Thử xem dư địa kinh tế và văn hóa của metro
Nhìn metro (*) với góc độ kinh tế và văn hóa, thông qua kinh nghiệm nhiều nước, chúng ta thấy metro là 'dư địa' trù phú cho rất nhiều sáng kiến sinh lợi và sáng tạo nhiều mặt.
Đoàn tàu metro thử nghiệm trên tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) lăn bánh ngày 26.4 với đông đảo hành khách nam phụ lão ấu. Tất cả đều hân hoan. Khi tàu rời ga Ba Son, bắt đầu lướt đi trên cây cầu khổng lồ bắc ngang trời, ai nấy đều quay mặt ra hai bên cửa kiếng để ngắm nhìn khung cảnh thành phố hiện đại lần lượt “trôi” qua.
Trong tiếng lao xao trầm trồ reo mừng của bao người chung quanh, tôi nhìn thấy một ông cụ cựu chiến binh - ngoài 90, ngồi bất động bên khung cửa. Đôi mắt ông đầy vẻ trìu mến. Có lẽ ông rất vui vì được chứng kiến diện mạo đất nước tân tiến mà thế hệ mình đã bỏ xương máu để vun đắp.
Chung quanh ông cụ, phần đông là thanh niên, đủ màu áo, đủ ngành nghề đang là chủ nhân của đất nước hiện tại và tương lai. Phải chăng rồi đây, khi sử dụng metro thật sự, các bạn sẽ còn tiếp xúc nhiều điều mới mẻ kỳ thú trong sinh hoạt đô thị? Và từ đó, sẽ còn nảy nở nhiều ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh và văn hóa cho metro như đã thấy ở nhiều nước tiên phong trong lĩnh vực này.
Bắt đầu từ chiếc thẻ nhỏ xinh
Cách đây hai năm, Hà Nội khai trương tuyến metro đầu tiên Cát Linh - Hà Đông. Với nhiều người dân Sài Gòn và các tỉnh, hiện tại metro là điểm đến du lịch “mới toanh” ở thủ đô, hoàn toàn có thể tự đi. Tôi đã thử đi và giữ lại chiếc vé điện tử là thẻ nhựa có hình Khuê Văn Các. Giá chiếc thẻ ấy tối thiểu là 8 ngàn đồng, song mai sau đối với những người chơi đồ xưa, sẽ có giá trị 100 lần hay 1.000 lần hơn. Tuy nhiên, thẻ metro ở nhiều nước công nghiệp không chỉ là đồ sưu tầm hay vật xài qua một lần. Đó còn là chiếc thẻ thông minh, tích hợp tiền và nhiều công năng đa dạng khác.
Ý tưởng và công nghệ contactless (ít giao dịch trực tiếp với người) được áp dụng vào metro từ cuối thập niên 1990. Ở Singapore ngay từ năm 1996 đã thử nghiệm 500 thẻ thanh toán điện tử đầu tiên sử dụng cho xe bus và MRT - tên gọi của hệ thống metro ở đảo quốc này. Bốn năm sau, loại thẻ ấy được khai sinh đồng loạt với thương hiệu ngộ nghĩnh và dễ nhớ là EZ link. Người sử dụng chỉ cần quẹt thẻ, thay vì phải trình vé để lên xe và lên tàu, nhờ vậy tiết kiệm được thời gian cũng như nhân lực. Đồng thời, thẻ còn được top-up trả thêm tiền dễ dàng ở các máy bán thẻ tại nhà ga và các tiệm tạp hóa.
Mặt khác, hành khách, nhất là giới trẻ và du khách, sẽ có cái thú giữ lại những chiếc thẻ nhựa nhỏ xinh như là vật kỷ niệm. Mỗi chiếc thẻ metro, kích thước như thẻ tín dụng, được thiết kế với nhiều hình ảnh trang trí khác nhau và thay đổi theo từng quý, từng năm. Việc thiết kế thẻ được thường xuyên chăm chút để có nhiều hình ảnh lôi cuốn, nhất là với tuổi teen, thanh niên và phụ nữ. Ngoài ra, sẽ có những đợt thẻ mang hình ảnh cổ động cho các lễ hội lớn, các sự kiện quốc gia hay quốc tế, tùy vào tình hình thời sự cụ thể.
Cùng thời gian với Singapore, lần lượt ở Paris ra đời thẻ metro mang tên Navigo, còn tại London là thẻ Oyster với cách thiết kế và công năng tương tự.
Về mặt kinh doanh, những tấm thẻ metro be bé còn là một “kho bạc” đồ sộ. Thật vậy, khi mua thẻ ở Singapore, hành khách phải đóng deposit - “tiền thế chân” cho mỗi chiếc thẻ là 5 đô la Singapore. Đến nay, theo thống kê mới nhất, Singapore hàng ngày có 2,7 triệu hành khách MRT, đồng nghĩa với 13,5 triệu SGD được lưu giữ trong thẻ. Thêm nữa, mỗi năm Singapore thu hút khoảng 19 triệu lượt du khách, chỉ cần 50% số này mua thẻ EZ và chỉ sử dụng một lần thì “kho bạc” EZ lại có thêm 47,5 triệu SGD.
