Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm thao thiết cùng 'Viết chờ sen lên' của tác giả Trần Nam Phong

Để bạn đọc cảm nhận được nét đặc sắc trong tập thơ 'Viết chờ sen lên' của tác giả Trần Nam Phong, chúng tôi giới thiệu bài viết của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm về tập thơ này.

Một tập thơ khá đầy đặn về mọi lẽ được chia làm ba phần: Phần thứ nhất là “ Nơi bắt đầu”; Phần thứ hai mang tên vừa gợi mở lại vừa mênh mông như “Thời gian” và phần thứ ba báo trước những khám phá khi tác giả đến với “Mật Mã không gian” của tâm hồn.

Có lẽ không nên và không thể vội vã đối với thơ ca, nhất là những bài thơ đã ẩn chứa sau mỗi câu chữ một cái gì đó - Vậy bạn đọc thân mến! Hãy cùng với tôi thong thả đến với từng phần một, như chính nhà thơ Trần Nam Phong của chúng ta đã nhẹ nhàng cầm lấy cây bút và thong thả “Viết chờ sen lên”.

Tập thơ "Viết chờ sen lên”

Tập thơ "Viết chờ sen lên”

NƠI BẮT ĐẦU CHIÊM BAO, TÌNH YÊU VÀ NGUỒN CỘI

Ấn tượng đầu tiên của tôi ở phần này là trạng thái nửa thực nửa ảo trong thi pháp của tác giả - Có tới ít nhất bốn lần Trần Nam Phong nhắc tới những giấc chiêm bao, mỗi lần nhắc một khác, nhưng tựu trung đều cố gắng chạm tới ý nghĩa nhân sinh của cõi con người. Vấn đề quả là quá lớn lao, nhưng may mắn thay và cũng kỳ lạ thay, nhà thơ đã tìm được một cách diễn đạt nhẹ nhàng như không:

Mang theo cái mộng làm người

Đơn sơ thao thiết nửa đời còn xa

Trời làm đôi hạt mưa hoa

Nửa thương, nửa nhớ như là chiêm bao

(Gió cành đa)

Bầu trời đời thực thường buông xuống một cơn mưa hay một trận mưa, còn bầu trời ở đây chỉ buông xuống đôi hạt mưa là bầu trời của thi ca, của tâm hồn, của riêng Trần Nam Phong.

Những giấc chiêm bao nối theo nhau tựa như một cứu cánh – dắt nhà thơ chân lấm tay bùn đi qua bao tiếng khóc nụ cười trên cánh đồng chữ nghĩa thấm đẫm gian lao:

Thời gian lấy nhớ làm quên

Lấy mưa làm nắng qua miền hanh hao

Ta về cày ải chiêm bao

Cày lên cát trắng gió lào tuổi thơ

(Gửi người đi xa)

"Viết chờ sen lên", tập thơ được giới chuyên môn đánh giá cao

"Viết chờ sen lên", tập thơ được giới chuyên môn đánh giá cao

Ấn tượng tiếp theo của tôi là tiếng gọi mẹ ơi cùng với tiếng mõ từ bi, cứ da diết và ngân nga đâu đó trên từng trang viết. Nhắc tới mẹ cũng chính là nhắc tới cội nguồn, nhắc tới quê hương từ thủa nhà thơ cất tiếng khóc chào đời – một quê hương bình dị mà lung linh ảo huyền và khiến chúng ta phải nặng lòng đến thế:

Nắng mưa đắp đổi vuông tròn

Nắng cong đòn gánh, mưa mòn võng ru

Cột kèo dựng giữa thiên thu

Sen thơm vào hạ, cu gù lũy tre

(Về quê)

Và bên hương sen thơm cùng với ấm áp tiếng cu gù – là tiếng mõ của yêu thương khe khẽ vang lên từ trái tim dành cho trái tim – những trái tim không có tuổi, những trái tim trẻ mãi không già với tình yêu đôi lứa, với tình yêu cội nguồn:

Ước chi sau ngàn năm thức dậy

Lại thấy em trên mặt địa cầu

Em vấn vít tơ hồng trước ngõ

Em mơ màng đôi mắt bồ câu

(Gửi em ngàn năm sau)

Có một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng và thanh cao, nhưng rất khó để diễn đạt thành lời – Tôi đành lặng im lắng nghe những lời thơ, đúng ra là những lời khấn thầm thì, những lời khấn nghẹn ngào của chính tác giả:

