Trai làng khó tìm vợ do mất cân bằng giới tính

Bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính thai nhi... là những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính. Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa là tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới nằm trong top đầu của cả nước (115 bé trai/100 bé gái). Tình trạng thừa nam, thiếu nữ khiến trai làng trong độ tuổi kết hôn khó tìm được vợ.

Lãnh đạo Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cung cấp kiến thức kỹ năng truyền thông tư vấn mất an toàn giới tính khi sinh cho người làm công tác dân số.

Hệ lụy từ mất cân bằng giới

Có con trai đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa lấy được vợ, bà Nguyễn Thị Tịnh ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) như ngồi trên đống lửa, đi đến đâu, gặp ai bà cũng than vãn, nhờ mai mối. Cùng chung cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Lộc, ở xã Hoàng Giang (Nông Cống). Chồng mất sớm, một mình bươn chải nuôi 3 người con trai ăn học với mong muốn sau này chúng có việc làm, lấy vợ, sinh con, làm chỗ dựa cho bà lúc tuổi già. Hiện, con trai đầu 32 tuổi và con trai thứ hai 30 tuổi đều chưa lấy vợ; cậu con trai út mới cưới đầu năm 2020, nhưng cô con dâu út của bà đã qua một đời chồng và có 1 con riêng 5 tuổi.

Cùng chung tình trạng trên, nhiều trai làng trong độ tuổi kết hôn ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ế vợ. Ví như ở xã Định Tân (Yên Định). Theo thống kê, toàn xã có 1.400 hộ/4.600 khẩu, tỷ số nam, nữ là 110 nam/100 nữ. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Chị Trần Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Định Tân cho biết: Thực trạng nhiều trai làng tại địa phương khó tìm vợ, thậm chí ế vợ đã diễn ra. Ngược lại, có những chị em tuy đã lấy chồng, sinh nở 2 – 3 lần nhưng vẫn ly hôn để tìm bến đỗ khác. Có chị vừa xấu lại “không bình thường”, nếu như ở vào thời điểm 2 - 3 năm trở về trước thuộc dạng “ế toàn tập” thì nay không những lấy được chồng mà còn lấy anh chồng đẹp trai, nhà con một, điều kiện kinh tế cơ bản. Ví như trường hợp chị Trần Thị T. nhà thuộc hộ nghèo, có mẹ và em không được nhanh nhẹn, hoạt bát như người bình thường nhưng vẫn lấy được chồng trai tân. Ở thôn Mỹ Quang cũng có 2 trường hợp phụ nữ đã ly dị chồng và đều đi lấy chồng lần 2. Tại thôn Mỹ Hòa có 1 trường hợp lấy chồng, có 3 mặt con nhưng vẫn ly hôn để lấy trai tân...

Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn không thuyên giảm thì số nam giới có nguy cơ không tìm được vợ sẽ ngày càng tăng và nhiều phụ nữ có thể sẽ phải kết hôn sớm. Tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính còn dẫn đến sự méo mó về tâm lý, về tình dục, sinh ra nhu cầu mua, bán dâm, bạo hành giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em; phụ nữ cũng dễ ngoại tình, phá vỡ hạnh phúc gia đình nhà người khác...

Đâu là nguyên nhân

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa nam, thiếu nữ, nhưng nguyên sâu xa nhất vẫn là do bất bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ bị xem nhẹ (trọng nam, khinh nữ); do ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến và nho giáo đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ, người phụ nữ thường phải chịu nhiều thiệt thòi. Phụ nữ lấy chồng phải phụ thuộc vào chồng, phục vụ, chăm lo cho chồng, con, cho gia đình nhà chồng. Cũng vì trọng nam, khinh nữ nên khi người phụ nữ mà không sinh cho nhà chồng nổi một mụn con trai sẽ bị áp lực lớn từ phía nhà chồng, bị coi là vô dụng, nhiều phụ nữ còn bị ngược đãi, bạo hành, thậm chí đuổi khỏi nhà... Mặt khác, vào thời xuân sắc, sung sức nhất thì người phụ nữ có gia đình lại vướng vào sinh đẻ, nuôi con nhỏ, ban đêm thức vì con, ban ngày lại lo đủ thứ việc không tên nhà chồng. Bận rộn là thế, vất vả là thế nhưng bố mẹ chồng và chồng lại không chia sẻ.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến mất cân bằng giới tính, thừa nam thiếu nữ hiện nay do khoa học tiên tiến, người dân có thể lựa chọn giới tính thai nhi để sinh con theo ý muốn, sẵn sàng ruồng bỏ bé gái, nạo hút thai vì lý do giới tính. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ số, các cặp vợ chồng trẻ rất dễ để tìm hiểu, tham khảo qua mạng internet, sách báo, văn hóa phẩm có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, từ đó áp dụng “quy trình” để sinh con trai mà không cần phải tốn nhiều tiền của...

