Thích ứng với khí hậu hay bảo tồn di tích?

Các đô thị châu Âu đang tiến thoái lưỡng nan trước việc ứng phó với mức nhiệt ngày càng tăng bằng cách cải tạo, trồng nhiều cây xanh hay giữ nguyên kiến trúc, bảo tồn không gian tại các công trình lịch sử.

Công trình cải tạo tại Michaelerplatz ở Vienna, Áo. Nguồn: Bloomberg.

Công trình cải tạo tại Michaelerplatz ở Vienna, Áo. Nguồn: Bloomberg.

Du khách đến Thủ đô Vienna của Áo đều được chỉ dẫn đến Michaelerplatz - một quảng trường lát đá cuội hình tròn ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, vào những tháng mùa hè, khi vỉa hè của quảng trường biến nơi này thành một “hòn đảo nhiệt”, thì việc tham quan không phải lúc nào cũng là một trải nghiệm dễ chịu. Đó là lý do tại sao thành phố Vienna đã cải tạo mở rộng các khu vực dành cho người đi bộ bằng cách trồng cỏ và cây trước khi kết thúc năm 2024. Tuy nhiên, điều này đã gây ra một sự xáo trộn.

Các chuyên gia kiến trúc đã cảnh báo rằng, việc cải tạo có thể gây nguy hiểm cho vị thế của trung tâm lịch sử này với tư cách một di sản văn hóa thế giới. Trong một lá thư gửi thị trưởng thành phố Vienna, 400 chuyên gia ký thư cho rằng, cây cối sẽ che khuất các tòa nhà được bảo vệ của quảng trường và cản trở tầm nhìn chính. Các chuyên gia kêu gọi thành phố hủy bỏ các kế hoạch đã được sửa đổi.

"Đề xuất phủ xanh Michaelerplatz là hoàn toàn sai lầm, vì việc thiết kế lại sẽ phá hủy bản sắc của một trong những quảng trường đáng nhớ nhất châu Âu. Tôi cũng nghi ngờ rằng, nó sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình tái phát triển khí hậu của trung tâm thành phố" - ông Ákos Moravánszky - Giáo sư danh dự về Lý thuyết kiến trúc tại ETH Zurich - viết.

Cuộc tranh cãi này nhấn mạnh một thách thức ngày càng gia tăng mà châu Âu - lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới - đang phải đối mặt. Khi nhiệt độ đạt đến mức cao mới, các thành phố của châu lục phải cân bằng giữa việc thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn các địa điểm có tầm quan trọng lịch sử.

Trồng cây xanh là một giải pháp hấp dẫn để tiến về phía trước, vì tán cây có thể làm giảm nhiệt độ không khí tới 5 độ C. Tuy nhiên, một số nhà bảo tồn vẫn còn cảnh giác. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo rằng, nếu kế hoạch của Vienna không được thực hiện cẩn thận, nó có thể gây ra "tác động có hại" đến biểu tượng văn hóa của thủ đô. Trước đó, vị thế di sản thế giới của trung tâm thành phố đã bị đe dọa vì các kế hoạch xây dựng một tòa nhà cao tầng ở khu vực lân cận.

Tuy nhiên, Vienna không phải là nơi duy nhất đang phải đối phó với tình trạng này. Bộ Y tế Italy đã đưa Rome vào mức cảnh báo nhiệt độ cao nhất vào mùa hè này, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Nhưng ông Edoardo Zanchini - người đứng đầu Văn phòng Khí hậu Rome - cho biết, việc trồng cây ở nhiều nơi tại Rome thực tế là không thể.

Cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ di sản phản đối việc trồng cây tại Piazza Navona hoặc Piazza del Popolo - một trong những quảng trường có ý nghĩa văn hóa nhưng không có bóng râm của thành phố - với lý do, "thay đổi bố cục của di sản ngay cả mức nhỏ nhất cũng có thể làm sai lệch giá trị công trình" - một phát ngôn viên của Văn phòng khí hậu cho biết.

Tất nhiên, việc bảo vệ các di tích và thích ứng với biến đổi khí hậu không phải lúc nào cũng trái ngược nhau. “Vienna trồng khoảng 4.500 cây xanh mỗi năm mà không cần phải lo lắng và phần lớn trong số khoảng 2.500 yêu cầu liên quan đến bảo tồn được gửi đến Văn phòng Di tích Liên bang Áo hàng năm đều "không có xung đột" - bà Hanna A. Liebich, người đứng đầu bộ phận kiến trúc của văn phòng - cho biết.

Thủ đô Paris của Pháp - nơi có Đại lộ Champs Elyseés và Khải Hoàn Môn - là ví dụ về một thủ đô giàu di sản cũng đang chuyển mình thành một thành phố vườn kiểu mẫu. Kể từ năm 2020, chính quyền đã phá bỏ hơn hai mẫu Anh nhựa đường, trồng hơn 100.000 cây xanh và hiện đang cải tạo quảng trường lịch sử Place de la Concorde.

Việc trồng cây ở quảng trường ban đầu là không thể đối với ông Jean-Jacques Aillagon - cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Chủ tịch của dự án thiết kế cải tạo. Nhưng sau đó, ông Aillagon thừa nhận rằng, cây xanh sẽ làm mát vòng xoay giao thông lớn nhất của thành phố và khôi phục lại diện mạo ban đầu của nó vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, ông Aillagon cũng lưu ý, không có cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả mọi người để giải quyết vấn đề nhiệt. "Chúng ta không thể triển khai dự án tái sinh này theo cùng một cách ở mọi nơi" - ông Aillagon nói.

Đối với ông Zanchini, Roma cần cây xanh, bóng râm, nước ở những nơi công cộng, nơi mọi người sinh sống và khách du lịch đến. Hiện tại, thành phố có kế hoạch thay thế nhựa đường bằng vật liệu tự nhiên và lắp đặt hệ thống che nắng trên khắp thành phố, ông Zanchini cho biết.

Vienna cũng tìm ra giải pháp, triển khai hệ thống che nắng hoạt động tùy chỉnh như kính râm cho các tòa nhà và khôi phục hệ thống giếng trời từ thế kỷ 19, các trục sâu dưới lòng đất hút và làm mát không khí trong lành trước khi đi qua các tòa nhà.

Trong trường hợp của Michaelerplatz, chính quyền thành phố đang tiến hành dự án trị giá khoảng 8,5 triệu euro (9,4 triệu USD), với sự hỗ trợ của địa phương và sự phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Di tích liên bang. "Đôi khi mọi người quên rằng họ cũng sống ở đây, bởi trung tâm thành phố không chỉ là một công trình lịch sử" - ông Markus Figl, người đứng đầu khu vực nội thành Vienna - cho biết.

Ông Jürgen Furchtlehner - giảng viên cao cấp tại Đại học Tài nguyên thiên nhiên và Khoa học sự sống ở Vienna - đánh giá cao những nỗ lực của thành phố nhằm giảm nhiệt, nhưng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm. "Tôi rất ủng hộ việc trồng cây như một biện pháp làm mát tự nhiên. Nhưng điều quan trọng là việc này phải được triển khai một cách rộng rãi trên toàn bộ khu vực, chứ không chỉ tập trung vào những địa điểm có chọn lọc và các dự án uy tín" - ông Furchtlehner nói.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thich-ung-voi-khi-hau-hay-bao-ton-di-tich-10292011.html