Tiêu chuẩn sống - Thế nào là sống được?
LTS: Tiêu chuẩn sống của người Việt hôm nay ra sao? Đó là một câu hỏi khó, khi cách biệt giàu - nghèo mỗi ngày một lớn hơn, cách biệt giữa đô thị và nông thôn cũng giãn rộng ra. Nhưng câu hỏi đó còn khó hơn nữa khi chúng ta nhìn nhận về tiêu chuẩn sống vượt ra suy nghĩ đơn thuần về một đời sống vật chất…
Thế nào là sống được?
Vài năm gần đây, có một cuộc tranh luận mà khá nhiều tờ báo hay lấy ra để khai thác: cần bao nhiêu tiền để sống được ở X? (có thể là một thành phố lớn bất kỳ, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc một vùng quê nào đó…).
Các cuộc thảo luận kiểu này nhanh chóng rơi vào bế tắc. Người cho rằng chỉ 10 triệu là sống ổn ở thành phố, kẻ lại bảo 10 triệu không đủ tiền đóng học cho con tôi một tháng. Rồi người thì tiết kiệm đến mức mỗi bữa chỉ dám tiêu 20.000-30.000 đồng cho hai món cơ bản, kẻ thì “nhà tôi mỗi tháng tiền ăn phải ba chục triệu”.
Tiêu chuẩn để một người có thể sống được luôn là bài toán hóc búa, vì nhu cầu mỗi người là khác nhau. Nhưng thay vì nhìn chúng như một vấn đề cá nhân, các nhà khoa học nghĩ về chúng dưới góc độ xã hội, như ý kiến của Albert Einstein, là “hỏi chính mình rằng cấu trúc của xã hội và thái độ văn hóa của con người nên được thay đổi như thế nào để làm cho cuộc sống con người thỏa mãn nhất có thể”.
Phương pháp nổi bật nhất trong số này là khái niệm do nhà xã hội học Hà Lan Ruut Veenhoven của Đại học Erasmus (Rotterdam) đặt ra: “Lý thuyết sống được”, chỉ ra rằng mọi người sẽ hài lòng hơn trong những xã hội cung cấp đầy đủ các nhu cầu con người nhất cho số lượng người lớn nhất.
Công trình vĩ đại của nhà tâm lý học quá cố người Mỹ Abraham Maslow cung cấp một mô hình để hiểu các nhu cầu đó, từ thấp lên cao. Thức ăn, quần áo và nơi ở - các nhu cầu sinh lý của chúng ta - ở đáy của kim tự tháp. Tiếp theo là nhu cầu an toàn, về tài chính, việc làm và được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Sự tự trọng tạo nên cấp độ tiếp theo - bao gồm tình bạn, tình yêu và đắm chìm trong các mối quan hệ xã hội. Cảm giác được đánh giá cao bởi cộng đồng và tự chủ cuộc sống hình thành các nhu cầu cấp cao hơn, là sự tự tôn và nhu cầu thể hiện bản thân.
Bằng cách liệt kê những nhu cầu cơ bản này, chúng ta biết rằng thiết chế quan trọng nhất để tạo ra và phân phối chúng là nền kinh tế, vì nền của tháp nhu cầu chính là những thứ đơn giản nhất, thức ăn và chỗ trú ẩn. Chìa khóa để hiểu hạnh phúc, do đó, nằm trong việc hiểu cách nền kinh tế thị trường hoạt động.
Khái niệm quan trọng nhất trong toàn bộ logic của chủ nghĩa tư bản là hàng hóa, cụ thể là sức lao động. Một thế giới hàng hóa là thế giới mà đa số dân số phụ thuộc vào việc bán sức lao động của họ như một hàng hóa dưới dạng công việc được trả lương.
Nói cách khác, để tồn tại, con người phải bán khả năng lao động của mình trong cùng một thị trường như bất kỳ hàng hóa nào khác. Như nhà kinh tế chính trị Adam Smith đã nhận ra từ thế kỷ 18, nhu cầu con người giống như bất kỳ hàng hóa nào khác. Dù cho có nhiều mặt tích cực và đáng khen ngợi của nền kinh tế thị trường, việc biến con người thành hàng hóa tạo ra hai hậu quả tiêu cực.
Thứ nhất, khi con người trở thành hàng hóa, họ trở thành đối tượng chịu tác động của các lực lượng thị trường tàn nhẫn ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ đối mặt với một thế giới đặc trưng bởi sự bất an liên tục, vì thị trường bán sức lao động của họ, và khiến con người trở nên phụ thuộc vào các lực lượng không quan tâm đến họ.
