Thị trường trong nước dần bão hòa, doanh nghiệp phân bón tìm đường xuất khẩu?

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường phân bón Việt Nam hiện đã bão hòa do nguồn cung phân ure, phân lân và NPK vượt quá nhu cầu. Trước tình hình đó, một số ý kiến phân tích cho rằng các doanh nghiệp đang tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu phân bón ra thế giới.

Trong ngắn hạn, dự báo "cung vượt cầu" diễn ra ở nhiều mặt hàng

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã tự chủ được trong việc sản xuất phân Urê, phân lân và NPK, trong khi nhập khẩu hoàn toàn phân Kali, do Việt Nam không có quặng Potash. Hiện nay tổng công suất sản xuất các loại phân bón trong nước đều vượt nhu cầu tiêu thụ mỗi năm.

Theo phân tích ngành phân bón mới công bố của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các doanh nghiệp đang tìm hướng xuất khẩu sản phẩm phân bón ra thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu phân bón kỳ vọng đến từ sự chiếm thị phần của các nước khác thay vì trông chờ vào tăng trưởng tự nhiên khi nguồn cung thế giới cho từng loại phân bón dự báo nhiều hơn nhu cầu.

Top 10 nước xuất khẩu phân đạm và phân 2-3 nguyên tố trên thế giới. Ảnh: VDSC

Top 10 nước xuất khẩu phân đạm và phân 2-3 nguyên tố trên thế giới. Ảnh: VDSC

Trong giai đoạn 2024-2028, Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA) dự báo tình trạng tổng cung vượt tổng cầu sẽ diễn ra ở nhiều sản phẩm.

Như với Ure, tổng công suất thế giới được dự báo đạt 165,9 triệu tấn trong năm 2024 và tăng lên 177,8 triệu tấn trong năm 2028 (+7,1%), tương đương mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 1,5% trong giai đoạn 2024 đến 2028. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 6% cho giai đoạn 2024-2028. Vì vậy, phân Ure dự kiến sẽ dư cung từ 3,6 triệu tấn vào năm 2024 lên 5,1 triệu tấn vào năm 2028.

Tổng công suất phân Photpho dự kiến tăng từ 54,3 triệu tấn năm 2023 lên 60,3 triệu tấn năm 2028, tương đương tăng 11%. Trong khi đó, nhu cầu phân Photpho chỉ tăng 8%. Vì vậy, phân Photpho dự kiến dư cung như năm 2023, tương đương dư 14% tổng công suất trong năm 2028.

Tương tự với phân Kali, tổng công suất cũng dự kiến tăng từ 52,1 triệu tấn lên 58,9 triệu tấn trong năm 2028, tương đương tăng 13%. Nguồn cung tăng chủ yếu đến từ Nga và Belarus. Trong khi đó, nhu cầu phân Kali chỉ tăng 10%. Từ đó, lượng phân bón Kali dự kiến dư 9,1 triệu tấn trong năm 2028, tăng từ mức 8,6 triệu tấn trong năm 2023.

Đối với năm 2024, tổng nhu cầu đối với phân N, P và K đạt 203,7 tấn (+3% svck) nhờ khả năng chi trả cải thiện sau khi giá phân bón giảm. Trong đó, tiêu thụ phân bón N, P, K dự đoán đạt lần lượt 115,6 triệu tấn (+1,9%), 48 triệu tấn (3,2%) và 40 triệu tấn (+5,5%).

Các doanh nghiệp của Việt Nam đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khi nhu cầu thế giới cao. Tuy nhiên, việc giành được thị phần của các cường quốc xuất khẩu Ure còn nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất phân Ure của Việt Nam cao hơn nhiều nước do chi phí đầu vào để sản xuất đạm của Việt Nam đang cao hơn đáng kể so với các nước sản xuất đạm lớn như Nga, Ai Cập, Trung Quốc.

Top 25 nước nhập khẩu phân đạm và phân 2-3 nguyên tố trên thế giới năm 2023. Ảnh: VDSC.

Top 25 nước nhập khẩu phân đạm và phân 2-3 nguyên tố trên thế giới năm 2023. Ảnh: VDSC.

Triển vọng giá bán phân bón trong ngắn hạn vẫn chưa tích cực

Về triển vọng giá bán phân bón, theo số liệu của World Bank, giá bán trung bình các loại phân bón dự kiến sẽ giảm trong 2024 và 2025 khi nguồn cung dự kiến tăng do Ấn độ và Brazil tăng công suất để giảm nhu cầu nhập khẩu, trong khi Trung Quốc vẫn còn hạn chế xuất khẩu.

Ngược lại, giá Ure trong nước hiện nay vẫn duy trì ổn định ở mức 10 nghìn đồng/kg và kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong vụ Đông Xuân trong biên độ 5%-10% khi nhu cầu nông sản quay trở lại tuy nhiên mức tăng sẽ không quá cao khi giá Ure thế giới vẫn duy trì ổn định ở vùng 300-350 USD/tấn. Giá phân bón Urea nội địa tương quan với giá phân bón thế giới với hệ số tương quan là 0,9.

Trong một nhận định khác, công ty Chứng khoán VCBS nhận định, giá phân bón urê sẽ tăng vào cuối quý III khi bước vào vụ Đông Xuân do thị trường urê vẫn chịu nhiều áp lực về nguồn cung. Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, ngô) của thế giới.

Cùng với kỳ vọng giá phân bón sẽ tăng từ cuối quý III, Công ty Chứng khoán FPTS dự báo nhu cầu tiêu thụ phân urê trong nước cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhờ hai yếu tố hỗ trợ: Thứ nhất, diễn biến thời tiết thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp. Hoạt động canh tác trong năm 2023 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hiện tượng El Nino (thời tiết khô hạn) dẫn đến nhu cầu phân bón giảm; Thứ hai, giá nông sản dự báo tăng, hỗ trợ khả năng chi trả phân bón của nông dân.

Trên cơ sở dự báo giá và sức cầu phân bón tăng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2024 được các công ty chứng khoán dự phóng tăng trưởng so với năm ngoái. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán FPTS, lãi ròng của Đạm Phú Mỹ (mã: DPM) trong năm nay ở mức 677 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. DSC dự phóng lãi ròng năm 2024 của Đạm Cà Mau (mã: DCM) ở mức 1.780 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Còn ABS dự phóng lợi nhuận sau thuế năm nay của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) đạt 235,8 tỷ đồng, tăng 58,7% so với năm 2023.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thi-truong-trong-nuoc-dan-bao-hoa-doanh-nghiep-phan-bon-tim-duong-xuat-khau.html