Thương mại biên giới Việt - Trung lấy lại đà tăng trưởng

Sau 3 năm đóng - mở, gián đoạn vì dịch Covid-19, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã sôi động trở lại từ ngày 8/1. Trung Quốc khôi phục lại hoạt động thông thương tại hầu hết các cửa khẩu đất liền với Việt Nam, giúp cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của hai nước gia tăng nhanh chóng, kim ngạch XNK giữa hai bên ổn định và trên đà tăng trưởng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai nước trong chuyến công tác, làm việc với chính quyền tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Ảnh: Trần Cao

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai nước trong chuyến công tác, làm việc với chính quyền tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Ảnh: Trần Cao

Cửa khẩu nhộn nhịp trở lại

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã có 24 năm liên tiếp là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của tỉnh Quảng Tây. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Quảng Tây đạt hơn 14 tỷ Nhân dân tệ (NDT). Từ tháng 1 đến tháng 4/2023, mậu dịch nông sản song phương đạt hơn 4 tỷ NDT, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2022, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây nhập khẩu nhiều nông sản Việt Nam nhất trong các địa phương có biên giới đường bộ với Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch lên đến 5,85 tỷ NDT, tăng 86,4% so với năm 2021, chiếm 14,5% tổng số nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. “Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ NDT các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc” - Ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Quảng Tây cho biết. Từ những số liệu này, có thể thấy, thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong khi đó, Quảng Tây vốn là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc.

Được coi là cửa ngõ thông thương quan trọng của Việt Nam với Trung Quốc thông qua tỉnh Quảng Tây, trong những tháng gần đây, hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu Lạng Sơn đang lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động XNK hàng hóa được thực hiện tại 5 cửa khẩu với lưu lượng xe chở hàng hóa được thông quan mỗi ngày đạt hơn 1.000 xe hàng. Trong ngày 30/5, có 1.152 phương tiện được thông quan XNK, trong đó, có 518 xe XK (chủ yếu là hoa quả) và 634 xe chở hàng nhập khẩu.

Số liệu tổng hợp của BĐBP Lạng Sơn cho thấy, tháng 4/2023, các đồn Biên phòng có cửa khẩu đã làm thủ tục cho hơn 29.000 lượt hành khách xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu và hơn 95.000 lượt hành khách xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành. Ngoài ra, BĐBP Lạng Sơn cũng làm thủ tục cho gần 31.000 lượt phương tiện đường bộ, 60 lượt phương tiện đường sắt, với hơn 383.000 tấn hàng hóa XNK.

Trong tháng 5, lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh tăng đột biến, với hơn 50.000 khách xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu và hơn 116.000 lượt khách xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành. Lượng xe hàng XK sang Trung Quốc cũng tăng lên tới gần 15.000 xe; 66 lượt phương tiện đường sắt với hơn 188.000 tấn hàng hóa. Ở chiều nhập khẩu, có hơn 16.000 phương tiện với hơn 196.000 tấn hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam.

Hoạt động thương mại biên giới tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) cũng nhộn nhịp trở lại khi lượng hàng hóa và người xuất nhập cảnh không ngừng tăng mạnh. Trong quý I/2023, khối lượng giao dịch tại chợ biên giới Đông Hưng đạt 5,6 tỷ NDT, tăng 219% so với cùng kỳ năm ngoái với đà tăng trưởng rất mạnh. Tính đến ngày 17/5, lượng giao dịch đã lên đến 8,8 tỷ NDT. Theo đà này, dự kiến, kim ngạch thương mại biên giới năm nay sẽ vượt mức 17,6 tỷ NDT của trước dịch, tức năm 2019.

Ở cửa ngõ giao thương khác, hoạt động thương mại tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) cũng diễn ra sôi động. Tính từ ngày 16/4 đến 15/5, có gần 24.000 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai bằng hộ chiếu. Lượng khách xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành đạt con số hơn 25.000 người Trung Quốc và hơn 165.000 người Việt Nam. Các mặt hàng XK qua cửa khẩu Kim Thành là gần 45.000 tấn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 111.000 tấn hàng hóa từ Trung Quốc.

Đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy giao thương

Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của lực lượng chức năng Trung Quốc và Việt Nam, tình trạng thông quan hàng hóa vẫn được duy trì bình thường.

Xe hàng thông quan XNK qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: Hồng Hà

Xe hàng thông quan XNK qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: Hồng Hà

Trong hệ thống cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) có hoạt động thương mại sôi động nhất. Lượng phương tiện chở hàng XK mới từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến trong những ngày qua và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi mà mùa thu hoạch vải đang đến gần.

Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã thống nhất thực hiện việc điều tiết phương tiện chở hàng hóa chờ XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ từ 15 giờ, ngày 27/5/2023 để đảm bảo quá trình điều tiết, sắp xếp, phân luồng phương tiện chở hàng hóa chờ XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc các phương tiện dừng đỗ kéo dài trên tuyến quốc lộ 1A, đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Nhằm thúc đẩy giao thương nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc, trong hai ngày 30 và 31/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã hội đàm với lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, làm việc với Cục trưởng Hải quan Nam Ninh và dự Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam.

Trên cơ sở tình hình thực tế, ông Vương Vị Băng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn; tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô XNK rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, thay vì 6 cửa khẩu như hiện nay để giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí. Đồng thời, kiến nghị về việc thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước để phục vụ XNK nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành trong giao thương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề cập ý tưởng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây, Việt Nam - Vân Nam, xây dựng các trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hai nước, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất phía Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng danh mục thủy sản và loài thủy sản sống và phê duyệt thêm danh sách các doanh nghiệp được phép XNK giữa hai nước.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuong-mai-bien-gioi-viet-trung-lay-lai-da-tang-truong-post461848.html