Thứ hai, như nhà xã hội học Đan Mạch Gosta Esping-Andersen từng viết trong cuốn “The Three Worlds of Welfare Capitalism” (1990) rằng “thị trường trở thành một nhà tù đối với người lao động”. Để sống sót và cố gắng phát triển, con người áp dụng các giá trị và chuẩn mực của những tù nhân thị trường - cạnh tranh cá nhân, tự ái, tập trung vào lợi ích vật chất ngắn hạn. Trong thực tế, những giá trị này làm giảm sự hài lòng trong cuộc sống.
Ngày nay, việc con người bị biến thành hàng hóa biểu thị dưới rất nhiều định dạng: một giám đốc chỉ chăm chăm “né” đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên; chính những nhân viên cạnh tranh, ganh ghét nhau để giành chút quyền lợi, bổng lộc; phụ huynh chỉ lo chạy trường, chạy điểm, hơn là quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái; hoặc người ta đo đếm nhau thật nhanh bằng chính những hàng hóa trên người, như là đồ hiệu, xe cộ.
Trong một xã hội kiểu vậy, một người không thể gọi là “sống được”, nếu họ không thể bán sức lao động thành công, do bị bệnh tật, già yếu, khuyết tật, cần chăm sóc cho thành viên gia đình, mong muốn cải thiện vị trí của mình thông qua việc học lên cao, hoặc đơn giản là không thể tìm thấy việc làm (đủ tốt) khi kinh tế khó khăn.
Các con số về phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP không giải quyết được chuyện này. Một tấm lưới an toàn để đỡ một cá nhân trước những hiểm nguy bủa vây của thị trường là điều mà một người nên nhận được vì họ là công dân, không phải vì họ có thể trả tiền cho nó.
Trong một nỗ lực tự hỏi mình xem liệu những chủ đề đang gây tranh cãi trên mạng, kiểu như giá vé vài triệu đồng đi xem BlackPink là đắt hay rẻ, gây ảnh hưởng thực sự đến đâu, tôi đã hỏi vài người lao động sống quanh bán kính sân vận động Mỹ Đình, nơi BlackPink diễn, và đều nhận được cùng câu trả lời: Họ thậm chí không biết ban nhạc ấy là những ai.
Sự kiện văn hóa gây tiếng vang (lẫn thị phi) lớn nhất trong vài ngày qua, bất chấp những nỗ lực truyền bá phi thường và đắt đỏ của thị trường, hóa ra vẫn miễn nhiễm hoàn toàn với một số người vẫn còn quay quắt với khái niệm “sống được”. Thậm chí, chính việc họ không còn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của cá nhân và gia đình, cũng là biểu hiện của một sự bần cùng ít người nói ra.
Phạm An
Ai cũng có tủ lạnh
Kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng chúng ta có hạnh phúc hơn? Đó không phải là một câu hỏi văn học vu vơ, mà là một vấn đề xã hội có thật.
Thập kỷ 70, nhà kinh tế học Richard Easterlin đưa ra một phát hiện sau này được gọi với cái tên “Nghịch lý Easterlin”. Ông khẳng định rằng các chỉ số hạnh phúc trung bình của nước Mỹ không hề tăng trong khoảng từ 1946 đến 1970, bất chấp mức tăng trưởng kinh tế choáng ngợp của Mỹ trong giai đoạn này.
Theo quan sát của Easterlin, ở một thời điểm cụ thể, thì mức thu nhập có thể tạo ra sự khác nhau giữa hạnh phúc giữa người và người, quốc gia và quốc gia. Nhưng qua thời gian, sự tăng trưởng thu nhập không đi cùng với sự tăng trưởng về hạnh phúc.
Mặc dù phát hiện của Easterlin vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu kinh tế (mà có lẽ nghiên cứu xã hội học nổi tiếng nào cũng gây tranh luận). Nhưng cách tiếp cận này vẫn luôn tạo ra những suy ngẫm mới.
Chúng ta cũng đã trải qua ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Và câu hỏi là, điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc của người Việt Nam như thế nào?
Có hai cách giải thích cho Nghịch lý Easterlin: Đầu tiên, con người ta thích ứng với tiện nghi mà mức thu nhập mới mang lại. Sau một thời gian, họ thích nghi với hoàn cảnh, cho dù đó là hoàn cảnh xấu hay tốt, và không còn cảm thấy xúc động về sự thay đổi đã diễn ra nữa.
