Tổng rà soát nhà máy nước sạch cả nước

Theo ông Châu Trần Vĩnh (ảnh), Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải là lời cảnh tỉnh về an ninh nguồn nước.

Nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm - Ảnh: PV

Nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm - Ảnh: PV

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vĩnh nói, để khai thác nước phục vụ sản xuất nước sạch, Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt sông Đà. Trong đó quy định rõ điều kiện công ty phải thực hiện để bảo đảm cung cấp nước ổn định, an toàn gồm xử lý nước bảo đảm chất lượng nước theo quy chuẩn. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực lấy nước trên sông Đà, kênh dẫn nước sông và trạm bơm nước trong kênh, hồ Đầm Bài và trạm bơm nước hồ Đầm Bài. Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Đà và hồ Đầm Bài. Thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ảnh hưởng xấu tới nguồn nước và môi trường, trường hợp xảy ra sự cố phải dừng ngay việc khai thác, báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương để có biện pháp xử lý.

Sau sự cố trên, cơ quan chức năng yêu cầu phía Công ty sông Đà phải có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn cấp nước, thưa ông?

Cơ quan chức năng yêu cầu nhà máy phải tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài theo quy định.

ông Châu Trần Vĩnh (ảnh), Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước

ông Châu Trần Vĩnh (ảnh), Phó cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước

Phía công ty phải có giải pháp đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà về nhà máy để xử lý, sản xuất, đảm bảo an toàn cấp nước. Trường hợp nước thô đầu vào có dấu hiệu bị ô nhiễm, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng.

Cơ quan quản lý triển khai biện pháp gì để đảm bảo an toàn cấp nước sinh hoạt trên toàn quốc?

Sự cố vừa qua là bài học cảnh tỉnh vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là tại các thành phố lớn. Qua đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác, xử lý nước thô thành nước sạch và phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân.

Cần xây dựng hệ thống theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường, cảnh báo, có các biện pháp ứng phó sự cố kịp thời. Cần phải rà soát toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước, đảm bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.

Xin cảm ơn ông.

Ba bộ và địa phương cùng quản lý

Theo ông Vĩnh, hiện nay, việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và UBND các cấp chỉ đạo. Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất đến các hộ dân thuộc Bộ Y tế.

Việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hoài (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-ra-soat-nha-may-nuoc-sach-ca-nuoc-1479095.tpo