Thú vị những quốc gia không ăn Tết vào ngày đầu tiên của năm mới
Khi nói về lễ mừng năm mới, điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta là ngày 1/1. Nhưng không phải tất cả các quốc gia đều ăn Tết vào ngày đầu tiên của tháng 1 dương lịch.
Các quốc khác nhau sẽ có nền văn hóa khác nhau, và do đó, họ có thể ăn Tết theo lịch dương, lịch âm hoặc lịch của riêng họ. Dưới đây là một số quốc gia không ăn mừng năm mới vào ngày 1/1 dương lịch, mà lại mừng vào một ngày khác trong năm 2023.
Trung Quốc - Chủ nhật, ngày 22 tháng 1
Người Trung Quốc ăn Tết Nguyên đán theo âm lịch, thường kéo dài trong 2 tuần và đi kèm với những phong tục thú vị. Ngày lễ này thường rơi vào khoảng thời gian từ ngày 21/1 đến ngày 20/2 dương lịch.
Vào thời điểm đặc biệt này, người dân Trung Quốc sẽ tổ chức lễ hội kéo dài khoảng 15 ngày với bạn bè và gia đình. Họ mặc những bộ trang phục truyền thống, ăn những món ăn truyền thống và tổ chức đốt pháo hoa vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn thích trang trí nhà cửa bằng những chiếc đèn lồng đỏ. Treo đèn lồng trước cửa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, trong khi màu đỏ rực rỡ tượng trưng cho sự hạnh phúc, bình yên, mang lại may mắn cho gia chủ.
Hàn Quốc - Chủ nhật, ngày 22 tháng 1
Tương tự như Trung Quốc, người Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán (tên tiếng Hàn là Seollal) vào ngày đầu tiên của tháng 1 tính theo lịch âm. Ở xứ sở kimchi, đây là thời điểm để tôn vinh tổ tiên và gia đình sum họp bên nhau.
Vào ngày này, người Hàn Quốc thường quay về nhà và ăn mừng bằng cách dọn dẹp nhà cửa (có ý nghĩa xua đuổi tà ma), cúng tổ tiên, đi thăm những người lớn tuổi, sau đó dùng bữa sáng truyền thống với tteokguk (canh bánh gạo) được làm từ thịt bò thái lát, bánh gạo, trứng và rau. Do người Hàn Quốc tin rằng ăn tteokguk vào ngày đầu năm mới sẽ lớn thêm một tuổi, vậy nên đây là món ăn bắt buộc trong bữa sáng đầu năm.
Sau những nghi lễ này là thời gian để vui chơi, các thế hệ trong gia đình sẽ cùng tụ tập lại, trẻ em chơi trò chơi dân gian trong khi người lớn sẽ ăn uống và nói chuyện về những gì đã xảy ra trong năm qua.
Việt Nam - Chủ nhật, ngày 22 tháng 1
Tết Nguyên đán là với người Việt Nam sự đánh dấu cho khởi đầu của một năm mới theo lịch âm. Tết được tổ chức vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch, có sự thay đổi vào mỗi năm.
Nghi thức đón Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, đây là lúc Ông Táo trở về Thiên đình để báo cáo tình hình hàng năm với Ngọc Hoàng trước khi trở lại trần gian vào đêm giao thừa. Trong 1 tuần thiếu đi Ông Táo, người Việt Nam sẽ tự bảo vệ mình khỏi tà ma và quỷ dữ bằng cách dựng cây nêu trước nhà.
Vào ngày lễ, bàn ăn của người Việt sẽ đầy ắp thức ăn, trong đó món bánh chưng, bánh tét là biểu tượng ẩm thực nổi bật nhất của mùa Tết. Ngoài ra sẽ có nhiều món ăn khác như dưa hành, củ kiệu... tùy thuộc theo từng vùng miền.
Mông Cổ - Thứ Ba, ngày 21 tháng 2
Ở Mông Cổ, người dân đón năm mới theo hai lần khác nhau. Lần đầu tiên được tổ chức theo lịch dương giống như các nước phương Tây với ông già Noel tặng quà cho trẻ em, những bữa tiệc ăn mừng Giáng sinh và năm mới.