Ví dụ, một anh nhân viên kho vận lương 10 triệu leo lên làm giám đốc khối lương 100 triệu. Ngay thời điểm được bổ nhiệm, anh ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng sau một thời gian sống trong căn hộ cao cấp, dùng tủ lạnh 2 cửa, máy lạnh bật cả ngày, xem TV màn hình 56” và đi xe hơi cỡ D, anh ta cảm thấy mọi thứ đó đều bình thường. Anh không hạnh phúc hơn so với chính mình thời còn chạy Honda đi giao hàng.
Ngược lại, một chủ doanh nghiệp phá sản và trải qua thay đổi đột ngột về thu nhập, chuyển về quê sống nhờ ông bà già và mở tiệm tạp hóa, không còn xe cỡ D và phòng máy lạnh nữa. Ngay thời điểm điều đó diễn ra, hạnh phúc của anh ta thay đổi. Nhưng rồi, nói như người Việt Nam, “sống riết rồi cũng quen”.
Cách giải thích thứ hai là về “so sánh xã hội”. Tức là sự thịnh vượng của chúng ta đo bằng mức độ giàu có so-với-người-khác. Hạnh phúc của chúng ta, sự thỏa mãn trong đời sống vật chất đến từ việc ta có giàu có hơn người khác không, chứ không phải so với chính mình trong quá khứ.
Nhiều người Việt Nam đã trải qua cuộc tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong ba thập kỷ qua sẽ hiểu tất cả các cách giải thích này. Chỉ mới đây thôi, trong ký ức của hầu hết những người trưởng thành, việc sở hữu một chiếc “xe mini Nhật” (một dòng xe đạp Nhật Bản secondhand) đã là niềm tự hào, tạo ra cảm giác thỏa mãn và vui thích cho chủ nhân. Một thời gian sau, việc sở hữu một chiếc xe máy mới tạo ra được cảm giác đó. Rồi xe máy cũng không làm chúng ta vui nữa, mà phải là xe máy tay ga. Cứ thế, thứ tạo ra cảm giác thỏa mãn khi sở hữu bây giờ là những chiếc ôtô có giá cả tỷ đồng.
Sau 30 năm, từ chỗ không phải đi bộ đã là một niềm sung sướng, đến việc bị xếp vào “nhóm yếu thế” và “nghèo đa chiều” nếu chỉ làm nghề chạy xe ôm (tức là sở hữu một chiếc xe máy) – có lý do để đặt câu hỏi, thực ra mức tăng GDP hàng chục lần từ thập kỷ 90 đã được chuyển thành bao nhiêu hạnh phúc?
Chúng ta quen với tiện nghi vật chất và không còn cảm thấy nó đặc biệt nữa. Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê đưa ra những tỷ lệ rất cao: trung bình mỗi 100 hộ dân cư sở hữu đến 165 xe máy; 246 chiếc điện thoại; 95 hộ sở hữu tủ lạnh, 60 hộ sở hữu máy giặt và 68 hộ sở hữu điều hòa.
Bạn, nếu ở độ tuổi ngoài 30, có còn nhớ cảm giác trầm trồ ngưỡng mộ khi bước vào một căn phòng có máy lạnh, hay nhớ thời mà tiệm tạp hóa đầu hẻm bán 1.000 đồng một túi nước đá để đem về pha nước uống không? Bạn còn nhớ, nhưng sự đổi thay kinh ngạc đó không thể tạo ra sự hài lòng, hay vui sướng được nữa.
Chưa có một nghiên cứu nào để khẳng định rằng ở Việt Nam có Hiệu ứng Easterlin sau ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế thần kỳ không. Nhưng nếu nghĩ về lý thuyết này, chúng ta sẽ nhận ra rằng để cải thiện chất lượng sống của một quốc gia, chúng ta không chỉ có mỗi việc kiếm tiền.
Bạn nhìn quanh và nhận ra những thống kê đáng ngại về sức khỏe tâm thần của người Việt Nam; những người thân quen trong trạng thái stress và mất ngủ thường trực; nhận ra rằng ở khắp nơi đang hình thành các “chuyên gia” tự phong trong lĩnh vực tìm bình yên, chữa lành tâm hồn… Có cả một thị trường đang hình thành dành cho những người không cảm thấy hạnh phúc. Trong khi 95% dân số có tủ lạnh.
Làm thế nào để trả lời câu hỏi, rằng có thêm tủ lạnh, nhưng dân ta có thêm hạnh phúc không?
