Theo anh vượt sóng về nhà - Kỳ 2: Giữa trùng khơi vẫn sống xanh ngời

Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Hải quân vùng 2 đi thăm và chúc Tết năm 2020 với cán bộ và chiến sĩ nhà giàn DK1 đã đi qua 9 nhà giàn, với vô số phương án mà chúng tôi vẫn gọi vui là 'diễn tập' để lên giàn nhưng đều chưa thể thực hiện được. Chỉ bởi vì trước mọi phương án, thì an toàn cho con người vẫn được ưu tiên hơn cả. Sóng vẫn dữ dội như vậy, ngày áp Tết đã cận kề, quà đã chuyển đủ cho các nhà và hai tàu trực: Trường Sa 06 và 924. Sao chúng tôi vẫn ngóng chờ, vẫn đợi mong… vào nhà giàn thứ 10.

Rồi em sẽ lên được nhà của anh

Suốt hơn 10 ngày hải trình, thủ trưởng đoàn và các cán bộ, kíp chỉ huy tàu 261 có rất nhiều đêm không ngủ. Thuyền trưởng tàu 261, Thượng úy Trần Văn Thanh tâm sự: Khi nhận nhiệm vụ chở đoàn công tác đi nhà giàn chúc Tết năm 2020 khi điều kiện biển sóng gió rất to, bản thân tôi không tránh được lo lắng, rất nhiều đêm tôi mất ngủ khi gần như tất cả các phần việc như chúc Tết, trao gửi quà đã xong nhưng đoàn công tác chưa thể lên thăm được nhà giàn nào.

Mùa áp Tết, mỗi khi miền Bắc đón thêm không khí lạnh, biển phía Nam lại động nhiều hơn. Tàu vào được nhà giàn không đơn giản chỉ là chuyện sóng cao hay thấp, mà còn phải phụ thuộc vào gió, vào dòng chảy… Chúng tôi vẫn cứ hi vọng, rằng nhà các anh ở kia, sẽ có phút nào đó chúng tôi được đặt chân lên, để gửi các anh hơi ấm, sự yêu thương, sự sẻ chia của đất liền.

Trong chuyến đi lần này, Đại úy Vũ Duy Hoàng, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 gần như là nhân vật xuyên suốt hành trình và các câu chuyện của tôi. Tôi đã chụp ảnh, phỏng vấn từ lúc anh bế con trên cảng Long Sơn – khi tàu chuẩn bị rời bến, chia tay gia đình và người thân để nhận nhiệm vụ công tác mới. Suốt những ngay sóng gió trên tàu, cứ lúc nào có sóng điện thoại, anh lại gọi về nhà để nhờ người giúp sửa lại khóa cổng hay khóa vòi nước. Đại úy Hoàng nhận nhiệm vụ khi nhà anh ở đất liền đang xây dở, anh tâm sự: “Chuyện nhận nhiệm vụ đi xa đối với người lính như anh mà nói, đó là công việc thường xuyên, liên tục. Anh và nhiều đồng chí, đồng đội đã quen rồi. Nhưng anh cũng muốn vẹn cả đôi bên, lo được căn nhà vững chắc cho mẹ, cho vợ anh và con gái ở nhà đón mùa xuân mới, ấm áp, khang trang hơn”.

Đại úy Vũ Duy Hoàng và trao đổi với tác giả bài viết.

Đại úy Vũ Duy Hoàng và trao đổi với tác giả bài viết.

Quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, Đại úy Hoàng đã có 18 năm trong quân ngũ với vốn kinh nghiệm nhiều năm đi tàu rất đáng nể. Đến mức mà nhìn dòng nước, nhìn sóng, anh có thể biết được tình hình biển những ngày tới. Khi tàu đi qua DK1/7 bãi cạn Huyền Trân, chỉ huy đoàn đã tính nhiều phương án để lên giàn. Nhưng sóng lớn, dòng chảy không thuận khiến tất cả các phương án đều không thể thực hiện được. Lỗi hẹn với Huyền Trân DK1/7 hai lần, ai nấy cũng rơm rớm nước mắt. Nhất là khi qua loa chúc Tết, các cán bộ, chiến sĩ trên DK1/7 đã nhắn rằng: “Anh em đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đoàn rồi! Thế mà chúng tôi vẫn phải vẫy tay chào, tung lá cờ Tổ quốc thắm đỏ với lời nhắn: Hẹn các anh lần sau”.

Tàu quay đầu rời Huyền Trân, Đại úy Vũ Duy Hoàng trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ngày mai trên đường quay về, qua Phúc Tần, với sóng này, rồi các em sẽ lên được nhà của anh”. Không hiểu sao lúc đó tôi rất tin vào lời anh nói. Người lính với màu da nhuốm nắng gió biển, ánh mắt từng trải và khuôn mặt đầy kiên nghị, với nhiều tâm sự về gia đình đã tiếp thêm nhiều nghị lực cho chúng tôi về cái ngày mai ấy…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á – người rất nhiều năm gắn bó với đề tài ảnh về biển đảo Việt Nam cũng tham gia hải trình lần này rất thích khuôn mặt của Đại úy Vũ Duy Hoàng. Nghệ sĩ Nguyễn Á cứ nói: Hoàng ít nói mà nhiều trải nghiệm, nam tính, ở Hoàng là một sự tin tưởng đong đầy trong ánh mắt…