Đó là những con số “tiền tươi” lớn lao mà chắc chắn công ty kinh doanh xe bus và MRT của Singapore không để chúng nằm yên trong chiếc thẻ nhựa. Một quốc gia có nhiều kinh nghiệm kinh doanh minh bạch và hiệu quả như Singapore, đã và đang biết cách “quay vòng” đồng tiền metro trong các kênh đầu tư phù hợp.
Hơn 10 năm trở lại đây, các thẻ metro ở nhiều nước không chỉ dùng trong giao thông công cộng mà còn là “ví điện tử” dùng trong mua sắm và thanh toán. Các công ty metro không “chơi” một mình mà tạo ra “sân chơi” chung cho cơ sở thương mại, dịch vụ và tài chính - ngân hàng cùng liên kết phục vụ đông đảo khách hàng. Đây cũng chính là nét văn hóa mới trong kinh doanh thời đại win - win!
Doanh thu metro không chỉ từ chiếc vé
Có dịp “quá giang” metro từ chốn sinh thành đầu tiên là London, hay nhiều thành phố Âu Mỹ và các đô thị lớn của châu Á, ta không khó nhận ra các nhà ga metro và các toa tàu đều là những “tủ kính” quảng cáo vĩ đại. Thông tin quảng cáo được thể hiện sinh động, rất ấn tượng ở nhiều kích cỡ khác nhau. Lớn nhất là các panô, poster, bảng đèn led dựng ở sân ga, các cầu thang và hành lang trong nhà ga. Kế đến, chúng xuất hiện trên cửa mở vào các đoàn tàu và vách các đường hầm nơi đoàn tàu dừng lại.
Bên trong toa tàu, có các poster đủ kiểu “khoe hàng” trong và ngoài các cửa kính. Ngay các tay vịn cũng có nhiều tờ rơi được thiết kế phù hợp để máng vào. Hình thức quảng cáo nhỏ nhất và tinh vi nhất là một hình ảnh hay một dòng chữ quảng cáo được đưa lên mặt trước của chiếc thẻ metro. Chưa kể mặt ngoài đoàn tàu khi chạy lộ thiên sẽ còn lộ ra những hình ảnh quảng cáo hàng hóa và dịch vụ...
Mỗi ngày hàng triệu người ra vào metro, đó chính là “cơ hội kim cương” cho tất cả những ai muốn tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất. Báo cáo của TFL - cơ quan quản trị giao thông công cộng London cho biết tổng doanh thu quảng cáo của metro và xe bus ở thành phố này trong năm 2022 là 130 triệu bảng Anh (khoảng 165 triệu USD). Hơn 13.000 chiến dịch quảng cáo được thực hiện trong không gian các phương tiện trên, đáng chú ý, có khoảng 2.000 chiến dịch thông tin cho các cơ quan chính phủ và đoàn thể xã hội.
Bản thân các chính khách khi cần “PR” ở chốn công cộng đều xem metro là nơi “đắc địa” để xuất hiện. Tiên phong trong lãnh vực này, năm 1940, Thủ tướng Anh Churchill bất ngờ có chuyến đi gặp dân trong xe điện ngầm London để hỏi ý kiến “hòa hay chiến” với phát xít Đức. Mới đây, trong cuộc chiến với Nga, Tổng thống Ukraine đã mở cuộc họp báo ngay trong đường hầm metro giữa lúc trên mặt đất, phi đạn Nga đang lao tới!
Nguồn thu nhập của metro còn đến từ việc cho thuê cửa hàng, văn phòng tại các nhà ga. Các kiosk bán hoa, bán báo, đồ lưu niệm, fast food, cửa hàng tiện lợi, tiệm cà phê, sửa giày, chìa khóa... rất phổ biến trong các nhà ga hay các đường ngầm, đường ống trên trời dẫn đến metro ở nhiều nước công nghiệp.
Đầu những năm 2000, tại Singapore, tập đoàn giáo dục Informatics còn “táo bạo” mở trường dạy tin học trong hai nhà ga lớn Orchard và Dhoby Ghaut. Khá nhiều các thương xá, phức hợp thương mại - văn phòng gần kề metro đã xây dựng bổ sung đường ngầm hay đường kết nối trên cao thông với nhà ga để thu hút khách. Với Bangkok, từ hai thập niên trước, “đu theo” bên dưới các cầu xe điện trên cao là cầu đi bộ được xây dựng để nối các trung tâm thương mại với các nhà ga.
Rõ ràng, doanh thu metro không thể chỉ đến từ bán vé mà trong thực tế còn đến từ nhiều nguồn dịch vụ gia tăng khác. Tính toán trước và biết cách làm năng động thì những dịch vụ “cộng sinh” sẽ làm tăng nguồn thu không riêng cho metro mà còn cho toàn xã hội. Hiện tại, hầu hết các nước đều phải “bù lỗ” cho metro vì kinh phí xây dựng và bảo trì cực lớn. Với Singapore, các nguồn thu từ dịch vụ đã “gánh” được 70% chi phí hàng năm cho metro và xe bus. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, metro Hà Nội và TP.HCM cần sớm hoạch định và mở cửa mời gọi những ý tưởng kinh doanh, đem đến nhiều nguồn lợi phong phú chứ không nên chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.