Đức Hoàng
Chúng ta đang nghèo nàn đi
67.000 vé của hai đêm concert Born Pink đã được phát hành và hình ảnh sân vận động Mỹ Đình được lấp kín ở cả hai đêm đó cho thấy điều gì đằng sau sức hút mạnh mẽ của những thần tượng đại chúng đương đại hôm nay? Câu trả lời là “người Việt bạo chi quá” nếu chúng ta nhìn vào giá vé, tiến trình bán vé. Lô vé VIP đắt nhất và lô vé bình dân nhất bán hết veo ngay khi mở bán. Lô vé trung bình (khoảng 5 triệu đồng/vé) bán chậm hơn một chút. Và những chủ nhân của các tấm vé ấy không chỉ có người Hà Nội cùng các đô thị lân cận thủ đô. Người từ các đô thị lớn ở miền Nam, miền Trung cũng mạnh tay chi tiền. Và với họ, để xem Black Pink, chi phí không chỉ là vé mà còn là di chuyển (đa số là máy bay) và lưu trú. Ước tính sơ sơ, để từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội xem show, kinh phí sẽ dao động từ 9-20 triệu tùy loại vé.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như ở tháng 8 này, hoặc tháng 9 chẳng hạn, Taylor Swift sẽ đến Việt Nam trong chuyến lưu diễn của cô? Giá vé chắc chắn cũng sẽ rất cao. Lượng khán giả tiếp tục chi nhiều tiền để di chuyển từ miền Nam ra Hà Nội (hoặc ngược lại từ miền Bắc vào TP Hồ Chí Minh) chắc cũng sẽ rất đông. Số lượng có thể sẽ không so sánh được với Black Pink bởi sẽ có một số người không thể gánh tiếp một mức chi phí như thế ngay sau khi mới chi ra một khoản kha khá cho nhóm nhạc Hàn Quốc, nhưng hứa hẹn chật kín điểm diễn là khả năng rất cao.
Nếu như chúng ta có một thị trường biểu diễn giải trí đủ thu hút nghệ sĩ quốc tế như Thái Lan thì sao? Ở Thái, sao quốc tế đến lưu diễn thường xuyên hơn rất nhiều, thậm chí là hàng tháng, nếu không nói là hàng tuần. Tất nhiên, giá vé vào cửa ở Thái rẻ hơn rất nhiều so với Born Pink ở Hà Nội vừa rồi. Nhưng khi ấy, người Việt chắc chắn sẽ thận trọng hơn với việc mạnh tay chi tiền hưởng thụ văn hóa và giải trí. Đơn giản, mật độ thường xuyên của các sao quốc tế đủ khiến họ kiên nhẫn để “không xem được lần này thì xem lần sau” hoặc “không xem sao này vì đợi một sao khác đáng đồng tiền bát gạo hơn”. Khi đã có nhiều lựa chọn sẵn có, chi tiêu cũng trở nên khôn ngoan hơn rất nhiều.
Bây giờ thì quay lại với vấn đề chính. Đó là ngoài những ngôi sao đình đám đang là thần tượng của giới trẻ ra, những loại hình giải trí, nghệ thuật khác, những ngôi sao ở lãnh địa khác có khiến người Việt lưu tâm? Cuối tháng 10 sắp tới, Steve Vai, tay guitar được xem là huyền thoại sống của thế giới sẽ diễn ở Việt Nam. Và gần như cái tên của anh không hề xuất hiện ồn ào trên mạng xã hội. Cơ bản, anh không thuộc diện ngôi sao giải trí đại chúng tới mức làm giới trẻ tuổi thanh thiếu niên cuồng lên như Black Pink. Anh là một nghệ sĩ và khán giả của anh thường cũng là giới nhà nghề.
Nhưng nếu bạn định so sánh chất lượng nghệ thuật giữa Steve Vai với Black Pink thì chớ nên. Không phải so sánh là khập khiễng mà vì bạn sẽ thành trò cười.
Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, Hà Nội cũng hay sốt vé như vụ sốt vé Black Pink vừa rồi. Tất nhiên, cái sốt vé thời ấy nó khác xa ngày nay khi điểm biểu diễn thời đó không dành cho số lượng lớn tới hàng chục ngàn người. Nhưng cái sốt vé ngày đó đa dạng hơn. Sốt vé xem vở chèo “Nàng Sita”; sốt vé xem kịch của Lưu Quang Vũ và cả sốt vé xem Gala, một đặc sản giải trí “được mang từ Sài Gòn ra”.
