ sung các biện pháp bảo vệ mới, các nghiên cứu vẫn tiếp tục chỉ ra những điểm yếu chính trong việc bảo vệ người tố giác. Theo báo cáo “Phá vỡ im lặng” của tổ chức phi chính phủ quốc tế BluePrint for Free Speech có trụ sở tại Australia và Đức, chuyên về các vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận, bao gồm bảo vệ người tố giác, quyền xuất bản, tính minh bạch của Chính phủ, quyền riêng tư về dữ liệu và tự do internet, các chương trình tố giác ở nhiều quốc gia G20 còn “thiếu các kênh tiết lộ thông tin ra bên ngoài được bảo vệ, thiếu sự bảo vệ đối với tính ẩn danh và thiếu sự giám sát chuyên dụng để tiếp nhận và điều tra các thông tin tiết lộ”.
Vào năm 2018, báo cáo BluePrint for Free Speech cũng đánh giá các luật về người tố giác ở Liên minh châu Âu. Báo cáo chỉ ra rằng, “hầu hết các luật được thực thi yếu và thất thường” và “nếu không có các cơ quan chuyên trách để tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ người tố cáo thì luật pháp không thể thành công trong việc bảo vệ người tố giác”. Tương tự, báo cáo năm 2019 của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được nhiều bước tiến trong việc xây dựng hoặc mở rộng luật tố giác, nhưng vẫn còn những khoảng trống và thách thức lớn trong quá trình thực thi.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-bao-ve-nguoi-to-giac