Cũng do những nguyên nhân trên mà phụ nữ hiện đại sợ kết hôn, không dám lấy chồng, có trào lưu sống độc thân (FA), nuôi con đơn thân, kết hôn muộn, kết hôn mà không sinh con. Và họ cũng sẵn sàng ly thân, ly hôn, kể cả khi đã sinh con nếu bị ngược đãi, không được coi trọng. Trên thực tế đã có nhiều trai tân lấy vợ đã qua một đời chồng, lấy vợ hơn tuổi, lấy vợ không “cân xứng” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người phụ nữ thời hiện đại không cam chịu, không vì con, vì sĩ diện hão mà níu kéo hôn nhân, chôn vùi tuổi xuân của mình. Trường hợp chị Nguyễn Kim A. ở phố Cao Thắng, TP Thanh Hóa là một minh chứng. Sinh ra là con một, nhà mặt phố, có học thức. Khi chưa lấy chồng, chị A. được bố mẹ đẻ cưng chiều, mọi việc trong nhà có người giúp việc làm hết, chị chỉ biết đến học và học. Đến tuổi xây dựng gia đình, qua sự mai mối của đồng nghiệp cùng cơ quan, chị A. yêu và lấy anh Nguyễn Ngọc N. Về nhà chồng, việc nữ công gia chánh không thạo, chồng thì ham chơi, tối ngày đàn đúm, thường xuyên về nhà lúc đêm khuya. Vợ mà lên tiếng, anh sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Không cam chịu, chị A. đã đơn phương đệ đơn ra tòa ly dị. Khi hỏi về chuyện đi bước nữa, chị A. cho biết: Hiện tại cũng có một vài người đến đặt vấn đề tìm hiểu, tiến tới hôn nhân nhưng em chưa nhận lời bởi cuộc sống độc thân đang mang lại niềm vui cho em rồi. Còn với anh N. kể từ khi ly hôn vợ đến nay vẫn chưa tìm được hạnh phúc mới.

Những giải pháp hữu hiệu

Thực trạng con trai khó lấy vợ, ế vợ tuy đang xảy ra chậm nhưng nếu cứ tích lũy, tịnh tiến dần thì chuyện thừa nam thiếu nữ sẽ đẩy lên rất nhanh, không chỉ trai nông thôn khó lấy vợ mà ngay cả ở thành thị, những gia đình có điều kiện, có thu nhập, người con trai cho dù có “tròn trịa” cũng có nguy cơ ế. Theo ông Tuấn, nếu không hành động ngay, thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ thiếu con gái trầm trọng, con trai càng khó lấy vợ. Khi đã hiếm con gái thì trai làng này sẽ giữ, bảo vệ không cho trai làng khác đến tán gái làng mình. Và khi đã thiếu hụt con gái sẽ sinh ra nhiều hệ lụy như đã nêu trên...

Để cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, điều chỉnh mức sinh, khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các đối tượng là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Làm tốt công tác phối hợp giữa các ban, ngành với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hội nghị lồng ghép, các hội thảo, hội thi tuyên truyền về giới, về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi, việc mất cân bằng giới khi sinh. Cùng với thực hiện các giải pháp trên, tỉnh cũng cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng và có các giải pháp an sinh xã hội cho người già, nông dân. Các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các CLB phụ nữ sinh 2 con một bề là gái và không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các huyện; có biện pháp xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm; khen thưởng biểu dương những gia đình, địa phương thực hiện tốt chính sách dân số... Có như vậy, đến năm 2025 tỉnh ta mới duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 110 nam/100 nữ.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/trai-lang-kho-tim-vo-do-mat-can-bang-gioi-tinh/124228.htm