Thực hành giám tuyển trong bối cảnh nghệ thuật đương đại tại Việt Nam

Với mong muốn tạo ra một nền tảng chung cho các trao đổi cởi mở, có tính xây dựng và phản biện về công tác giám tuyển trong nước, Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ nhất với chủ đề 'Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000-nay: Cơ hội và thách thức' đã mở ra những góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về thực hành giám tuyển - một danh vị vốn còn mới mẻ trong quang cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ nhất đặt mục tiêu tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ nhất đặt mục tiêu tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Quá trình định hình ngành giám tuyển tại Việt Nam

Trong diện mạo nghệ thuật đương đại Việt Nam, giám tuyển là một nghề chưa được định nghĩa rõ ràng, chưa được quan niệm như một nghề chuyên nghiệp, việc thực hành giám tuyển chưa được đưa vào giảng dạy một cách có hệ thống, cũng như chưa xuất hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu, bền vững dành riêng cho nghề này.

Trong bối cảnh sôi động của các ngành nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh,… thì nhu cầu về giám tuyển ngày càng tăng. Hầu hết giám tuyển đang thực hành tại Việt Nam hiện nay đều tự học, hoặc vừa học vừa làm, họ chủ động đáp ứng nhu cầu “khát” giám tuyển thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật khác nhau.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu và các bạn trẻ tham dự.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu và các bạn trẻ tham dự.

Để có cái nhìn rõ hơn về ngành giám tuyển, trong chuyên đề 1 Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển, các diễn giả đã đề xuất một cách tiếp cận lịch sử giám tuyển ở Việt Nam bằng cách truy vết nhiều lựa chọn trong việc chuyển ngữ thuật ngữ “curator” sang tiếng Việt và việc sử dụng thuật ngữ này từ đầu những năm 2000 cho đến nay.

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy nhận định: “Giám tuyển là một người hoạt động xã hội bằng diễn ngôn, một người nhìn ra nhiều nghĩa trong xã hội và họ chắc chắn không thể không tạo ra thêm ý nghĩa”.

Theo anh, giám tuyển sẽ là người tiếp cận bằng câu hỏi “How”. Giả sử phê bình nghệ thuật truyền thống là một lĩnh vực nghiên cứu dựa trên các câu hỏi về bản chất của đối tượng (cái gì), ở đây được hiểu là bản chất của nghệ thuật. Trong trường hợp đó, thực hành giám tuyển là một khái niệm mở về một hình thức thực hành không quan tâm đến bản chất tĩnh tại và bất biến của đối tượng (nghệ thuật) mà tập trung vào việc nắm bắt đối tượng thông qua các phương thức biểu hiện đa dạng của nó.

Ở một mức độ nào đó, anh cho rằng thực hành giám tuyển cũng mang lại nghệ thuật theo những cách mới, chưa từng thấy trước đây và do đó, nó cũng đồng nghĩa với sự sáng tạo nghệ thuật.

Các diễn giả tham gia thảo luận trong chuyên đề 1.

Các diễn giả tham gia thảo luận trong chuyên đề 1.

Qua những trải nghiệm cá nhân khi là sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam vào năm 2007 khi giám tuyển vẫn còn là một vai trò xa lạ và quan sát của mình về quang cảnh nghệ thuật Việt Nam sau gần 20 năm làm việc như một nghệ sĩ, giám tuyển, nghệ sĩ Vũ Đức Toàn cho biết, cùng với sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, thuật ngữ "giám tuyển" đã được dùng một cách nhuần nhuyễn và quen thuộc.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, trong suốt quá trình thực hành giám tuyển kéo dài hơn một thập kỷ cùng với hoạt động nghệ thuật của chính mình, công việc giám tuyển đến với anh khá tự nhiên giống như một hoạt động nghệ thuật. Trong quá trình đó, các hoạt động cá nhân của anh dần mở rộng sang các dự án có quy mô lớn hơn và các nhóm liên quan đa dạng, đòi hỏi sự tương tác với nhiều bên.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ quá trình thực hành giám tuyển của mình tại Hội thảo.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ quá trình thực hành giám tuyển của mình tại Hội thảo.

Trong các dự án nghệ thuật gần đây như Chuyện Đình trong phố, Nghệ thuật công cộng trên đường Phùng Hưng, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, trong vai trò giám tuyển, Nguyễn Thế Sơn thường lồng ghép yếu tố giáo dục nhằm tiếp cận cộng đồng sinh viên mỹ thuật trẻ với nhiều sáng kiến để tìm cách mở rộng sự thể hiện nghệ thuật đương đại, đồng thời thúc đẩy đối thoại với lịch sử và ký ức tập thể, cuối cùng khơi dậy sự tìm hiểu và trí tưởng tượng của khán giả.

Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển

Trong chuyên đề 2 với chủ đề Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển các diễn giả đã đi sâu vào một trong những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đặc thù của việc thực hành giám tuyển trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam.

Trong một môi trường với đặc thù là sự “thiếu”: thiếu hỗ trợ kinh phí của chính phủ, thiếu hệ thống giáo dục, thiếu nguồn lực và nhân lực, các tổ chức nghệ thuật độc lập và các nghệ sĩ ở Việt Nam, những người đảm nhận vai trò kép là nghệ sĩ-giám tuyển đã đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến phản hồi với điều kiện đặc thù của môi trường địa phương.

