Thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đang là rào cản cho nền kinh tế hồi phục
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp chính là 2 bất cập của ngành thuế hiện nay, đang là rào cản cho nền kinh tế hồi phục.
Trong thời quan qua, Chính phủ, cùng Bộ Tài chính đã ban hành nhiều Quyết định, Nghị định, Thông tư liên quan tới vấn đề giảm thuế, miễn thuế hoặc tạm hoãn việc thu thuế.
Đơn cử như đầu tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 47, về việc giảm 30 khoản phí, lệ phí nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Chính phủ ban hành một số giải pháp giảm, miễn thuế hoặc hoãn thuế là điều bắt buộc phải làm, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang rơi vào khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp chính là 2 bất cập của ngành thuế hiện nay, đang là rào cản cho nền kinh tế hồi phục.
Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn một số khoản thuế, phí đang là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Để phân tích về vấn đề này, PV Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. Theo ông Hiếu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp chính là 2 bất cập của ngành thuế hiện nay.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều sắc lệnh liên quan tới việc giảm thuế, miễn thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19. Theo ông, các sắc lệnh này có đem lại được nhiều lợi ích cho nền kinh tế?
-Trong lúc các doanh nghiệp đều đang khốn khó như hiện nay, thì việc giảm thuế, miễn thuế là điều đương nhiên Chính phủ phải làm.
Theo trích dẫn từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, có thể thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước có 60.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng vạn doanh nghiệp đang dặt dẹo “chờ chết”.
Với những doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ dùng nhiều biện pháp để hỗ trợ, trong đó có thuế. Nên việc giảm thuế, hoãn thuế là chuyện đương nhiên để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xét về cách tổng thể, việc giảm, miễn thuế chỉ mang lại một số lợi ích nhỏ, cho các doanh nghiệp có doanh thu. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã phá sản, hoặc trên bờ vực phá sản lại chẳng được hưởng lợi lộc gì.
Bởi, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái hoạt động yếu kém, kinh doanh không có lãi, không có lợi nhuận, thậm chí là lỗ, vì vậy việc miễn thuế, giảm thuế cũng thành vô tác dụng.
Do đó, để đánh giá về các chính sách thuế của Chính phủ như miễn, hoãn, giảm thuế tôi cho rằng đây là điều cần thiết nhưng không đủ.
Theo ông, trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn như hiện nay, thì khoản thuế, phí nào đang là gánh nặng?
-Trong “trùng trùng, điệp điệp” các loại thuế, phí đang có hiện nay, thì 2 khoản thuế nặng nhất là thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế doanh nghiệp. Đối với thuế VAT, người dân, người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động mạnh nhất.
Bởi, nhiều doanh nghiệp phá sản, đồng nghĩa với việc người dân bị mất việc làm, không có thu nhập. Như vậy, thuế VAT sẽ khiến người dân phải chi trả nhiều tiền hơn cho cuộc sống cá nhân.
Đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, thuế thu nhập doanh nghiệp đang đè nặng lên khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Mức thuế theo quy định hiện hành đang là quá cao.
Do đó, tôi mong muốn, Chính phủ xem xét giảm 5% - 10% thuế thu nhập doanh nghiệp, cho tới khi nào kinh tế hồi phục trở lại. Bên cạnh hai thuế nêu trên còn rất nhiều loại thuế và phí khác nhau, có lẽ để có mức chung cho các loại thuế thì có thể giảm thuế từ 20-30% là hợp lý.
Tuy nhiên, vấn đề giảm thuế phải đi cùng với vấn đề giảm chi của Chính phủ. Bởi các khoản chi của Chính phủ đều từ tiền thuế mà ra.
Hiện tại, Chính phủ đang chi mạnh tay vào một số dự án đầu tư công, nhưng không mang lại hiệu quả. Từ đó, tạo ra sự lãng phí rất lớn, áp lực nên ngành thuế. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét các dự án này, nếu không hiệu quả thì dừng lại.
Đối với thuế VAT, người dân, người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động mạnh nhất.
Theo như ông chia sẻ việc lãng phí tiền thuế của người dân, doanh nghiệp khi sa lầy vào các dự án đầu tư công không hiệu quả. Vậy, ông có kiến nghị gì gửi tới Chính phủ về điều này?
-Chi thường xuyên hiện nay của Chính phủ đã cắt giảm rất nhiều, nhưng đâu đó hiện tượng tham nhũng, lãng phí vẫn còn. Nên, cơ quan thanh tra của Chính phủ phải rà soát những chi phí thường xuyên, để bài trừ hiện tượng tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, tôi mong rằng, những chi phí thường xuyên không cần thiết cũng phải giảm tối thiểu để cân bằng với nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Một số ý kiến cho rằng, trong tương lai, việc tăng một số loại thuế, phí là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021 - 2022 chưa thích hợp cho lộ trình tăng thuế, do các tác động của đại dịch COVID-19. Ông có quan điểm như thế nào về quan điểm trên?
-Tôi cho rằng, đại dịch COVID-19 có thể vẫn sẽ tác động tới nền kinh tế - xã hội Việt Nam ít nhất trong 1 - 2 năm nữa. Nền kinh tế Việt Nam muốn trở về mức bình thường, sớm nhất cũng phải tới cuối năm 2022. Do đó, tôi cho rằng, đến năm 2023 cũng ta mới nên xem xét những biện pháp thuế mới.
Bởi, vấn đề cân bằng ngân sách cũng rất quan trọng với quốc gia, thời gian qua ngân sách của quốc gia cũng chi rất nhiều vì vấn đề dịch bệnh, nguồn thu thuế bị giảm trong khi chi phí chi thì tăng lên. Với mức thâm hụt ngân sách như vậy thì có lẽ chúng ta cũng sớm tăng thuế để lấy lại cân bằng ngân sách. Nhưng, có lẽ việc tăng này cũng không thể sớm hơn năm 2023.
Xin chân thành cảm ơn ông!