Bây giờ, cải lương, chèo, kịch nói chẳng bao giờ có đủ khán giả kín rạp. Sẽ dễ lý giải khi nói về sức hút với giới trẻ, lực lượng tiêu thụ chính. Nhưng nếu những người lớn tuổi, những người thuộc thế hệ cũ, không say mê với cái họ từng say mê thì rất khó để dẫn dụ lớp trẻ tiếp bước với các loại hình nghệ thuật như vậy. Người lớn tuổi ngại di chuyển và gần như bỏ quên thói quen tới các sân khấu. Người trung tuổi dễ mê say với những cái đơn giản như các phòng trà, sân khấu nhỏ của nhạc đại chúng. Đời sống tinh thần của họ đơn giản là vậy. Âm nhạc: phổ thông; phim ảnh: giải trí; những giải trí khác: YouTube và TV đủ rồi.
Hóa ra, tiêu chuẩn sống về tinh thần của người Việt hiện nay đơn giản quá. Đó là lý do vì sao nhiều đầu sách có hay đến mấy thì lượng ấn bản luôn chỉ khiêm tốn ở mức vài ngàn. Và với những loại hình nghệ thuật “kén” hơn, như hội họa chẳng hạn, dường như chúng là quá xa xỉ với người Việt. Nếu một người Việt trung lưu sẵn sàng một năm vài lần đi phòng trà, với mức phụ thu lên tới 1 triệu đồng/lượt, thì họ không sẵn lòng để mua một bức tranh đẹp cho căn nhà của mình dù giá của nó có khi chỉ 500 USD.
Đó là nói tới những người lớp trung lưu, có thu nhập ít nhất cũng từ 50 triệu/tháng trở lên. Còn đại đa số, những người chỉ có thu nhập 10-15 triệu/ tháng, việc bỏ tiền ra cho đời sống tinh thần trở thành thứ gì đó xa hoa, không với tới. Chúng ta hay đưa ra câu hỏi “bao nhiêu tiền thì sống được ở đô thị?” với các phép tính cơ bản nhất của cơ bản. Đó chỉ là ăn, ở, đi lại, học hành, mặc, ma chay, cưới hỏi, sinh nhật. Chẳng có phép tính nào chạm tới nhu cầu tinh thần, nhu cầu văn hóa cả. Dường như, cái đủ của chúng ta sơ sài quá. Và từ cái đủ sơ sài đó, xã hội bắt đầu sản sinh ra những lớp người vô cùng sơ sài.
Đánh giá chung là văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội của người Việt rất kém và cái thấp kém đó có nguyên do cả. Nó không chỉ là vấn đề của giáo dục (cả gia đình chứ không chỉ học đường) mà còn là vấn đề của một đời sống tinh thần nghèo nàn. Khi xung quanh mỗi người Việt chỉ có những thứ âm nhạc giải trí hời hợt; những chương trình TV show “hot” nhưng không sâu sắc; những tiểu phẩm hài đủ tạo sảng khoái nhưng không đọng lại gì… người Việt sẽ trưởng thành trong chính cái nhàn nhạt đó. Thậm chí, bắt đầu xuất hiện cả những thứ giải trí méo mó khi mạng xã hội phổ cập với tốc độ chóng mặt.
Có những người vẫn đặt ra vấn đề là “Với thu nhập dưới 20 triệu/tháng, sau những chi phí cơ bản nhất để tồn tại, một cá nhân còn lại được bao nhiêu nữa để hưởng thụ văn hóa và nuôi dưỡng tinh thần?”. Câu hỏi đưa ra vấn đề ấy không hề sai. Nhưng nếu nhìn vào thứ mà người Việt được cung cấp, đồng thời nhìn lên cả những tập hợp có mức thu nhập cao hơn thế, chúng ta sẽ nhận thấy vấn đề không chỉ là tiền. Nó là nhận thức, là tập quán. Và nhận thức ấy, tập quán ấy đòi hỏi một quá trình.
Đã có một quá trình dài, người Việt được đặt trong một hệ nhu cầu quá đơn giản, sơ sài. Để rồi từ thế hệ này tiếp đến thế hệ sau, sự sơ sài, đơn giản ấy trở thành chuyện bình thường chấp nhận được và dẫn tới việc hình thành một xã hội có tiêu chuẩn sống thực chất khá nghèo nàn.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tieu-chuan-song-the-nao-la-song-duoc--i703323/