Lạy cây, lạy cỏ

Lạy ngõ, lạy vườn

Lạy nếp nhà mưa nắng

Lạy đêm trắng hoa cau

Lạy nỗi đau nguồn cội

Lạy lời nguyền khói hương

(Khúc hát ngày về đất tổ)

Trong phần thứ nhất này, có rất nhiều câu thơ hay và mang đậm chất thi sĩ của Trần Nam Phong, nhưng rất tiếc là tôi không thể trích dẫn ra hết được. Song nếu để chọn ra một câu mà tôi thấy yêu mến và đồng cảm nhiều nhất, tôi sẽ chọn tám dòng thơ sau đây trong bài “Thơ gửi mẹ ngày giáp hạt”:

Hoa nở tím bờ tím dậu

Tiếng gà khắc khoải rào thưa

Lối nào mẹ tôi chạy chợ

Nôn nao đòn gánh bán mua

Thế sự một năm một tháng

Thiên cơ chỉ tính bằng giờ

Bánh chưng bóc rồi ta khóc

Đất trời vuông tạc như mơ

Tác giả “Viết chờ sen lên” Trần Nam Phong

Tác giả “Viết chờ sen lên” Trần Nam Phong

THỜI GIAN THẢNG THỐT – THỜI GIAN ĐỒNG VỌNG

Thời gian bên cạnh những cái chung nhất, vẫn có những cái rất riêng tư của mỗi con người – Đối với nhà thơ Trần Nam Phong lại càng đúng như vậy! Thời gian của anh có đầy đủ cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Và một ngày của anh bao gồm trọn vẹn sớm, trưa, chiều, tối – từ bình minh cho tới hoàng hôn. Cái khác biệt cơ bản nằm ngay trong ngòi bút của thi sĩ - Đó là một thời gian tràn đầy nỗi niềm thảng thốt cùng với bao âm thanh xao xuyến của sự đồng vọng.

Khi đứng trước mùa xuân, đứng trước sân chùa – nhà thơ Trần Nam Phong đã thành kính thốt lên từ trong sâu thẳm lòng mình – một tiếng thốt kêu thật quyến luyến với bước đi của thời gian và cũng đầy bàng hoàng trước màn hoa huyền bí:

Mùa xuân không ngắn, không dài

Mùa xuân sẽ trở lại

Mái chùa là một sân ga

Trắng ngần hoa đại

Hoa của mọi loài hoa

(Xuân)

Tâm trạng thảng thốt với thời gian còn được nhà thơ gửi gắm ở trong những câu hỏi – những câu hỏi mà chúng ta và ngay cả Trần Nam Phong cũng không thể trả lời cho rõ ràng được:

Bình minh trắng

Hoàng hôn nâu

Thế giới muôn màu

Sao áo em lại tím

(Thời gian)

Không chỉ thảng thốt với màu áo tím, anh còn tiếp tục hỏi và tiếp tục thảng thốt với chính bản thân mình:

Là ai tôi đã chào đời

Là ai, tôi đã khóc cười trăm năm

Buồn vui chín khúc ruột tằm

Nhẹ tênh hồn vía, đăm đăm dáng hình

(Viết chờ sen lên)

Thời gian trong thơ của anh đúng là làm cho bạn đọc không ngừng thảng thốt – Thời gian đã có lúc không được tính bằng giờ, bằng ngày, bằng tháng, bằng năm mà lại được tính bằng cả một kiếp người :

Người đi ra bể tìm sông

Ta về nhặt cái mênh mông cõi người

Mà sao trĩu nặng trong đời

Mây bay kiếp trước, mưa rơi kiếp này

(Lục bát mùa thu)

Và còn đây nữa, cũng chỉ với mấy câu thơ thôi mà Trần Nam Phong khơi gợi trong ta sự dằng dặc của thời gian, sự dằng dặc còn hơn cả một kiếp người:

Nhớ nàng kiếp trước không anh

Kiếp này chưa kịp để thành lứa đôi

Nhớ ai vời vợi mây trời

Anh bao nhiêu kiếp để đời có em

(Người trăm năm)

Bên cạnh thời gian thảng thốt là thời gian đồng vọng trong thơ Trần Nam Phong - Anh dành cảm xúc cho cả bốn mùa và mùa thu vừa gần gũi lại vừa thân thiết với nhà thơ như một người bạn:

Nối máy gọi mùa thu

Nghe tiếng chim gù

Trước cửa

(Tìm thu)

