Tọa đàm về thực trạng và giải pháp tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập
Chiều nay (9/5), Sở Nội vụ phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Thực trạng và giải pháp tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh'.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đến hết năm 2017 (trước khi tổ chức lại hệ thống ĐVSNCL), số lượng ĐVSNCL thuộc UBND cấp tỉnh là 7; số ĐVSNCL cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là 119; số ĐVSNCL thuộc chi cục và tương đương thuộc sở là 12. Sau khi tổ chức lại các ĐVSNCL, hết năm 2022 số ĐVSNCL thuộc UBND cấp tỉnh còn 6 đơn vị, thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là 100; không còn ĐVSNCL thuộc chi cục và tương đương thuộc sở. Về số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh, năm 2017 có 7.222 biên chế, sau khi tổ chức lại đến năm 2022 còn 6.365 biên chế (giảm 857 người); số lượng viên chức lãnh đạo, quản lý trong các ĐVSNCL năm 2017 là 324 người, đến năm 2022 giảm còn 268 người.
Về ngân sách, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất của các ĐVSNCL sau tổ chức lại không giảm và có xu hướng tăng lên do tăng lương, tăng định mức chi thường xuyên theo biên chế… Kết quả hoạt động của các ĐVSNCL sau tổ chức lại, đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức lại các ĐVSNCL là hệ thống văn bản ở cấp Trung ương để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa kịp thời được ban hành làm chậm tiến độ sắp xếp tổ chức lại, nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương. Việc triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL gặp nhiều trở ngại; do điều kiện KT-XH khó khăn nên rất ít ĐVSNCL có thể tự đảm bảo nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm… Do đó, Sở Nội vụ đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương một số nội dung: Sớm ban hành hướng dẫn đầy đủ về các ĐVSNCL cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu để địa phương tổ chức thực hiện; xem xét lại việc sáp nhập các trường liên cấp; sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện…
Thảo luận tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung chia sẻ kết quả tổ chức lại ĐVSNCL, như việc chia tách, thành lập mới, chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên… Đồng thời cũng thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và sau khi tổ chức lại các ĐVSNCL; giải pháp để tiếp tục tổ chức lại các ĐVSNCL, đề xuất một số ý kiến.
Kết luận tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định: Chủ trương về tổ chức lại ĐVSNCL theo Nghị quyết số 19-NQ/TW là hoàn toàn đúng đắn. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực triển khai thực hiện tổ chức lại các ĐVSNCL và đạt kết quả tích cực. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc song kết quả trên đã thể hiện sự quyết tâm của tỉnh. Đồng thời tiếp thu các đề xuất, kiến nghị tại buổi tọa đàm để kịp thời tổng hợp, tham mưu giải quyết cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.