Lễ mừng năm mới thứ hai ở Mông Cổ lại là dịp quan trọng hơn cả, vì đây là dịp Tết cổ truyền của họ. Lễ hội này có tên gọi là Tsaagan Sar (mang ý nghĩa là tháng trắng). Giống như tên gọi, ngày Tết này có liên quan nhiều đến chu kỳ của Mặt Trăng. Năm nay Tsagaan Sar rơi vào ngày 21/2. Mục đích chính của ngày lễ này là để gia đình và bạn bè đến thăm nhà của nhau theo thứ tự từ lớn tuổi đến nhỏ tuổi hơn.
Các gia đình sẽ chuẩn bị các bữa ăn thịnh soạn và món quà cầu kỳ cho những vị khách ghé thăm, đồng thời mời họ tham gia vào các nghi lễ chiêu đãi truyền thống.
Thái Lan - Thứ Năm, ngày 13 tháng 4
Lễ mừng năm mới của người Thái Lan có tên gọi là Songkran, được tổ chức vào tháng 4 hàng năm, trong đó, ngày 13/4 là ngày quan trọng nhất. Thái Lan được biết đến như một quốc gia có số lượng người theo đạo Phật chiếm đa số, vì vậy ngày mừng năm mới Songkran cũng được tổ chức theo Phật lịch.
Từ Songkran bắt nguồn từ tiếng Phạn, có nghĩa là “sự dịch chuyển". Đây là một ngày lễ tượng trưng cho lòng tốt, tình yêu thương đồng cảm và sự biết ơn. Vào ngày này, mọi người sẽ tham gia hoạt động “té nước", dùng nước để tẩy rửa và chúc phúc cho nhau, cầu mong mưa thuận gió hòa trong năm tới.
Israel - Thứ Sáu, ngày 15 tháng 9
Lễ ăn mừng năm mới ở Israel có tên gọi là Rosh Hashana, có nghĩa là “đầu năm" trong tiếng Do Thái. Đây là thời điểm bắt đầu một năm theo lịch của người Do Thái, thường rơi vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch. Năm nay thì rơi vào ngày 15/9.
Rosh Hashana là thời điểm tuyệt vời để các du khách có thể ghé thăm Israel. Tất cả các doanh nghiệp sẽ đóng cửa, mọi người sẽ mặc đồ màu trắng và dành cả ngày ở giáo đường để cầu nguyện, sau đó là dùng bữa cùng gia đình.
Sri Lanka - Thứ Sáu, ngày 14 tháng 4
Aluth Awrudda là sự kiện đánh dấu năm mới theo truyền thống của người Sri Lanka được tổ chức ngày 14/4, vào một khung giờ chính thức được tính bằng cách theo dõi chuyển động của Mặt Trời và các vì sao. Phong tục cổ xưa này đánh dấu sự kết thúc của vụ thu hoạch và mùa xuân, với nhiều nghi lễ phức tạp.
Với một bàn ăn đầy những món truyền thống, Aluth Awrudda là thời gian để gia đình và bạn bè quây quần bên nhau và chơi các trò chơi dân gian. Hầu hết mọi người dù có làm việc xa đến đâu cũng đều trở về quê hương, dành thời gian bên gia đình.
Ethiopia - Thứ Ba, ngày 11 hoặc 12 tháng 9
Người Ethiopia chào đón bình minh của năm mới vào một ngày tháng 9. Quốc gia châu Phi này sử dụng lịch riêng của mình, và vì có thêm tháng thứ 13, nên lịch của Ethiopia chậm hơn lịch dương tận 8 năm. Năm mới của Ethiopia rơi vào ngày 11/9 trong lịch phương Tây hoặc ngày 12/9 trong những năm nhuận.
Enkutatash là tên gọi ngày Tết của người Ethiopia, mang ý nghĩa là “món quà trang sức quý giá". Lễ mừng năm mới của quốc gia này tượng trưng cho khởi đầu của mùa màng bội thu sau những tháng mưa kéo dài.
Nguồn: RitiRiwaz