Trao thưởng tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội

Chiều 31-10, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (36 Xuân Thủy, Hà Nội), Ban tổ chức Chương trình truyền thông 'Những cống hiến thầm lặng' năm 2024, gồm: Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã trao thưởng 'Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số'.

Chương trình nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện dành cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền của Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”. Trước đó, tháng 4-2024, 60 sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đào tạo kỹ năng lựa chọn đề tài an sinh xã hội, kỹ năng dựng tác phẩm Podcast. Với những kiến thức, kỹ năng được trang bị tại lớp tập huấn, các sinh viên của Học viện đã tích cực gửi tác phẩm tham dự bình chọn “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số”. Chỉ trong 2 tháng (từ ngày 15-8 đến ngày 15-10-2024), đã có 26 tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả được tập huấn gửi tham dự cuộc bình chọn.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 phát biểu. Ảnh: Khánh Duy

Phát biểu tại chương trình trao thưởng, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 cho biết: Ban bình chọn, gồm đại diện Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024, đại diện Học viện Báo chí và Truyền truyền, các chuyên gia đánh giá cao tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, trong đó có những tác phẩm được thể hiện rất sống động, hiện đại, nội dung chất lượng và có góc nhìn sâu sắc về các vấn đề an sinh xã hội của cuộc sống. 100% tác phẩm của các em bám sát chủ đề.

Một số tác phẩm được đầu tư công phu, thể hiện ở việc chia tác phẩm thành nhiều kỳ, dành thời gian phỏng vấn chuyên gia, người lao động tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…).

Nhiều tác phẩm tham gia cuộc bình chọn đã phản ánh được thực tế sinh động về đời sống, an sinh xã hội của nữ công nhân lao động, lao động phi chính thức, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và về sự tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của họ.

Đặc biệt, có những tác phẩm đi sâu vào số phận của người yếu thế, nêu lên nhiều giải pháp do các chuyên gia hiến kế nhằm cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số…

Trao thưởng các tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội. Ảnh: Khánh Duy.

Trao thưởng các tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội. Ảnh: Khánh Duy.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả của 7 tác phẩm, gồm: 1 tác phẩm nhận giải Nhất (10 triệu đồng/giải), thuộc về tác phẩm “Cánh cửa việc làm dành cho người khiếm thính” (nhóm tác giả Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Mai Loan, Nguyễn Hồng Như Ngọc). 1 tác phẩm nhận giải Nhì (7 triệu đồng/giải), thuộc về tác phẩm “Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong nền kinh tế số: An sinh đổi mới cho lao động phi chính thức" (tác giả Dương Thị Bảo Ngọc). Có 2 tác phẩm nhận giải Ba (4 triệu đồng/giải), thuộc về tác phẩm “Phản ánh những bất cập trong việc lao động nữ ở khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội” (nhóm tác giả Trần Thị Phương, Đặng Minh Thảo, Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Nga Phương, Đoàn Đào Vân Anh); và tác phẩm “Truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số: 1 sổ + 1 sổ” (tác giả Trần Trà My).

Có 3 tác phẩm được trao giải Triển vọng (2 triệu đồng/giải), gồm: Tác phẩm Bài dự thi “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số” (tác giả Lê Linh Phương, Phạm Hồng Vân, Phạm Trường Minh Vũ, Đỗ Hoàng Phương Linh); tác phẩm “Bảo hiểm xã hội tự nguyện - Khóa an toàn cho lao động phi chính thức ở nông thôn” (nhóm tác giả Bùi Ngọc Khuê, Nguyễn Mai Chi, Phan Thị Thủy Tiên); tác phẩm “Câu chuyện làm đêm của người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” (tác giả Phạm Thị Mai Chi).

Đại diện Ban tổ chức, các chuyên gia và sinh viên chia sẻ tại talkshow trong chương trình. Ảnh: Khánh Duy.

Đại diện Ban tổ chức, các chuyên gia và sinh viên chia sẻ tại talkshow trong chương trình. Ảnh: Khánh Duy.

Cùng với hoạt động trao thưởng, chương trình còn thu hút đông đảo sinh viên, chuyên gia tham gia talkshow “Truyền thông số - Khó khăn và thách thức cho các tác giả không chuyên”, chia sẻ nhiều câu chuyện, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn liên quan việc thực hiện truyền thông số.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi đánh giá, các hoạt động nhiều ý nghĩa này đã thiết thực mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong hỗ trợ đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho các nhà báo trẻ tương lai./.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trao-thuong-tac-pham-truyen-thong-so-gop-phan-cai-thien-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-683115.html