Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, nông nghiệp của tỉnh đã có thay đổi, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Diện tích chanh leo được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Trí Nang (Lang Chánh).
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 (Như Xuân) mới thành lập tháng 5-2022 nhưng đã có những tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân tại một số huyện miền núi của tỉnh. Để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với người dân, công ty đã xây dựng phương án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây xoài keo, chanh leo tại tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Trong đó, nêu chi tiết, rõ ràng về cơ chế đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, phương thức tổ chức sản xuất, thu mua, giá cả, chính sách bảo lãnh qua ngân hàng trong quá trình hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên kết. Theo phương án của công ty, giai đoạn 2023-2025 sẽ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 10.000 ha các loại cây xoài, chanh leo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với cơ chế công ty đầu tư ứng trước 50% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong quá trình trồng, chăm sóc. Cùng với việc xây dựng phương án sản xuất, công ty đã thực hiện liên kết sản xuất cây chanh leo, xoài keo ở các huyện Như Xuân, Lang Chánh, Nông Cống, Ngọc Lặc... với diện tích hàng trăm ha. Bước đầu cây chanh leo cho thu hoạch sau trồng 6 tháng, năng suất từ 25 tấn/ha/năm, doanh thu ước đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Đáng chú ý, công ty đã thực hiện thu mua toàn bộ sản lượng chanh leo đã được thu hoạch cho người dân.
Điểm nhấn trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là dự án Khu Liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa của Tập đoàn Xuân Thiện, với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng tại xã Minh Sơn (Ngọc Lặc). Đây là dự án đầu tư có tính chiến lược, thể hiện sức hút, sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau khi đi vào hoạt động, dự án đã thu mua nông sản của người dân để làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi; qua đó, giúp thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, mở ra hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho huyện Ngọc Lặc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Theo khảo sát, đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện nay, khi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nhất là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa triển khai thực hiện hiệu quả và thiếu sự ổn định. Doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tỷ lệ sinh lời thấp, lại thường xuyên gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Do đó, để gia tăng số lượng, chất lượng các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 2-2023, toàn tỉnh có 1.205 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi là một điểm nhấn khi năm 2022, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 5 dự án chăn nuôi quy mô lớn, tổng mức đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh đạt 15.000 tỷ đồng. Theo đó, toàn tỉnh có 69 DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, giết mổ, như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn DABACO, Công ty CP Nông sản Phú Gia... hình thành nên các chuỗi chăn nuôi tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn.
Để tiếp tục thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.