Thị trường tiền tệ tuần 12-16/12: Lãi suất vẫn là tâm điểm của tuần

Lãi suất vẫn là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ tuần qua, nhưng theo một diễn biến khác so với giai đoạn trước. Trong nước, các ngân hàng đang đặt quyết tâm đồng thuận hạ lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra; trong khi ở phạm vi quốc tế, FED tiếp tục tăng lãi suất, nhưng đây là lần tăng đã được dự báo trước và nằm trong lộ trình tăng lãi suất chậm dần.

Cam kết mạnh mẽ hơn quyết tâm hạ lãi suất

Tuần qua, một lần nữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã họp và đi đến sự đồng thuận quyết tâm hạ lãi suất cho vay với mức trung bình khoảng 0,5 - 2%. Để có sơ sở hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng đã tái khẳng định lại cam kết trước đó của các thành viên VNBA là dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động, giữ mức tối đa là 9,5% với mọi kỳ hạn (kể cả khuyến mại).

Các ngân hàng quyết tâm giảm lãi suất cho vay khoản 0,5% - 2%. Ảnh: T.L

Các ngân hàng quyết tâm giảm lãi suất cho vay khoản 0,5% - 2%. Ảnh: T.L

Tín hiệu tích cực từ nới room, tỷ giá vào giai đoạn giảm sâu

VNBA cũng đã nhắc nhở một số ngân hàng vi phạm cam kết (vẫn để lãi suất huy động trên 9,5%) phải chấn chỉnh nghiêm túc thực hiện cam kết. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của các ngân hàng đó phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết này để giữ uy tín chung của ngành ngân hàng, không để tình trạng cam kết nhưng không thực hiện.

Tăng vai trò của thị trường mở và thị trường liên ngân hàng

Để dừng cuộc đua tăng lãi suất nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng có nhu cầu, NHNN đồng ý với đề xuất của VNBA tăng thời hạn cấp vốn cho các ngân hàng trên thị trường mở, đồng thời chấp nhận cầm cố ngoại tệ hoặc mua hẳn ngoại tệ.

Các ngân hàng cũng cam kết chia sẻ thanh khoản tối đa trên thị trường liên ngân hàng cho các ngân hàng khác có nhu cầu. Trong cuộc họp mới đây với các thành viên VNBA, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ sử dụng tối đa mọi công cụ để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng, dù là ngân hàng lớn hay nhỏ.

Thông điệp hạ lãi suất của các thành viên VNBA lần này được hậu thuẫn khá mạnh mẽ từ phía lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Ngay cả với lãi suất cho vay, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay phải giảm thực chất, không phải giảm với một vài khách hàng cho có, mà phải trên diện rộng để có tác dụng thực sự thể hiện quyết tâm đồng hành chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng với nền kinh tế.

Động thái quyết tâm hạ lãi suất của ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ giải tỏa bớt khó khăn về vốn, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp và người dân, nhất là giai đoạn cuối năm dương lịch và dịp giáp Tết nguyên đán sắp tới.

FED tiếp tục tăng lãi suất

Trên thị trường tài chính quốc tế, thông tin đáng chú nhất diễn ra trong tuần là việc Cục dự trữ liêng bang Mỹ (FED) tăng lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản, lên khoảng 4,25 - 4,5%. Đây tuy là mức lãi suất cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng động thái này đã nằm trong dự đoán từ trước và lần tăng lãi suất này của FED đã có biên độ tăng hẹp hơn so với các lần tăng trước.

Hướng tới năm 2023, FED sẽ có xu hướng điều chỉnh mức tăng lãi suất xuống chỉ còn 25 điểm cơ bản mỗi lần trong bối cảnh lạm phát dự kiến sẽ hạ nhiệt dần và giới tài chính quốc tế đặt kỳ vọng làn sóng tăng lãi suất trên thế giới sẽ chấm dứt vào năm cuối 2023.

Về tác động trong nước, việc FED tăng lãi suất lần này ít ảnh hưởng lên lãi suất và tỷ giá đồng nội tệ do Việt Nam đã có xuất siêu khá lớn trong 11 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh… Theo đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào giúp tỷ giá sẽ vẫn có thể giữ ổn định cho dù đồng USD có thể tăng giá so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế.

Dòng vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.L

Dòng vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: T.L

Tỷ giá ổn định trong tuần

Sau nhịp giảm mạnh, tỷ giá tuần qua bước vào giai đoạn ổn định. Trong tuần, NHNN công bố tỷ giá trung tâm có 1 phiên đứng giá, trong khi các ngày còn lại đều giảm, nhưng mức giảm rất nhẹ với bình quân mỗi phiên chỉ giảm khoảng 1 đến 2 đồng mỗi USD.

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã có những phiên tăng giảm xen kẽ nhau. Ngân hàng này hôm đầu tuần đã điều chỉnh tăng tỷ giá niêm yết, nhưng sau đó đã có 3 phiên điều chỉnh giảm liên tục trước khi tăng tỷ giá vào hôm thứ sáu cuối tuần. Sáng thứ sáu cuối tuần, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 23.410/23.440/23.720 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra).

Việc tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định cũng là một trong những cơ sở để NHNN và các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong việc điều tiết nguồn vốn nội tệ cho nền kinh tế. Trong đó, những động thái đã được đưa ra thời gian qua như việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thuận hạ lãi suất của các ngân hàng… cũng có cơ sở để thực hiện chủ động hơn.

Giá vàng đi vào xu hướng giảm

Trong tuần, giá vàng có 2 phiên giảm điểm đầu tuần, tăng giá một phiên giữa tuần, sau đó giảm vào ngày hôm sau đó và tăng trở lại vào phiên cuối tuần. Nhìn trên bình diện cả tuần, giá vàng diễn biến trong xu hướng giảm.

Đầu tuần, giá vàng 9999 SJC Hà Nội giảm 100 nghìn đồng/lượng so với kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, ghi nhận ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 67,17 triệu đồng/lượng bán ra. Sau đó, giá vàng trải qua một số phiên trồi sụt và chốt tuần ở mức 66,05 triệu đồng/lượng mua vào và 66,87 triệu đồng/lượng bán ra. Với diễn biến này, giá vàng phiên cuối tuần đã ở mức thấp hơn khoảng 300.000 đồng/lượng so với hôm đầu tuần.

Tác động giảm của giá vàng một phần chịu ảnh hưởng của diễn biến đi xuống của giá vàng thế giới. Theo đó, việc FED tăng lãi suất làm cho đồng USD tăng giá trên thị trường tiền tệ quốc tế, dẫn đến tác động tiêu cực lên giá vàng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước dự báo sẽ khó giảm tiếp trong thời gian tới bởi đồng nội tệ vẫn khá vững giá so với USD.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Một trong những thông điệp trong tuần qua là việc NHNN đã có cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo NHNN, đến cuối tháng 11/2022, huy huy động vốn của ngành ngân hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021; dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-tien-te-tuan-12-1612-lai-suat-van-la-tam-diem-cua-tuan-118831.html