Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

Chỉ gần chục ngày qua, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện và lan ra 5 bản của xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, làm 37 con bò của 28 hộ dân bị nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, Sơn La là tỉnh thứ 7 trên cả nước phát hiện dịch bệnh. Đây là bệnh mới ở gia súc, nguy cơ lây nhiễm cao, diễn biến nhanh, chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch đang được các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương triển khai.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bò nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm bò nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).

Ảnh: Sa Vy (CTV)

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Bệnh không lây sang người và virus này có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền qua nhiều nguồn, như: Tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, phối giống… Đặc biệt, bệnh còn lây truyền qua côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve), nên rất khó kiểm soát, dịch có thể lây lan rất nhanh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả; trâu, bò mắc bệnh sẽ hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, có thể bị vô sinh vĩnh viễn, sảy thai, giảm lượng sữa...

Vân Hồ là địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ngày 30/11, ngay sau khi nắm được thông tin tình hình dịch bệnh xảy ra tại xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra xuống cơ sở chỉ đạo cán bộ thú y bám sát địa bàn, chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp bò mắc bệnh, từ đó kịp thời khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng. Hiện, huyện đã lập 4 chốt kiểm dịch động vật ở các đường nhánh vào xã để kiểm soát việc vận chuyển gia súc; cấp phát 200 kg vôi bột, 100 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng những khu vực có bò bị mắc bệnh.

Để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế lây lan ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, ngày 29/11/2020, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách khống chế bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Ngày 30/11, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 3759 yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát lại các chương trình dự án hỗ trợ cung cấp con giống cho người dân; tạm dừng việc vận chuyển, cung cấp trâu, bò giống của các chương trình dự án hỗ trợ cho người dân cho đến khi có chỉ đạo mới. Chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển, động vật không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 480.000 con trâu, bò; trong đó, có 27.000 con bò sữa. Biện pháp trước mắt, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại những nơi nghi có bệnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT xin hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng để kịp thời tiêm phòng cho đàn đại gia súc của các huyện Vân Hồ, Mộc Châu. Khoanh vùng có dịch, lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện dịch bệnh.

Bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục tại bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa.

Bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục tại bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa.

Ảnh: Sa Vy (CTV)

Chủ động phòng, chống dịch bệnh là giải pháp tối ưu nhất khi tỉnh ta chưa có vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương, công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục cần được đẩy mạnh, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống để người dân được biết và chủ động thực hiện. Để bảo vệ đàn trâu, bò, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi, hoặc có thể mắc màn bảo vệ đàn bò sữa. Không thả rông trâu, bò tại vùng có dịch; khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, người chăn nuôi không giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh, không tự ý giết mổ gia súc mà phải báo cáo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch và hướng dẫn các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành thú y thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển giết mổ, tiêu thụ gia súc trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn người dân thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, che chắn chuồng trại, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển ổn định để cung cấp đủ nguồn thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trien-khai-quyet-liet-cac-bien-phap-phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo-35703