Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Ủng hộ xây dựng luật riêng cho VAMC

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, kinh nghiệm tại các nước đã xử lý nợ xấu thông qua công ty mua-bán nợ xấu thì họ đều có luật riêng về công ty này. Vì vậy, Thống đốc hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng luật riêng cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để xử lý nợ xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9, trước lo lắng của đại biểu về nợ xấu gia tăng, việc xử lý nợ xấu của VAMC còn chậm chạp và yêu cầu đề ra các giải pháp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp xử lý nợ xấu được triển khai bao gồm cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC. Đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý, cụ thể:

Đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.

NHNN tiếp tục cho phép các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, tuy nhiên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu. Theo đó,NHNN đã ban hành Thông tư số 09 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013, cho phép các TCTD tiếp tục được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 1/4/2015 nhưng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần.

Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tích cực chủ động xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua: Khách hàng trả nợ: 14,3 nghìn tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: 1,56 nghìn tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân: 14,49 nghìn tỷ đồng; xử lý bằng dự phòng rủi ro: 8,3 nghìn tỷ đồng...

Đề cập đến việc xử lý nợ xấu của VAMC, Thống đốc cho biết, đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã mua được 3281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, VAMC đang tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật (cơ cấu lại, bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm...).

Về kết quả thu hồi, xử lý nợ xấu đã mua của VAMC, tính đến cuối tháng 8/2014, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 TCTD; thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh lãi suất là 226 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền miễn, giảm là 60,91 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng; đồng thời phối hợp với TCTD cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng. VAMC đã thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ nợ gốc.

Theo Thống đốc NHNN, việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu cũng như cơ cấu lại hệ thống các TCTD gặp không ít khó khăn. Đó là: Quá trình cơ cấu lại các TCTD gặp không ít khó khăn do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị, thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư mất nhiều thời gian; khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại.

Trong chương trình cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản không sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn.

Việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống các TCTD, đã và đang làm cho năng lực tài chính của hệ thống TCTD giảm, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn, vững mạnh của hệ thống TCTD.

Không sử dụng tiền ngân sách nhưng VAMC đã tạo ra được cơ chế tháo gỡ khó khăn, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định. Trong khi đó, các nước trên thế giới xử lý nợ xấu qua công ty như thế này đã sử dụng trung bình 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, ở những nước ít bị ảnh hưởng thì dùng tới 7-10%, còn ở Việt Nam thì chưa tốn đồng GDP nào để xử lý nợ xấu. Vì vậy, theo Thống đốc NHNN, trong bối cảnh đó, VAMC hoạt động như thời gian qua là phù hợp.

Về biện pháp để đẩy mạnh xử lý nợ xấu, trả lời câu hỏi của đại biểu có cần thiết có một luật riêng cho VAMC để xử lý “cục máu đông” nợ xấu, người đứng đầu NHNN cho rằng, kinh nghiệm tại các nước đã xử lý nợ xấu thông qua công ty mua-bán nợ xấu thì các nước đó đều có luật riêng về công ty này nên Thống đốc hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng luật riêng cho VAMC.

Tuy nhiên, “trong thời gian cấp bách, việc xây dựng ngay luật này là không rất khó mà chúng ta cần đi song song hai bước, ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, chúng ta cần nâng cao cơ sở pháp lý thông thoáng và nâng cao năng lực tài chính mạnh hơn cho VAMC”.-Thống đốc NHNN nói.

Thanh Hương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/708509/thong-doc-nguyen-van-binh-ung-ho-xay-dung-luat-rieng-cho-vamc