Tiến tới xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc
Nghề nuôi yến, thực chất là xây nhà và dẫn dụ yến về làm tổ phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây với nhiều loại hình và quy mô khác nhau ở 42/63 tỉnh, thành từ TP Hải Phòng, Bắc Trung bộ, ven biển miền Trung, Tây Nguyên, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Theo Bộ NN-PTNT, hiện có 8.304 nhà yến, sản lượng năm 2018 khoảng 68 tấn.
Hoàn thiện thể chế và kỹ thuật
Ở khu vực Đông Nam Á, nghề nuôi yến lấy tổ tại nhà đã phát triển rất lâu, nhất là ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan, trong khi ở Việt Nam, nghề yến nhà mới xuất hiện đầu những năm 2000. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), dẫn dụ, gây giống nuôi yến và khai thác tổ yến (yến sào) là nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao, nếu không nói là rất cao, nhất là hiện nay, khi giá tổ yến từ 1.500-2.000 USD/kg.
Những năm qua, tại nhiều TP lớn đã xuất hiện các cửa hàng bán tổ yến thô hay đã qua chế biến, nhưng do là sản phẩm cao cấp, dành cho những người có nhiều tiền nên hầu hết tổ yến khai thác được từ các nhà yến ở Việt Nam đều để xuất khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, bao gồm Hồng Công. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, số tiền xuất khẩu tổ yến vào khoảng 100-125 triệu USD/năm.
Người nuôi yến đã được trang bị nhiều kiến thức thực tế cũng như được tập huấn kỹ thuật dẫn dụ và khai thác tổ yến. Hiện đã có những doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa áp dụng công nghệ cao vào khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn.
Tuy nhiên, do đây là nghề khá mới, còn lúng túng trong quản lý, những quy định chưa chặt chẽ nên dù là nghề nhiều tiềm năng nhưng tính chính danh chưa có. Như ở TPHCM, trong số 595 nhà yến chỉ có 10 nhà được chọn là thí điểm nên được gọi là hợp pháp. Đa số nhà yến xây theo kiểu lách luật, xin giấy phép xây nhà ở rồi âm thầm chuyển qua nhà yến hay tầng dưới để ở, những tầng trên để dẫn dụ yến. Từ đó phát sinh tranh cãi về âm thanh, tiếng ồn với những nhà xung quanh.
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết, đây là nghề có tiềm năng với giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tỉnh có gần 800 nhà yến, nhưng địa phương gặp khó khăn trong quy hoạch, quản lý, xây dựng, kỹ thuật và an toàn dịch bệnh, nhất là tiếng ồn khi nhiều nhà yến phát loa dụ yến liên tục 24/24 giờ.
Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT có thông tư liên tịch với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng về nhà yến. Đó là cơ sở để triển khai. Bộ NN-PTNT cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn gắn với an toàn vệ sinh dịch bệnh để làm cơ sở tiến tới xuất khẩu chính ngạch. Bác Trần Lam (Kiên Giang) cho biết, ở Malaysia xây dựng nhà yến nhưng không biết là nhà yến vì không gây tiếng ồn, không cho loa đi ngang qua mà chỉ hướng lên trời. Họ còn giải thích, nếu loa phóng ngang, gặp nhà cao tầng hơn sẽ bị dội âm thanh, làm chim bị lạc hướng khi định vị. Ở Malaysia có những dãy nhà yến như khu phố, không gây tiếng ồn.
Ông Võ Quan Huy, chủ trang trại, đồng thời là Giám đốc Công ty Fohla (Long An), kiến nghị, Bộ NN-PTNT sớm hoàn thiện thể chế, hoàn thiện kỹ thuật để có nghị định về phát triển nuôi yến cũng như đàm phán tiến tới ký kết để có thể xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc như cách của Malaysia, Indonesia, Thái Lan đang làm.
Sớm giải quyết thủ tục pháp lý
Dù là ngành nghề khá mới, nhưng tổ chức ngành nghề đã sớm hình thành, sau khi Chi hội Nhà yến Việt Nam, thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) ra đời, ngay sau đó Hiệp hội Yến sào Việt Nam (SFA) cũng được thành lập.
Mỗi tổ chức đều có thế mạnh riêng. Nếu như SFA tập trung những nhà kỹ thuật nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà yến và kỹ thuật dẫn dụ thì Chi hội Nhà yến Việt Nam lại có thế mạnh về khai phá thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tại diễn đàn nâng cao chất lượng nghề yến do Bộ NN-PTNT và VFAEA tổ chức tuần qua, Công ty cổ phần Quảng bá và Phát triển thị trường yến sào Việt Nam và Công ty Đông Nam Yến Đô (TP Hạ Môn, nơi nhập khẩu tổ yến chưa sơ chế được chỉ định của Trung Quốc) đã ký hợp đồng xuất khẩu.
Như vậy, sau chỉ đạo của Bộ NN-PTNT hơn 1 năm trước về việc giao xúc tiến tiếp cận thị trường Trung Quốc, có thể nói Chi hội Nhà yến đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến chính, chiếm khoảng 80% thị trường toàn cầu.
Theo bà Trương Nhã Cầm, Chủ tịch Hiệp hội Ngành yến tỉnh Quảng Đông, nhu cầu tiêu thụ yến sào tăng mạnh từ 3,09 tấn năm 2014 lên 81,4 tấn năm 2017. Đến tháng 10-2018, lượng nhập khẩu tổ yến vượt quá tổng số cả năm 2017. Ông Lạc Nghĩa Ninh, Chủ tịch Công ty Đông Nam Yến Đô (Hạ Môn, Trung Quốc), cho biết, hiện tại hầu hết tổ yến từ Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua các kênh không chính thức.
Chính phủ Trung Quốc thời gian qua rất coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm và việc phòng chống buôn lậu, nhất là sau khi Trung Quốc xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi. Một khi Trung Quốc tăng cường việc kiểm soát, tổ yến nhập khẩu sẽ có những tác động cụ thể.
Vì vậy, ông Ninh đề nghị 2 nước cần tiến tới việc ký nghị định thư cho phép tổ yến Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Bộ NN-PTNT đã gửi công văn cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị nước này xem xét, mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho tổ yến Việt Nam. Sau đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Việt Nam sớm hoàn thiện hồ sơ để Trung Quốc xem xét cho phép nhập khẩu chính ngạch tổ yến.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết, sớm giải quyết thủ tục pháp lý cho việc xuất khẩu chính ngạch cũng như ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà yến, tổ yến sẽ giúp thúc đẩy ngành yến Việt Nam phát triển. 8 vấn đề theo ông Nam cần giải quyết: SFA cùng Chi hội Nhà yến Việt Nam (thuộc VFAEA) và Cục Thú y, Cục Chăn nuôi hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Cục Chăn nuôi hoàn chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật nhà yến và tổ yến.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiên cứu quy chuẩn và tiêu chuẩn chế biến sâu để tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. SFA và VFAEA cùng hợp tác xây dựng thương hiệu quốc gia yến sào Việt Nam; tập hợp thành khối đoàn kết, tạo cơ chế phối hợp, có chương trình hành động và tiếng nói chung để đưa ngành yến Việt Nam phát triển.
Các địa phương cần quản lý và đảm bảo về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường, nhất là tiếng ồn.