Tinh hoa ẩm thực Tây Bắc
Đa dạng, đặc trưng, ngon miệng… những món ăn bình dị hàng ngày của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc qua đôi bàn tay chế biến và trang trí khéo léo, sáng tạo của các nghệ nhân dân gian, đầu bếp đã trở thành món ăn đặc sản, mang hương vị đặc trưng riêng biệt vùng miền, làm say lòng thực khách gần xa.
Tham gia Liên hoan ẩm thực, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, triển lãm ảnh đẹp 8 tỉnh Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai. Dễ dàng nhận thấy, nét chung trong văn hóa ẩm thực Tây Bắc trước hết ở nguyên liệu. Các tỉnh đều sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên, sẵn có, hoặc sản phẩm do đồng bào các dân tộc sản xuất để tạo nên món ăn như: Thịt lợn đen gác bếp, bò khô, cá lòng hồ, gà xương đen, rượu men lá, bia Tam giác mạch, xôi ngũ sắc, thắng cố, mèn mén, khâu nhục, trám đen, cơm lam, rêu đá, các loại rau rừng. Gia vị chủ đạo được dùng để chế biến món ăn đặc trưng là Thảo quả, hạt tiêu rừng, gừng, rau thơm. Sự khác nhau nằm ở kỹ năng và phương pháp chế biến. Các món ăn đặc sản được chính các đầu bếp là các nghệ nhân dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh Tây Bắc chế biến, trang trí đẹp mắt, hấp dẫn, độc đáo.
Anh Hoàng Đức Sơn, đầu bếp chế biến món ăn tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi muốn khách du lịch đến Hà Giang không chỉ để trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên, mà còn nhớ đến mảnh đất này với những món ăn truyền thống ngon miệng, đậm đà bản sắc. Những món ăn rất bình dị của đồng bào như mèn mén, rêu đá, hoa chuối rừng, thắng cố, xôi ngũ sắc… sau khi được biến tấu với nhiều loại gia vị khác nhau đã trở thành món ăn mang đậm phong vị miền quê Cao nguyên đá khiến du khách rất thích thú. Qua đó cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Nghệ nhân chế biến món ăn tỉnh Hòa Bình, Bùi Văn Nam mang đến Liên hoan ẩm thực “mâm cỗ lá truyền thống” với món cá nổi tiếng của lòng hồ thủy điện sông Đà và các món ăn được chế biến từ thịt lợn đen, các loại rau rừng. Thông qua Liên hoan ẩm thực, Hòa Bình muốn mời gọi du khách gần xa đến với mảnh đất thân thương, mến khách để vừa thưởng ngoại cảnh đẹp thiên nhiên, vừa hòa mình vào văn hóa ẩm thực độc đáo.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Liên hoan ẩm thực lần này đã diễn ra Hội thi ẩm thực du lịch Tây Bắc năm 2020. Mỗi mâm cỗ các tỉnh mang đến tham gia hội thi đều là một bức tranh đầy màu sắc và hương vị độc đáo, hấp dẫn, “làm khó” cả Ban giám khảo là những siêu đầu bếp giỏi đến từ Hội đầu bếp Việt Nam và các nhà hàng nổi tiếng trong cả nước. Cũng là thắng cố, cũng là khâu nhục, rau rừng nhưng với cách làm, cách sử dụng gia vị khác nhau, mỗi món ăn từng địa phương lại mang đến hương vị riêng biệt. Anh Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam chia sẻ: “Hội thi là dịp để các tỉnh cùng liên hoan, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm và món ăn đặc sản địa phương, để làm cho đời sống ẩm thực hoàn thiện, phong phú hơn. Mâm cỗ ẩm thực của mỗi tỉnh là một loài hoa, tuy khác nhau nhưng đều đầy hương sắc. Sự khác biệt ở đây chỉ là những kỹ năng và phương pháp thể hiện. Điều đặc biệt quan trọng hơn, phía sau mỗi món ăn là chiều sâu văn hóa ẩm thực đặc sắc trong đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây. Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn, cử đầu bếp lên các địa phương để giúp các đầu bếp hoàn thiện hơn những món ăn con đẻ của dân tộc mình, để phục vụ du khách, phát triển du lịch”.
Những món ăn dân gian còn được thổi hồn bởi những câu chuyện cổ tích trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số như hấp dẫn, gọi mời du khách. Ví như sự tích về món rêu đá của Hà Giang. Chuyện kể rằng, xưa có đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm, không đến được với nhau. Họ quyết định đến bên một dòng thác trong mát, cao nhất của bản làng để chết cùng nhau. Nơi chàng trai nhảy xuống đã hóa thành những tảng đá, còn cô gái hóa thành những đám rêu bám chặt lấy đá trong lòng suối. Món rêu đá được người dân địa phương lấy từ lòng suối tinh khiết chảy ra từ rừng, mang về chế biến, trở thành món đặc sản riêng có của đồng bào các dân tộc Hà Giang, như để ca ngợi tình yêu thủy chung, son sắt, bất tử.
Tại liên hoan, có một gian hàng đặc biệt mang tên mì soba, một món ăn được chế biến từ hạt của loài cây cũng rất đặc biệt: Tam giác mạch. Ông Tomyuki Matsuo, Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu về hoa Tam giác mạch, khi đến Hà Giang tôi ấn tượng với hoa Tam giác mạch ở đây. Bột từ hạt Tam giác mạch thơm ngon, bổ dưỡng, được chế biến thành mì soba rất được người Nhật yêu chuộng và chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ ở thị trường Nhật Bản. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển sản phẩm này tại thị trường Việt Nam”. Đó là tín hiệu vui mở ra cơ hội cho người trồng Tam giác mạch Hà Giang trong liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định.
Công ty Fresh Sài Gòn giới thiệu một loại sản phẩm mới mang tên Kombucha được làm từ chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang. Theo ông Lê Bá Hải Siêu, sáng lập Công ty Fresh Sài Gòn: “Công ty đã chọn những búp chè Shan tuyết cổ thụ thượng hạng hàng trăm tuổi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh; pha trà bằng nước tinh khiết RO, nước ép táo và vi khuẩn Acetobacter Xylinium; lên men trong 20 – 25 ngày để làm gia tăng hàng triệu lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe và khử độc tố; lọc lấy nước Kombucha tinh khiết, đóng chai bằng dây chuyền hiện đại và cung cấp cho thị trường. Đây là loại nước uống giúp thải độc, tốt cho đường ruột, phù hợp xu hướng du lịch, ăn uống an toàn mà thế giới đang theo đuổi.
Tại liên hoan, hàng trăm sản phẩm đặc sản của các địa phương cũng đã được người dân và du khách thưởng thức, mua sắm. Thông qua liên hoan nhằm tôn vinh, giới thiệu đến đông đảo nhân dân và du khách về văn hóa ẩm thực truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Từ đó, góp phần quảng bá, phát triển ẩm thực, du lịch bền vững tại các địa phương.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202012/tinh-hoa-am-thuc-tay-bac-769009/