Tiếp tục khẳng định chỗ đứng

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân, chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định chỗ đứng cũng như vai trò quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Trung tâm thời trang M2 Đống Đa (Công ty cổ phần thời trang M2). Ảnh: Quỳnh Chi

Sau 12 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với phát triển thị trường trong nước đã giúp ngành Công Thương tạo nền tảng hạ tầng thương mại vững chắc. Nhiều chương trình phát triển thương mại nội địa được triển khai, như bình ổn giá, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, đề án phát triển thị trường trong nước… Những chương trình này đã tạo nên sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; giữa doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối; có khả năng điều tiết thị trường ngay cả trong tình huống khó khăn, phức tạp, dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tuy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11-2021 đã tăng 6,2% so với tháng trước. Đây là kết quả tích cực khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và giá cả trên thị trường được kiểm soát.

Với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.

Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vương Đức Anh cho biết, mặc dù doanh nghiệp dệt may phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải đóng cửa trong quý III-2021, song kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2021 của ngành Dệt may vẫn đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ của năm 2019. Nếu 2 tháng cuối năm 2021, mỗi tháng tối thiểu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Tới đây, Tập đoàn sẽ cùng các đơn vị thành viên tiếp tục phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm - may hướng tới trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành Dệt may thời trang.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thực tế hiện nay do chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng nên doanh nghiệp vẫn đang sản xuất ra những loại hàng hóa với chất lượng không đồng đều. Tuy nhiên, hàng kém chất lượng vẫn tiêu thụ được nên người sản xuất không có “áp lực” phải nâng cao trách nhiệm, sản xuất ra hàng chất lượng cao. Trong khi thực tế, năng lực của các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn của hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu...

Vì vậy, thay vì vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… có thể lấy quyền lực thị trường để định hướng nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cũng cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như khuyến khích, định hướng tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Bộ Công Thương sẽ công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa và phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/1019671/tiep-tuc-khang-dinh-cho-dung