TP Bắc Giang: Thúc đẩy kinh tế số, tạo động lực tăng trưởng

TP Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế số, trọng tâm là thương mại điện tử để thúc đẩy tăng hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Số hóa hoạt động mua bán

Hiện nay, trên địa bàn TP Bắc Giang có 5.163 doanh nghiệp (DN) và hơn 12 nghìn hộ kinh doanh. Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS), TP đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh tham gia chương trình, phát triển kinh tế số. Các tổ chức, cá nhân, DN đã quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Cùng đó khai thác hiệu quả các nền tảng số, tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số phát triển.

 Đoàn viên thanh niên phường Dĩnh Kế hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng số.

Đoàn viên thanh niên phường Dĩnh Kế hướng dẫn các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng số.

Cơ sở sản xuất bánh Tiến Lợi ở đường Thánh Thiên (TP Bắc Giang) là một trong những đơn vị tiên phong sử dụng các nền tảng số để kinh doanh. Cơ sở hiện cung cấp 37 mặt hàng gồm: Bánh trung thu, bánh nướng và một số loại bánh khác. Trong đó có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là: Bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh khảo.

Chị Lê Huyền Trang (SN 1992) chủ cơ sở cho biết: “Trước đây tôi cũng bán hàng giúp bố mẹ qua trang Facebook cá nhân nhưng hiệu quả chưa rõ rệt. Khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, ngoài thị trường truyền thống, tôi đã đầu tư phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số. Tôi đầu tư xây dựng trang page “Bánh trung thu Tiến Lợi” trên Facebook và thuê nhân viên phụ trách marketing, trực tư vấn cho khách hàng thường xuyên. Ngoài ra còn bán các sản phẩm trên Shopee, Tiktok shop”.

Dịp trung thu năm nay, cơ sở sản xuất bánh Tiến Lợi cung cấp ra thị trường khoảng 230 nghìn sản phẩm; trong đó các đơn hàng online chiếm 25%. Có thời điểm trong một tuần, cơ sở bán 100 đơn hàng qua mạng với 5 nghìn chiếc bánh trung thu các loại. Theo chị Trang, việc bán hàng trên các nền tảng số giúp cơ sở phát triển thêm thị trường tiêu thụ ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam, doanh thu cũng tăng đáng kể.

Công ty TNHH MTV Thiên An (phường Ngô Quyền) là một trong những DN tiêu biểu phát triển kinh tế số. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cố vấn công ty cho biết: “Năm 2022, Công ty đã ký hợp đồng với sàn thương mại điện tử Amazon và bảo hộ thương hiệu Thiên An tại thị trường Mỹ và được Chính phủ Mỹ cấp giấy chứng nhận FDA. Từ tháng 8/2023 đến nay, đã gửi hàng nghìn sản phẩm với 8 mã hàng nước hoa xe hơi treo xe và nước hoa xe hơi gắn cửa điều hòa thương hiệu SATOBON; trà Hương Thảo sang Mỹ để bán trên sàn Amazon.

 Sản phẩm của Công ty TNHH Thiên An bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Sản phẩm của Công ty TNHH Thiên An bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Ngoài ra công ty còn đưa 30 mã hàng bán trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, hỗ trợ mua, Tiktok shop”. Không chỉ đẩy mạnh việc kinh doanh trên nền tảng số, Công ty TNHH MTV Thiên An còn thường xuyên tư vấn, hỗ trợ các DN trong và ngoài TP tham gia CĐS, phát triển thương mại điện tử.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến trên địa bàn TP có nhiều bước phát triển, đem lại những giá trị, lợi ích cho DN, người tiêu dùng, góp phần phát triển KT-XH. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng 2024 ước đạt 44.045 tỷ đồng, tăng 16,7 % so với cùng kỳ. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt hơn 9%. Song song với việc tạo dựng nền tảng, hỗ trợ DN CĐS, nền tảng thanh toán trực tuyến cũng được TP Bắc Giang tích cực triển khai trên các lĩnh vực đời sống: Thanh toán tiền điện, nước; khám chữa bệnh, học phí...

Hiện nay, 100% DN, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP Bắc Giang áp dụng hóa đơn điện tử; các DN đã thực hiện nộp thuế điện tử. 100% sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

TP Bắc Giang hiện có 14 chợ với hơn 1,2 nghìn ki ốt, gần 1,4 nghìn điểm kinh doanh, 7 siêu thị, 7 trung tâm thương mại và hơn 500 cửa hàng tiện lợi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để kinh tế số thực sự đem lại những tiện ích thiết thực phục vụ đời sống người dân, thời gian qua, Thành Đoàn Bắc Giang đã phối hợp với các phường, xã đăng ký, mở tài khoản thanh toán điện tử cho hơn 10 nghìn công dân.

Xây dựng mô hình chợ dân sinh không dùng tiền mặt tại 9 chợ: Hà Vị, Kế, Hòa Yên, Quán Thành, Tiền Môn, Dĩnh Trì, Mía, Đa Mai, Song Mai và 11 tuyến phố văn minh không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Với mô hình này, các tiểu thương hay người kinh doanh nhỏ lẻ và khách hàng đều có thể mua bán, thanh toán qua mạng mà không cần dùng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt có quầy bán thịt lợn tại chợ Tiền Môn chia sẻ: “Hiện nay khách hàng chuyển tiền theo hình thức chuyển khoản rất nhiều. Để thuận lợi, tôi in mã QR dán vào bảng, khi khách có nhu cầu thì đưa cho họ quét mã thanh toán. Như vậy mình không mất công trả lại tiền, hạn chế nhầm lẫn mà lại dễ dàng theo dõi tiền hàng”. Theo thống kê tại Siêu thị Co.opmart Bắc Giang, Siêu thị GO! Bắc Giang, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng 20-30% so với những năm trước.

Ngày CĐS quốc gia 10/10 năm nay có chủ đề là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Hưởng ứng hoạt động này, vừa qua, TP Bắc Giang đã phát động Tháng tiêu dùng số năm 2024 (từ 1/10 đến 31/10). Cùng đó vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân mua sắm trực tuyến; sử dụng dịch vụ ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt. Các DN, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, TP Bắc Giang đã hỗ trợ 7 chủ thể đưa 36 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, UBND TP tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS, kinh tế số cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và người dân trên địa bàn. Tiếp tục giới thiệu, hỗ trợ tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Voso... Đẩy mạnh tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, cửa hàng, tuyến phố kinh doanh. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tp-bac-giang-thuc-day-kinh-te-so-tao-dong-luc-tang-truong-082131.bbg