Thời tiết chuyển mùa, bùng phát bệnh viêm não
Bệnh viêm não phổ biến tại Việt Nam là viêm não Nhật Bản, lây truyền qua muỗi đốt. Nếu không điều trị kịp thời dễ để lại di chứng nặng, thậm chí tử vong
Thời tiết mưa nắng thất thường ở TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, trong đó có viêm não. Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc viêm não, trong đó có 3 người tử vong. Riêng 1 tháng qua, cả nước có tới 49 trường hợp mắc viêm não.
Nhiều tác nhân gây bệnh viêm não
Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM như: Nhi Đồng 1 và 2, Nhi Đồng Thành phố, các ca bệnh viêm não đã bắt đầu xuất hiện.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết thời gian qua, tại bệnh viện tiếp nhận nhiều ca viêm não. Qua phân lập một số tác nhân về virus, ghi nhận 4 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, còn 2 ca đang điều trị vì tình trạng nặng và để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ.
Gần 1 tháng chăm sóc con trai (14 tuổi) tại bệnh viện vì viêm não Nhật Bản, chị T.T.T (37 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết trước khi nhập viện, con bị sốt và đau đầu. Do đang trong kỳ thi nên gia đình mua thuốc cho em uống nhưng tình trạng không cải thiện, em đau đầu nhiều, co giật nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Trên đường đi, em hôn mê.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng không tránh được di chứng của viêm não Nhật Bản. Hiện em vẫn chưa thể nhận biết được xung quanh.
Chị T. cho biết con trai đã tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 1. Tuy nhiên, chị không nhớ rõ về mũi tiêm nhắc lại do sổ tiêm chủng bị thất lạc.
Cùng chung hoàn cảnh, chị M.T.Q (33 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu), mẹ của bé trai 12 tuổi, cũng nghẹn ngào cho biết con chị bị sốt 2 ngày, ngày thứ 3 thì yếu liệt chân và không thể đi lại. Sau đó, chị đưa con đến bệnh viện tại Cần Thơ điều trị nhưng bé hôn mê nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, 3 tháng qua con chị vẫn chưa thể hồi phục vì di chứng của viêm não Nhật Bản.
Bác sĩ Quy cho biết hầu như những ca bệnh viêm não đang được điều trị qua khai thác bệnh sử đều chưa được tiêm hoặc tiêm vắc-xin chưa đầy đủ.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh viêm não xuất hiện quanh năm và có xu hướng tăng vào mùa hè.
Viêm não hầu hết là do virus gây nên, trong đó, mỗi bệnh sẽ có tác nhân khác nhau như: Viêm não Nhật Bản, viêm não do virus Herpes, nhóm enterovirus… Tại Việt Nam thường gặp nhất là viêm não Nhật Bản. Căn bệnh này lây truyền qua muỗi đốt. Viêm não Nhật Bản gây viêm nhu mô não, thường gây tổn thương thần kinh. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỉ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em.
PGS-TS-BS Nguyên lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục, nôn, tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê, đau đầu…, cần đưa đến viện khám ngay. Bởi hiện tại, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đối với trường hợp mắc bệnh nặng, chủ yếu điều trị triệu chứng như hỗ trợ hô hấp, tim mạch, chống phù não, dùng thuốc kháng virus...
Đừng quên tiêm vắc-xin phòng viêm não
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, viêm não Nhật Bản là bệnh thường quy, có từ rất lâu và hiện đã có vắc-xin phòng ngừa. Vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản cũng được đưa vào tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Tuy nhiên, do thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉ lệ tiêm chủng ngừa các loại bệnh của trẻ giảm, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây là tình trạng chung của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
"Phụ huynh nên rà soát lại để tiêm đầy đủ vắc-xin cho trẻ, bao gồm các mũi nhắc lại để tránh nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Nếu điều trị muộn, bệnh sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần, vận động, thậm chí khiến trẻ tử vong" - bác sĩ Quy khuyến cáo.
PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết tiêm vắc-xin là một trong những cách phòng ngừa viêm não hiệu quả nhất. Tại Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản gồm Jevax và Imojev. Đối với vắc-xin Jevax, cần tiêm 3 mũi và nhắc lại mỗi 3 năm cho đến khi qua 15 tuổi. Còn vắc-xin Imojev tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi. Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi.
"Bên cạnh đó, viêm não Nhật Bản thường lây truyền qua muỗi. Vì vậy, cách phòng chống tương tự sốt xuất huyết như ngủ màn, tránh muỗi đốt. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ; chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng..." - PGS-TS-BS Nguyên nhấn mạnh.
Di chứng nặng nề
Nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm bệnh viêm não Nhật Bản có thể để lại di chứng nặng nề. Nhiều trẻ phải điều trị từ vài tháng đến vài năm do di chứng tâm thần, vận động.
"Tùy theo giai đoạn bệnh sẽ có những di chứng nặng nhẹ khác nhau. Nếu rối loạn tri giác, sốc thì để lại di chứng rất nhiều như nằm một chỗ, sống đời sống thực vật. Nhẹ hơn là vận động kém; các giác quan như nghe, nói giảm không còn như trước" - PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cảnh báo.
Đối với các trường hợp nhẹ, sau khi khỏi bệnh cần phải tập vật lý trị liệu như tập đi, tập nói, tập hô hấp..., quá trình hồi phục mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.