Metro còn là trung tâm văn hóa
Du khách đến Boston - thủ đô cách mạng Mỹ đều ngạc nhiên khi biết đây là thành phố đầu tiên khởi động xe điện trên cao và xe điện ngầm. Tại nhà ga chính South Station, người ta trưng bày trân trọng một loạt ảnh phóng to giấy chứng nhận cổ phiếu của Công ty Boston Terminal và Công ty Old Colony Rail Road. Hóa ra ngay từ đầu việc xây dựng và kinh doanh metro được thực hiện bởi các công ty cổ phần. Sau này, nhà nước mới góp vốn như một cổ đông và tham gia tài trợ để duy trì phương tiện giao thông công cộng.
Càng ngạc nhiên hơn, du khách sẽ chứng kiến tại đây nhiều hình ảnh và hoạt động thể hiện lịch sử đô thị, mỹ thuật và văn hóa. Không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp đây đó nhiều tấm bảng đồng ghi nhận các sự kiện lịch sử, ghi ơn những người đầu tư và điều hành, kể cả những người thợ đã hy sinh trong lúc xây dựng và bảo dưỡng metro.
Cái cảm giác vào metro là vào bảo tàng còn bùng nổ khi ta có dịp la cà các nhà ga ở Paris. Nhiều nhà ga ngầm hay nổi đều có bảng thông tin và tranh ảnh “kể chuyện” các địa danh nổi tiếng bên trên, thậm chí có cả tủ kính trưng bày hiện vật xưa. Tại Berlin (Đức) và Budapest (Hungary) còn có hẳn bảo tàng mini về metro trong các nhà ga đầu tiên. Mới nhất, ở Singapore, các nhà ga bắt đầu trưng bày những tấm ảnh nghệ thuật của nhân viên MRT, lan tỏa những góc nhìn đẹp của các kiến trúc và đoàn tàu mà không phải hành khách nào cũng có cơ hội chụp được.
Không những vậy, tại các nhà ga còn có các góc triển lãm tranh vẽ của thiếu nhi về MRT và thành phố yêu dấu của các thế hệ. Tôi còn nhớ vào năm 2009, khi Singapore khai trương tuyến MRT mới mang tên Circle Line, khách vào nhà ga bất ngờ được đón tiếp bởi các ban nhạc múa hát tưng bừng. Trước đó, vào năm 2001, Tổng thống Singapore đã dẫn đầu một đoàn đi bộ gây quỹ từ thiện trong đường hầm MRT mới mở - nối ga Expo với sân bay Changi.
Nhìn metro với góc độ kinh tế và văn hóa, thông qua kinh nghiệm nhiều nước, chúng ta thấy metro là “dư địa” trù phú cho rất nhiều sáng kiến sinh lợi và sáng tạo nhiều mặt. Hà Nội, TP.HCM cùng một số tỉnh, thành lớn khác không thể không vun xới cho “dư địa” này trong các kế hoạch tăng tốc xây dựng và khai thác metro. Chúng ta cần coi đó là các dự án kinh tế - xã hội của đại chúng và mời gọi các thành phần kinh tế, thành phần xã hội; nhất là giới trẻ công nghệ, kiến trúc, kinh doanh cùng mau chóng tham gia đóng góp như người trong cuộc chứ không chỉ là người thụ hưởng.
Để thực hiện thành công những dự án lớn lao về cả kinh phí và hiệu ứng xã hội như metro, chúng ta cần nhiều bộ óc thông minh và nhiều bàn tay sạch, nhiều tập thể đồng thuận vì lợi ích chung để mau sớm nắm bắt bí quyết điều hành và sinh lợi của phương tiện sinh hoạt thể hiện đẳng cấp văn minh. Nhà trường từ phổ thông đến đại học nên bắt đầu quảng bá kiến thức về metro, cùng các hành vi ứng xử đúng đắn khi sử dụng metro.
Chẳng phải mơ ước viển vông, một ngày không xa, người Việt Nam sẽ sản xuất được các đoàn tàu metro và sẽ thầu xây dựng metro cho các nước khác - Tại sao không?
Bài và ảnh: Phúc Tiến
__________________
(*) Metro: viết tắt cho metropolitan railway - tên gọi xuất phát từ nước Anh, chỉ hệ thống đường sắt đô thị vận chuyển mau chóng số lượng hành khách lớn. Metro bao gồm các loại tàu đi trên mặt đất, trên cao hay dưới lòng đất. Mỗi nước có cách gọi khác nhau, Việt Nam đang sử dụng tên gọi metro như đã phổ biến ở Pháp và châu Âu.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thu-xem-du-dia-kinh-te-va-van-hoa-cua-metro-43925.html