Đại úy Vũ Duy Hoàng bên vườn rau xanh trên nhà giàn DK1/16. Ảnh: P.T

Đại úy Vũ Duy Hoàng bên vườn rau xanh trên nhà giàn DK1/16. Ảnh: P.T

Giữa biển trời vẫn sống yêu đời

Và cái “ngày mai” đó đúng là đến thật. Khác lúc đi qua Phúc Tần, biển động dữ dội, ngày cuối của hải trình khi chúng tôi về qua Phúc Tần, dòng chảy hiền hòa hơn, trời cao xanh hơn, sóng cũng dịu dàng hơn. Nhà giàn DK1/16 gần ngay trước mặt. Đại Úy Vũ Duy Hoàng lên giàn đầu tiên theo hình thức đu dây. Trên boong chỉ huy, Đại tá Nguyễn Văn Thắng – trưởng đoàn thông báo: “Tình hình lên giàn an toàn, các đồng chí đại biểu, PV xếp hàng theo danh sách để lên giàn bằng dây, chú ý theo đúng hướng dẫn”.

Là một trong 4 PV nữ của đoàn, tôi thuộc tốp được lên giàn đầu tiên. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được phút đặt chân xuống giàn, phải đứng chậm lại, quen với mặt phẳng không chao nghiêng để tránh cảm giác “say đất liền”. Đại úy Vũ Duy Hoàng đã thay xong quân phục. Anh đón từng đợt cán bộ, PV lên giàn, đôi mắt ánh lên niềm vui: “Các anh chị em lên đi, xem anh em chúng tôi sống ở nhà giàn thế nào”.

Nhà giàn đây rồi, nhà giàn thật đây rồi! Đó là cảm giác mà tất cả chúng tôi – những người lần đầu tiên được lên giàn thốt lên. Từ 30 năm trước, những con tàu đơn sơ vượt sóng vượt gió tìm “đất” xây nhà giàn trên biển nhằm bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam. Để rồi từ đó đến nay, những nhà giàn cắm chân giữa trùng khơi, như một cột mốc vững chắc canh giữ thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Chúng tôi đang được đứng ở cột mốc trên biển của đất nước mình – thiêng liêng biết mấy, tự hào biết mấy.

Như nhiều nhà giàn khác thuộc DK1, nhà giàn DK1/16 được cải tạo, xây dựng khang trang hơn. Khu sinh hoạt của các chiến sĩ được thiết kế bằng thép và được sơn mầu vàng chống rỉ sét. Tất cả đều được thiết kế chịu được những cơn bão lớn. Nhà giàn cũng được trang bị máy lọc nước biển để cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng như nước canh tác rau xanh của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Việc đầu tiên mà Đại úy Vũ Duy Hoàng dẫn chúng tôi đi lên giàn chính là sang thắp hương cho liệt sĩ Tạ Ngọc Tú – anh hi sinh ngày 21-04-2001 khi đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn.

Cuộc sống ở trên nhà giàn của các anh hiện ra trước mắt chúng tôi rất ngăn nắp gọn gàng. Ngoài các khu kỹ thuật, các anh có phòng sinh hoạt chung, phòng ở, phòng bếp tất cả đều đúng tác phong quân đội – đâu vào đấy, sạch sẽ, khoa học. Vườn rau của các anh vẫn xanh ngắt trong điều kiện thiếu nước ngọt. Đại tá Đinh Văn Thắng yêu cầu cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/16 không được lấy quà Tết gửi từ đất liền ra đón đoàn công tác, bởi quan trọng nhất là đoàn công tác được giao lưu, được có thêm tư liệu, hình ảnh về cuộc sống của các anh. Giữa trùng khơi, tiếng hát của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/16 vẫn vang lên: “Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời/Giữa biển trời vẫn sống yêu đời/Lính nhà giàn là thế đó”.

Tôi ghi những dòng cảm xúc của mình vào sổ truyền thống của nhà giàn, cuốn sổ rất dày, nhưng mới có vài trang viết. Đại úy Vũ Duy Hoàng bảo từ khi có nhà giàn đến nay, đây mới là lần thứ 2, DK1/16 đón được đoàn công tác từ đất liền ra mà lên được giàn…

Qua nhiều nhà giàn thuộc DK1, chúng tôi không thể lên được do sóng lớn, Đại tá Đinh Văn Thắng thay mặt Bộ tư lệnh vùng 2 cùng đồng bào chiến sĩ cả nước gửi lời chúc đến cán bộ chiến sĩ nhà giàn qua loa. Lần nào Đại tá cũng hỏi: Có đồng chí PV nào gửi lời chúc đến các anh không. Giữa không gian xúc động ấy, tôi biên vội mấy dòng thơ gửi cho các anh:

“Gửi tặng anh những yêu thương của đất liền
Những nhớ mong của gia đình, người thân và đồng đội
Gửi tặng anh những điều quý giá nhất
Là tấm lòng của các nước hướng về anh”

(Còn nữa)

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/theo-anh-vuot-song-ve-nha-ky-2-giua-trung-khoi-van-song-xanh-178686.html