Tìm hiểu lý do 'cha đẻ phim The Lion King' Disney không còn sản xuất hoạt hình 2D
Disney đã hoàn toàn chuyển mình sang thiên hướng làm hoạt hình 3D, chấm dứt một kỉ nguyên làm phim vẽ tay truyền thống kinh điển.
Đã 82 năm kể từ tựa phim 2D đầu tiên Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, thế nhưng trong những năm gần đây thì hãng hoạt hình hàng đầu thế giới Disney đã không còn mạnh tay sản xuất các sản phẩm 2D nữa. Thay vào đó, Disney đang ra sức định hướng các phim theo khuôn khổ hoạt hình 3D có sự can thiệp của máy tính và công nghệ, cũng như đầu tư sản xuất phiên bản live-action của nhiều tác phẩm kinh điển.
Snow White and the Seven Dwarfs - phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Disney.
Trong năm 2019, chỉ có duy nhất một tựa phim hoạt hình đến từ Disney là Frozen 2 (đó là tạm thời bỏ qua các phim thuần Pixar như Toy Story 4), nhưng phim cũng được thực hiện dưới dịnh dạng 3D. Bên cạnh đó là hàng loạt phim chuyển thể như Dumbo, Aladdin hay The Lion King với “người thật, việc thật”. Có thể thấy, nhà Chuột đã đi một chặng đường khá xa từ các phim hoạt hình truyền thống vẽ tay hay hoạt hình tĩnh, đến các bom tấn với kĩ xảo điện tử thời thượng nhất.
Frozen 2 hay The Lion King live-action chính là “tương lai” của Disney.
Thực chất, thời điểm chuyển giao từ 2D sang 3D lại diễn ra từ khá sớm, cụ thể là vào những năm 2000 khi các phim thuần 2D như The Princess and the Frog hay Winnie the Poohkhông còn gây tiếng vang như thời kỳ hoàng kim những năm 80, 90 nữa. Disney chính thức “đóng cửa” trào lưu 2D của mình vào năm 2013, đa phần là do sự phát triển chóng mặt của hoạt hình máy tính, điển hình là từ Pixar với một loạt các phim hoạt hình 3D đặc sắc, bắt đầu với Toy Story vào năm 1995. Sau khi Pixar được Disney mua lại vào năm 2006, thì nhà Chuột chính thức tham gia “đường đua” 3D thời đại.
Toy Story 1995 đã mang đến cuộc cách mạng làm phim 3D tại Hollywood.
Bấy giờ sau khi Pixar trở thành một phần của mình, Disney mới bắt đầu sản xuất các phim 3D của riêng mình như Bolt vào năm 2008, rồi nhanh chóng đạt đến đỉnh cao với những Tangled, Wreck-It Ralph và Frozen thành công ở mặt thương mại lẫn hàn lâm. Nhiều bom tấn 3D tiếp tục ra mắt dưới trướng Disney như Big Hero 6, Moana, Zootopia hay Ralph Breaks the Internet đều công phá phòng vé và là “khách quen” của các lễ trao giải danh giá.
Các phim 3D của Disney đều mạnh ở mảng doanh thu lẫn chất lượng chuyên môn.
Trong thập niên 2000, trào lưu làm phim bằng vi tính đã thay đổi Disney mãi mãi, nhất là về mặt doanh thu. Một ví dụ tiêu biểu là vào năm 2003, Finding Nemo của Pixar đã mang về 940 triệu USD - gấp 10 lần so với kinh phí bỏ ra, trong khi bộ phim truyền thống Home on the Range phát hành 1 năm sau đó chỉ thu về 103,9 triệu USD, không đủ để hoàn vốn.
Ngoài ra, bản thân Pixar vào thời điểm ấy chính là “đầu tàu” trong mảng hoạt hình tại Hollywood, khi vượt xa về mảng công nghệ, giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình làm phim hoạt họa truyền thống như tốn thời gian, công sức, nhân lực và thiếu sự linh hoạt. Hoạt hình vi tính đến nay vẫn là một công việc tầm cỡ đòi hỏi nhiều hơn một người để hoàn thành, nhưng ít nhất phương pháp này đã duy trì, đảm bảo được chất lượng đầu ra sản phẩm, có thể dễ dàng sửa lỗi hay tạo điều kiện cho nhà làm phim sáng tạo và khác biệt.
Quá trình sản xuất phim hoạt hình bằng vi tính tiết kiệm được nhiều khoản hơn vẽ tay truyền thống.
Điều đó không có nghĩa các phim 2D là không chất lượng, là không hay. Nhưng phần lớn ai ai cũng phải đồng ý rằng việc chuyển dời hoàn toàn sang phong cách làm phim hoạt hình 3D là phương án bắt buộc để Disney bắt kịp và vượt xa các hãng khác trên cuộc đua thương mại và danh tiếng. Quá trình sản xuất hoạt hình vi tính tiết kiệm lượng thời gian lớn có thể dùng để triển khai các kế hoạch quan trọng khác, như chiến dịch quảng bá hay các phiên bản DVD, Blu-ray sau này, và chắc chắn đây là điều không thể có được nếu cứ giữ thói quen vẽ tay truyền thống.
Nền điện ảnh nói chung đã chuyển giao qua nhiều giai đoạn khác nhau, và việc Disney tạm biệt phong cách vẽ tay để toàn tâm toàn ý sản xuất phim 3D chẳng có gì đáng chê trách. Đừng quên phim hoạt hình đã từng trải qua cuộc cách mạng từ phim trắng đen sang phim màu, và những sự thay đổi thế này đều là cần thiết.
Việc chuyển giao từ 2D hoàn toàn sang 3D là nước đi cần thiết cho sự phát triển của nhà Chuột.
Tuy nhiên, Disney vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, dù cho các dự án live-action hiện tại đều thu về con số tỉ đô, nhưng cho đến nay thì hãng vẫn chưa có cho mình bất kì tác phẩm 3D gốc nào có thể “đứng chung mâm” với The Lion King hay Beauty and the Beast. Bài toán công nghệ đã qua đồng nghĩa với việc chất lượng về nội dung cũng phải được đảm bảo, và một cú nổ lớn như The Lion King khi xưa chính là thứ Disney cần hiện tại để chứng minh rằng hướng đi hiện tại với dòng phim 3D là hoàn đúng đắn.
Disney vẫn còn nhiều thứ để chứng minh trong tương lai.