Thực hư việc uống nhiều sữa khiến trẻ thiếu máu

Theo bác sĩ, khi trẻ bị thiếu máu, cần xem xét các nguyên nhân, trong đó, uống nhiều sữa có thể được kể đến gián tiếp.

Thời gian gần đây, nhiều luồng ý kiến trái chiều về vụ việc uống sữa tươi nhiều gây thiếu máu ở trẻ. Theo ThS.BS Huỳnh Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), để kết luận một trẻ bị thiếu máu, chúng ta cần xem xét nhiều nguyên nhân, cả về chế độ dinh dưỡng và quá trình chăm sóc của người lớn.

Có thể là nguyên nhân gián tiếp

Bác sĩ Minh cho biết máu là sự kết hợp giữa protein và chất sắt. Do đó, khi trẻ không có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không đủ chất đạm trong thời gian dài, sẽ bị thiếu máu.

Ngoài việc ăn uống kém, trẻ có thể bị thiếu máu nếu mắc các bệnh lý khiến cơ thể kém hấp thu chất dinh dưỡng.

Khi trẻ mắc các bệnh lý đường ruột hoặc không được tẩy giun theo thời gian đúng quy định, trẻ có nguy cơ bị ký sinh trùng đường ruột. Điều này cũng gây tình trạng thiếu máu.

Khi cha mẹ cho con ăn theo chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, song có những giai đoạn trẻ không được bổ sung sắt đầy đủ cũng dễ bị thiếu máu.

“Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu, cha mẹ nên xem xét tổng quát các nguyên nhân khác nhau, không nên vội vàng đổ lỗi do sữa”, bác sĩ Minh nói.

 Các bác sĩ cho biết uống nhiều sữa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiếu máu ở trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Các bác sĩ cho biết uống nhiều sữa không phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiếu máu ở trẻ nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Chuyên gia này cho biết thêm nếu đã loại trừ các nguyên nhân trên, việc uống sữa có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc trẻ thiếu máu do không được bổ sung đầy đủ chất sắt.

Chẳng hạn, trẻ trên 12 tháng tuổi cần ăn từ 1-1,5 chén cháo và từ 600-800 ml sữa mỗi ngày. Nếu trẻ không chịu ăn cháo, nhiều cha mẹ lo lắng và dồn cho trẻ uống sữa nhiều hơn vì sợ con đói.

Tuy nhiên, uống sữa quá nhiều đã khiến bé no và biếng ăn. Điều này lại đưa đến việc cơ thể không cân đối dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân chủ chốt gây thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.

Bác sĩ Minh cũng cho biết các loại sữa hiện nay được chế biến theo công thức khá khoa học, nhiều loại sữa có bổ sung chất sắt. Do đó, uống sữa không phải là nguyên nhân lớn gây tình trạng thiếu máu ở trẻ.

Cho trẻ uống sữa như nào tốt nhất?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết khi cho trẻ uống sữa không phải sữa mẹ, người lớn cần phân biệt theo độ tuổi của trẻ để uống với lượng và loại sữa phù hợp.

Trong đó, việc cần thiết là phân biệt được loại sữa dùng nuôi trẻ (thành phần chính cung cấp năng lượng và các vi chất) hay sữa uống thêm (bổ sung thêm năng lượng, thức ăn khác vẫn là chính).

Nếu dùng sai, trẻ sẽ không đủ năng lượng, vi chất, chậm lên cân, rối loạn tiêu hóa.

Đối với trẻ trong giai đoạn ăn dặm, nếu uống nhiều sữa sẽ làm đầy bụng, bỏ ăn, ăn ít, khiến cơ thể không đủ vi chất.

Tùy theo độ tuổi, người lớn cần cho trẻ uống theo định lượng và loại sữa phù hợp. Ảnh: Shutterstock.

Tùy theo độ tuổi, người lớn cần cho trẻ uống theo định lượng và loại sữa phù hợp. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo đối với trẻ dưới 1 tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính nhưng khi trẻ từ 7-9 tháng tuổi, lượng sữa nên giảm dần. Sau 2 tuổi, trẻ chỉ cần 500 ml sữa uống thêm/ngày. Lượng sữa giảm dần và thay thế bằng thức ăn. Trẻ uống sữa nhiều sẽ bỏ ăn, gây thiếu vi chất.

Theo bác sĩ Huỳnh Công Minh, ở 3 tháng cuối thai kỳ, cơ thể người mẹ đã tích trữ lượng sắt nhất định để bổ sung cho con. Do đó, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sẽ không lo bị thiếu sắt, thiếu máu vì có nguồn dự trữ từ mẹ.

Từ 6 tháng trở đi, lượng sắt trong sữa mẹ không còn đủ. Ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo… để bổ sung dinh dưỡng. Bác sĩ Minh khuyến cáo việc ăn dặm ở giai đoạn này rất quan trọng, chế độ ăn phải cân bằng đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm từ động vật.

“Mỗi trẻ đều có chế độ ăn, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu hay mắc bệnh lý, phụ huynh cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Ngoài ra, phụ huynh nên tiếp cận bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng để đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho trẻ”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Hoàng Ân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-hu-viec-uong-nhieu-sua-khien-tre-thieu-mau-post1099492.html