Tìm giải pháp toàn diện bảo vệ người đi xe máy

Những năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện an toàn giao thông, nhất là đối với người đi xe máy như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ cồn, cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.

Nhiều trẻ em được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy. (Ảnh Ngọc Biểu)

Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và toàn diện hơn để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong.

Lấp “khoảng trống”về ý thức

Trong hai ngày 4 và 5/11, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế “An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm”. Tại hội thảo, các chuyên gia, khách mời đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thách thức về an toàn xe máy tại các nước trên thế giới; từ đó đề xuất giải pháp tổng thể nhằm nâng cao an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy ở Việt Nam và các quốc gia khác.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, bảo đảm an toàn giao thông xe máy là vấn đề rất nóng bỏng hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên toàn cầu. Ở nước ta, với chi phí vận hành rẻ, di chuyển cơ động, linh hoạt, xe máy đã và đang chiếm ưu thế. Số liệu thống kê mới nhất, đến tháng 9/2024, cả nước có 77 triệu xe máy đăng ký, chiếm gần 95% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ sở hữu xe máy lên tới 770/1.000 dân, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Xe máy không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn là công cụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và phổ biến của xe máy là những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nếu các cơ quan chức năng không hành động kịp thời, thách thức về tai nạn sẽ ngày càng lớn, không chỉ là 60% số vụ tai nạn liên quan đến xe máy mà có thể còn tăng cao hơn khi việc chấp hành pháp luật của người điều khiển xe máy không được cải thiện, tốc độ gia tăng phương tiện này không hạn chế.

Để phòng ngừa tai nạn giao thông đối với xe máy, lực lượng cảnh sát giao thông đã mở nhiều đợt cao điểm để xử lý, tuy nhiên vấn đề chính vẫn là làm sao cải thiện, lấp đầy “khoảng trống” về ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, các chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng, cần sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy.

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nêu những “khoảng trống” bất cập mà các cơ quan chức năng nên ưu tiên nghiên cứu để có giải pháp tốt hơn thời gian tới. Cần có giải pháp đối với trẻ em đi xe máy dung tích dưới 50 cc. Hiện nay, nhóm 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy loại này một cách hợp pháp trong khi vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Tiếp đến, có một số vụ tai nạn xảy ra do vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản như không nhường đường khi từ đường nhỏ ra đường lớn, đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát,... cho thấy các nội dung trong đào tạo và sát hạch lái xe máy cần được tiếp tục tăng cường.

Ưu tiên phòng ngừa rủi ro

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về chính sách, hạ tầng,… giúp giảm thương tật và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông hơn 40% trong giai đoạn 2010-2021. Tuy vậy, Việt Nam và một số nước vẫn cần có sự “bắt tay” để đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, ưu tiên phòng ngừa rủi ro về tai nạn, bảo đảm an toàn cho xe máy, không được coi là tai nạn không thể phòng tránh. WHO sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam và các quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm đến an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông trên xe máy. Hiện nay, có rất nhiều trẻ em tại Việt Nam đang được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy, do đó, việc tìm phương án giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn cho lứa tuổi này rất quan trọng.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia quốc tế, tử vong do tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm khoảng 1,19 triệu người trên toàn cầu. Tai nạn giao thông hầu hết, các nước có thu nhập thấp và trung bình, khiến 50 triệu người bị thương, tàn tật vĩnh viễn, để lại nhiều hậu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việt Nam đã thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp, từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi. Tuy nhiên, khoảng 60% số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vẫn liên quan đến xe máy và khoảng 75% trong số đó do chấn thương đầu.

Để giảm tai nạn giao thông và tử vong từ xe máy, các chuyên gia cho rằng, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn là biện pháp chính. Theo WHO, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn đúng cách có thể giảm 42% nguy cơ tử vong trong tai nạn và giảm 70% nguy cơ bị thương nặng. Hiện nay, 167 quốc gia đã thực thi luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và quản lý tốc độ. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã có những phương pháp riêng phát huy hiệu quả, thí dụ Đài Loan (Trung Quốc) sử dụng các dấu hiệu phân cách và khu vực chờ xe máy theo làn đường đã giảm thiểu tới 64% các vụ tai nạn, va chạm khi rẽ phải. Hay như Nhật Bản, biển báo và các hướng dẫn bằng giọng nói về hành vi an toàn đã cải thiện lên tới 85% trong số những người lái xe máy.

Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực để kéo giảm số vụ tai nạn và tử vong liên quan đến xe máy. Tại nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,… gần như 100% người tham gia giao thông đã đội mũ bảo hiểm. Từ năm 2021 đến nay, tình trạng lái xe quá tốc độ đã giảm dần nhờ những nỗ lực can thiệp liên tục tại Hà Nội.

Các chuyên gia cũng lưu ý đến cơ hội sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thực thi việc đội mũ bảo hiểm hay quản lý tốc độ,... Tuy nhiên, việc thực thi giới hạn tốc độ, các hệ thống chủ yếu thiết kế cho xe 4 bánh, đặt ra vấn đề làm sao phải thiết kế cho xe máy. Hầu hết các thành phố đã trang bị hệ thống camera giao thông để thu thập số liệu, hỗ trợ việc xử lý vi phạm, giảm thiểu tai nạn giao thông. Đây là tiềm năng dữ liệu cần được khai thác. Trong tương lai, cần kiểm soát về chất lượng mũ bảo hiểm, đội mũ đúng cách hay bổ sung đai an toàn cho trẻ em,...

Theo Báo Nhân dân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/an-toan-giao-thong/tim-giai-phap-toan-dien-bao-ve-nguoi-di-xe-may-VfGPIiGHg.html