Với tiếng ve kêu, với màu phượng cháy – Anh đã có hẳn 5 khúc ca viết về mùa Hạ và tạo nên một thời gian đồng vọng của tâm hồn:

Em về ngủ giữa hồn tôi

Ve sôi, phượng lửa, bờ môi nghẹn lời

Trong mơ em nhoẻn miệng cười

Mà sao anh thấy đất trời rưng rưng

(Khúc hạ 3)

Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm thao thiết cùng “Viết chờ sen lên”

Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm thao thiết cùng “Viết chờ sen lên”

MẬT MÃ KHÔNG GIAN GIỮA ĐẤT VÀ TRỜI

Trong phần cuối cùng của tập thơ “ VIẾT CHỜ SEN LÊN”, những con chữ có sức ám ảnh với tôi nhiều nhất nằm trong bài “Tiễn Cha” – Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã cất lên một câu hỏi quặn lòng từ trong vô thức:

Bảy mươi chín tuổi cha đi

Câu thơ con viết còn gì nữa không

Rồi tiếp đó trong cảnh thu tàn và mùa đông lạnh lẽo sắp sửa tời gần – Trần Nam Phong nhìn đất, nhìn trời, nhìn mẹ, rồi nhìn vào chính giữa trái tim mà khóc:

Đất trời cách một thang mây

Xót thương mình mẹ hao gầy cuối thu

Heo may vọng tiếng chim gù

Xin cha nghe lại lời ru buổi đầu

Xin trời một trận mưa mau

Hương hoa thấm đất xanh màu cỏ lên

Đất trời tuệ giác vô biên

Cầu cha đến đến được những miền thong dong

Và miền thong dong ấy – đã hiện lên thực sự trong ánh nắng từ bi, trong lộc vừng dâng tràng hạt và trong quả kết chuông đại cát trên mọi nẻo đường trầm luân của mỗi chúng sinh:

Chờ mãi chẳng thấy người quen

Thập phương tứ xứ sang hèn như nhau

Người vào trước, kẻ ra sau

Vô Biên là họ, Nhiệm Màu là tên

(Bên cổng đền Chợ Củi)

Đôi khi chính sự im lặng của trời và đất cũng là một thứ ngôn ngữ, một thứ “Mật mã không gian” không cần giải nghĩa mà chỉ cần cảm nhận, như chúng ta đã từng cảm nhận được hương thơm của Đức Hạnh:

Trời có nói gì đâu

Mà bốn mùa hoa trái

Đất có nói gì đâu

Mà dòng sông chảy mãi

(Viết ở Chùa Long Sơn)

Khi nhắc tới những người đã ngã xuống vì bốn mùa hoa trái, vì những dòng sông chảy mãi của quê hương – ý thức công dân của nhà thơ Trần Nam Phong đã cháy bùng lên ngay trên đầu ngòi bút:

Bao mộ chí vẫn xếp hàng đồng đội

Bao mơ ước thắp lên dân hỏi

Những cung đường máu nở thành hoa

Câu hỏi muôn đời nhắc nhở chúng ta

(Viết ở ở Ngã ba Đồng Lộc)

Trước khi khép lại đôi dòng tâm tình của mình với tập thơ “ VIẾT CHỜ SEN LÊN” – Tôi muốn gửi tới nhà thơ Trần Nam Phong mấy câu thơ thay cho một lời chúc – Và tôi chắc là anh cũng đã thuộc lòng, vì đó chính là những câu thơ của anh đã viết :

Đi tận cùng yêu thương

Gặp mùa sen đất nước

Như ngọn gió quê ta

Thổi hồn ngàn năm trước

(Xuân sớm)

Tôi tin tưởng là nhà thơ sẽ đi đến tận cùng của niềm yêu thương cũng như sự sáng tạo. Bởi vậy tôi có quyền hy vọng và có quyền đón đợi những bài thơ mới mẻ hơn nữa, ám ảnh hơn nữa, thao thiết hơn nữa từ ngòi bút của Anh.

Hà Nội – Mùa Sen 2019

Hoàng Nhuận Cầm

Tác giả TRẦN NAM PHONG

Quê quán xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Cử nhân khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Huế

Cử nhân Chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thạc sỹ Chính trị học- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/thi-sy-hoang-nhuan-cam-thao-thiet-cung-viet-cho-sen-len-cua-tac-gia-tran-nam-phong-d149008.html