Họ đóng vai trò tập hợp những người thực hành có chung chí hướng, huy động nguồn lực, từ đó hình thành các tổ chức và tập thể, đôi khi có không gian vật lý hoặc không, một cách linh hoạt, để đáp ứng một cách hiệu quả và khẩn cấp những thiếu sót nói trên...

Với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tư nhân, những nỗ lực đó đã mở rộng sang việc xây dựng các không gian nghệ thuật quy mô lớn, được trang bị tốt hơn với các sáng kiến xây dựng năng lực hoặc các bảo tàng tư nhân có tầm quan trọng về mặt lịch sử.

Từ đó đặt ra câu hỏi, liệu những nỗ lực bổ khuyết cho những điều kiện còn thiếu thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng cũng có thể được coi là một công việc giám tuyển?

Các diễn giả trao đổi trong chuyên đề 2.

Các diễn giả trao đổi trong chuyên đề 2.

Theo nhà quản lý nghệ thuật Lê Thuận Uyên, xuất phát từ những dự án thuần túy xoay quanh việc trưng bày tác phẩm, bản thân chị cũng nhận thấy mình và các đồng nghiệp ngày càng khoác lên mình nhiều "chiếc áo" hơn trước: giám tuyển, nghiên cứu, viết lách, thông dịch, giảng dạy, tư vấn sưu tầm và xây dựng các không gian nghệ thuật.

Qua những lần thử sức ở các dự án quy mô khác nhau, chị dần xác lập được nhu cầu xây dựng hạ tầng của mình là luôn xoay quanh nghệ sĩ và những người thực hành nghệ thuật.

Còn với nhà quản lý nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn, qua quá trình chuyển dịch công việc qua nhiều môi trường khác nhau đã thôi thúc anh truyền đạt hướng tiếp cận cá nhân và trao đổi về vai trò của giám tuyển như một sự xây dựng tổng hòa của các yếu tố hạ tầng, vật chất, con người, sự liên kết nội địa và quốc tế để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng, nâng đỡ và hiện thực hóa các thực hành nghệ thuật song song với bối cảnh thời cuộc và không gian xã hội dọc theo thời gian tuyến tính.

Đồng thời, đó cũng là một sự tự nhìn nhận và đánh giá các điều kiện hiện tại cho thực hành giám tuyển trong bối cảnh nhiều khoảng trống, đứt gãy và nghịch lý ở địa phương, và tương quan trao đổi bất đối xứng với nghệ thuật khu vực và quốc tế.

Từ quan sát cá nhân về tính tự phát của các không gian nghệ thuật Huế, từ quán bar nghệ thuật Mơ Đơ (2019-2020), tới không gian công cộng trong Dự án Bờ Thành (2021-2022) và không gian giáo dục tự phát trong hệ thống công (2023-2024), nghệ sĩ thị giác, giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai đã nhận thấy vai trò vô cùng to lớn của những nguồn lực cơ sở hạ tầng, trong đó nổi bật là các không gian nghệ thuật.

Theo chị, không gian nghệ thuật là nơi mà các cuộc gặp gỡ, thảo luận, phê bình, trưng bày, thử nghiệm, tranh cãi được xảy ra và nảy nở thành nhiều hình thái suy tư và sáng tạo khác nhau.

Bên cạnh hai chuyên đề này, Hội thảo cũng bàn đến những chủ đề khác như: Tính “tác giả” trong công tác giám tuyển; Viết như một chiến lược giám tuyển; Triển lãm như một địa bàn viết sử. Với các diễn giả đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho quang cảnh chung của nghệ thuật khắp cả nước đến từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP.HCM, các chuyên đề thảo luận tại Hội thảo đã tập trung giải quyết các vấn đề vẫn luôn tiềm tàng từ trước đến nay, cũng như những khúc mắc thực tiễn mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam nhận thấy và gặp phải trong hơn hai thập kỷ qua.

PGS-TS Nguyễn Việt Khôi – Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ( Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Việt Khôi – Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định Hội thảo sẽ mở ra một hướng mới, giúp khái niệm giám tuyển sẽ trở nên rõ ràng hơn, góp phần chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật, cũng như thúc đẩy cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam.

Theo ông Khôi giám tuyển nghệ thuật đã và đang là từ khóa tìm kiếm nổi bật thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật dự kiến tuyển sinh năm 2024 ngành Nghệ thuật thị giác (Nhiếp ảnh nghệ thuật, Nghệ thuật tạo hình đương đại) với vị trí việc làm nổi bật là giám tuyển nghệ thuật. Đây sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật.

Là một sáng kiến chung dài hơi nhằm chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức tham gia nhằm phát triển và mở rộng các khía cạnh chuyên môn và thực tế của những người thực hành giám tuyển và viết ở Việt Nam, Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển lần thứ nhất mong muốn xác định những cơ hội và khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thuc-hanh-giam-tuyen-trong-boi-canh-nghe-thuat-duong-dai-tai-viet-nam-43349.html