TP.HCM 'khát' khai thác quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là đầu mối giao thông vận tải đơn thuần mà cần phát huy lợi thế sân bay để phát triển kinh tế - xã hội đa chiều.
Chiều 26-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo. Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT TP.HCM, đã thông tin về nhiều nội dung liên quan đến công tác quy hoạch trên địa bàn TP.
Sẽ xây dựng khu mua sắm, thương mại quanh sân bay
Về định hướng quy hoạch phát triển đô thị quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ông Thụ cho biết trong quy hoạch trước đây, TP đã đánh giá cao vai trò của sân bay TSN nhưng chỉ giới hạn ở đầu mối giao thông vận tải quốc tế, hỗ trợ sự phát triển của TP.
Tuy nhiên, lần này TP đã có cái nhìn đổi mới hơn, cập nhật xu thế mới. Trong đó, nhìn nhận sân bay TSN không chỉ là đầu mối giao thông vận tải đơn thuần, mà phát huy lợi thế sân bay để phát triển kinh tế - xã hội đa chiều, đặc biệt là phát triển các loại hình thương mại dịch vụ gắn liền với giao thông vận tải, khu vực logistics, đô thị thông minh, sáng tạo…
Ông Thụ thông tin Sở QH-KT đã họp với các quận, huyện về nội dung này, tổ chức các hội thảo khoa học khai thác tiềm năng sân bay, tạo một đề bài, đặt hàng cho đơn vị tư vấn quy hoạch để cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của TP.
Thông tin rõ hơn về quy hoạch phát triển sân bay trong thời gian tới, ông Thụ cho biết TP sẽ tăng cường kết nối giao thông, trong đó ưu tiên giao thông công cộng với các tuyến metro đi vào sân bay, tổ chức các tuyến xe buýt…
TP cũng nghiên cứu bổ sung cầu vượt cho xe cơ giới, bộ hành; giảm ùn tắc khu vực này; đồng thời nghiên cứu tổ chức lại phân luồng giao thông với các tuyến giao thông ưu tiên cho hành khách đi và đến sân bay.
Đáng chú ý, TP sẽ tổ chức các hoạt động dịch vụ sản phẩm thương mại dịch vụ, không gian thương mại, hình thành khu phố mua sắm và nhiều hình thức khác. Từ đó, khai thác tốt mọi điều kiện xung quanh sân bay, phủ kín thời gian hoạt động 24 giờ để hành khách thoải mái.
Chưa triển khai được bãi đậu xe ngầm
Về bãi đậu xe ngầm, ông Thụ cho biết TP có kế hoạch thu hút đầu tư bãi xe công cộng, khai thác không gian ngầm bên dưới các công viên, quảng trường công cộng đáp ứng yêu cầu giao thông tĩnh như đậu xe ở khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của các sở GTVT, QH-KT, Xây dựng và nhiều đề xuất của đơn vị nghiên cứu đầu tư thì đến nay TP vẫn chưa có công trình lớn nào được triển khai.
“Đây không chỉ là bức xúc của người dân mà còn là trăn trở lớn của lãnh đạo TP và các cơ quan chuyên môn” - ông Thụ chia sẻ và nhìn nhận việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới công viên còn gặp nhiều khó khăn, đến từ cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Hơn 10 năm trước, TP.HCM quy hoạch bốn bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư nhưng chưa có dự án nào thành hiện thực.
Theo ông Thụ, ở góc độ kinh tế và đầu tư, các đề xuất của doanh nghiệp chưa chứng minh được tính khả thi khi xây dựng các công trình này, mà việc xây dựng công trình ngầm, đặc biệt là ngầm dưới các công viên phải bảo đảm bảo vệ công viên với chất lượng tốt nhất; tức phải ngầm thật sâu, dưới các rễ cây, hệ thống nước ngầm, do đó chi phí sẽ đội lên cao.
Như các công trình dịch vụ, chủ đầu tư phải lấy lợi nhuận của các công trình bên trên để bù đắp chi phí cho các công trình bên dưới. Còn nếu công trình chỉ làm bãi đậu xe không thì nhà đầu tư chưa tìm thấy phương án khả thi.
Hiện chủ yếu các công trình ngầm ở TP được tích hợp trong công trình thương mại dịch vụ cao tầng mới có lối ra tốt hơn.
Sớm hoàn thành trung tâm triển lãm quy hoạch vào năm 2023
Tại buổi họp báo, ông Thụ thông tin về trung tâm triển lãm quy hoạch đặt tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Thụ cho biết từ năm 2000, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng một trung tâm triển lãm tại Công viên 23-9 nhưng sau đó mặt bằng nơi này được giao cho cơ quan khác sử dụng với mục đích cấp bách.
Sau đó, UBND TP đã giao cho Sở QH-KT một khu đất có vị trí rất thuận lợi tại khu đô thị mới Thủ Thiêm để xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.
Ông Thụ cho biết UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư với quy mô gần 800 tỉ đồng. Sở QH-KT đã tổ chức cuộc thi thiết kế, lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc cho công trình và đơn vị thắng giải là một công ty kiến trúc của Pháp.
Hiện công trình mới khởi động trở lại sau thời gian dịch bệnh. “Vừa qua, phó chủ tịch UBND TP đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt, thúc đẩy công trình sớm hoàn tất vào năm sau (năm 2023 - PV)” - ông Thụ nói.
Cũng theo ông Thụ, động thái gần đây nhất là TP.HCM đã quyết định bàn giao nhiệm vụ quản lý dự án, chủ đầu tư dự án cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp có đội ngũ nhân sự mạnh và kinh nghiệm của TP.
Tới đây, chủ đầu tư mới sẽ phải làm lại, hoàn tất báo cáo giám sát đầu tư, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất thời gian, tiến độ và giải pháp hoàn thành dự án.
“Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của UBND TP để tháo gỡ cho công trình, sớm tái khởi động và hoàn thành sớm nhất có thể phục vụ người dân” - ông Thụ nói.
Ông Thụ cho biết thêm mục tiêu của Trung tâm triển lãm quy hoạch TP không chỉ đơn thuần công bố quy hoạch mà còn giới thiệu các dự án tiềm năng của TP ở nhiều lĩnh vực khác nhau, là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời là địa chỉ tổ chức các sự kiện khoa học, thương mại, dịch vụ cho quá trình phát triển của TP.
Hiện TP.HCM có chủ trương công khai, minh bạch tất cả đồ án quy hoạch, dự án đầu tư cho người dân và doanh nghiệp trong và ngoài nước theo dõi. TP cũng đã nỗ lực qua nhiều thời kỳ để thực hiện công khai quy hoạch.
Sở QH-KT cũng có website, app thông tin quy hoạch để công khai tất cả đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 và 1/5.000 đến người dân sử dụng thuận tiện và cập nhật thường xuyên khi có thay đổi.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-khat-khai-thac-quanh-khu-vuc-san-bay-tan-son-nhat-post681887.html