Thỏa thuận bằng miệng khi mua bán đất, anh em ruột kiện nhau ra tòa
Vì là anh em ruột trong gia đình, tin tưởng nhau nên khi mua bán đất, giữa ông Võ Thành Nghĩa và ông Võ Ngọc Nhành, cùng ngụ ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã không làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) bằng văn bản mà chỉ giao dịch, thỏa thuận bằng miệng. Đến lúc phát sinh tranh chấp mới thấy nhiều rắc rối trong việc giải quyết quyền lợi giữa các bên.
Nguy cơ mất đất chỉ vì hợp đồng bằng miệng?!
Vào năm 1994, ông Võ Ngọc Nhành (em ruột) có mua đất của ông Võ Thành Nghĩa (anh ruột) thửa số 731, tờ bản đồ số 1, diện tích 2.647m2.
Theo ông Nhành, vào thời điểm năm 1994, khi ông đến UBND xã Nhựt Ninh thực hiện việc sang nhượng đất nhưng cán bộ xã thông tin Luật đất đai không cho phép sang nhượng, mặt khác, vì nghĩ là anh em ruột nên ông cũng không quan tâm đến việc phải làm giấy tay mua bán đất. Ông Nhành trả tiền đầy đủ thửa đất trên và tiến hành canh tác, đóng thuế theo quy định cho đến nay.
Nhiều lần ông Nhành có liên hệ với ông Nghĩa để yêu cầu làm thủ tục sang nhượng thửa đất trên nhưng do ông Nghĩa thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ thửa 731 nên không thực hiện được việc sang nhượng.
Năm 2013, thực hiện việc nâng tỷ lệ bản đồ, thửa 731 được tách thành thửa 348, tờ bản đồ số 04, diện tích 2.668m2 và thửa 608, tờ bản đồ số 04, diện tích 940,5m2.
Ông Nhành cho biết: “Sau này, để cải tạo đất canh tác, tôi nhiều lần dùng đất thổ của mình (thửa đất 349 và 553) để san lấp những con kênh, mương và đắp lại bờ xung quanh thửa đất số 731 nên diện tích thửa số 731 thay đổi từ 2.647m2 thành 2.668,7m2, tương đương thửa 348 hiện nay.
Cũng theo ông Nhành, thửa 608 hiện nay được tách ra từ thửa 731 là không đúng bởi lẽ từ trước đến nay, thửa 608 được thể hiện là đám lá dừa nước, không liên quan đến thửa 731. Ông Nhành cho rằng, thửa 608 hiện nay lẽ ra UBND huyện phải cấp cho ông. Bởi, ông được ông ngoại tặng cho thửa đất có nguồn gốc là đám lá dừa, ông có giấy xác nhận của anh em ruột trong gia đình về hiện trạng nguồn gốc đất. Sau đó, ông có khai phá đám lá và san lấp, cải tạo đắp bờ bao và đám lá đã trở thành đất canh tác cho đến thời điểm hiện nay.
Việc điều chỉnh tỷ lệ bản đồ, cán bộ địa chính xã đã hợp thửa 731 (cũ) và thửa đất lá thành duy nhất thửa 731 là không đúng về nguồn gốc đất. Sau đó lại tách thửa 731 ra thành thửa 348 và thửa 608 như hiện nay. Tuy nhiên, ông Nhành cho rằng, cần thẩm tra xác minh nguồn gốc đất bởi lẽ nếu tách ra cả 2 thửa đất 348 và 608 từ thửa 731 thì diện tích cộng lại sẽ lớn hơn diện tích ban đầu. Điều này là vô lý và hiện nay, UBND huyện lại công nhận thửa 608 thuộc về ông Nghĩa?!
Hiện nay, gia đình ông Nghĩa đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Tân Trụ yêu cầu ông Nhành giao trả lại thửa đất số 731 mà hiện giờ là thửa số 348 và 608 ông Nhành đang canh tác. Trên thực tế, ông Nhành vẫn chưa được ông Nghĩa sang tên chuyển nhượng các thửa đất trên.
Tranh chấp hợp đồng miệng rất khó để được pháp luật bảo vệ
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài, UBND huyện Tân Trụ có nhận đơn khiếu nại của ông Võ Ngọc Nhành về việc cấp giấy CNQSDĐ đối với thửa đất số 608, tờ bản đồ số 04, diện tích 940,5m2, loại đất chuyên trồng lúa nước cho ông Võ Thành Nghĩa là không đúng đối tượng sử dụng.
Tuy nhiên, qua thẩm tra hồ sơ, thửa đất 731, tờ bản đồ số 01, diện tích 2.647m2, loại đất lúa, tọa lạc tại ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh là của ông Võ Thành Nghĩa, được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ số K 054617.
Đến năm 2013, thực hiện việc nâng tỷ lệ bản đồ thì thửa đất số 731 được tách thành 2 thửa mới gồm thửa số 348, tờ bản đồ số 04, diện tích 2.668,7m2, loại đất chuyên trồng lúa nước và đã thực hiện cấp đổi giấy mới cho ông Nghĩa. Còn thửa đất số 608, tờ bản đồ số 04, diện tích 940,5m2, loại đất lúa chưa thực hiện cấp đổi giấy mới.
Trên thực tế hiện nay, ông Nhành đang sử dụng thửa đất số 608 (phần còn lại của thửa đất số 731) đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nghĩa. Như vậy, theo UBND huyện Tân Trụ, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ số K 054617 đối với thửa đất số 731 ( thửa cũ), tờ bản đồ số 01, nay là thửa đất số 608 (thửa mới), tờ bản đồ số 04 cho ông Nghĩa là đúng quy định pháp luật.
Ông Nhành cũng không chứng minh được giao dịch mua bán đất giữa ông Nghĩa và ông Nhành mà chỉ là hợp đồng bằng miệng. Đến thời điểm hiện nay, ông Nhành vẫn chưa được ông Nghĩa làm thủ tục sang tên chuyển nhượng. Ông chỉ được ông Nghĩa cho canh tác trên thửa đất hiện nay. Việc ông Nhành kiến nghị UBND huyện về cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng đối tượng là không có cơ sở.
Một thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng, hợp đồng miệng như trường hợp của ông Nhành và ông Nghĩa chủ yếu dựa vào niềm tin, chữ tín, lại là anh em ruột với nhau nên khi phát sinh tranh chấp rất khó chứng minh nội dung đã giao dịch trước đó để yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Thực tế, vẫn có những thiệt hại trong những tranh chấp hợp đồng miệng này vì gần như không có một chứng cứ nào để pháp luật bảo vệ. Ra tòa không có bằng chứng gì để chứng minh đã giao dịch, không có bằng chứng chứng minh thật sự nội dung giao dịch của cả hai nên không có căn cứ để giải quyết.
Vì vậy, từ vụ việc của ông Nhành và ông Nghĩa, người dân nên hình thành thói quen lập hợp đồng bằng văn bản đối với giao dịch có giá trị lớn như mua bán, chuyển nhượng nhà cửa, đất đai,... nhằm tránh rủi ro và bảo đảm được quyền lợi cho mình. Khi xảy ra tranh chấp thì các bên sẽ được pháp luật bảo vệ, tòa sẽ dựa vào đó để phán quyết./.