Triển lãm cổ vật 'Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố'

Từ ngày 8 đến 30/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội phối hợp Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố", giới thiệu bộ sưu tập hơn 500 cổ vật của các hội viên, các nhà sưu tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trưng bày cổ vật chuyên đề "Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố" được thể hiện qua bốn loại hình hiện vật:

Đồ đồng Đông Sơn: Niên đại từ thế kỷ V trước công nguyên đến đầu thế kỷ I-III sau công nguyên, bao gồm các loại hiện vật như: Trống, thạp, dao, rìu, tượng người, tượng con vật… Những hiện vật này được phát hiện và sưu tầm chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ven các dòng sông: Sông Hồng tại Hà Nội, sông Mã tại Thanh Hóa, sông Cả tại Nghệ An…

Nhóm hiện vật đồ gốm có niên đại từ thế kỷ XI đến XVII, bao gồm các loại thạp, chum, con giống, ấm, bình vôi, bát, đĩa… Những hiện vật này được phát hiện và sưu tầm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam như: Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An…

Đồ sứ ký kiểu của vua chúa Việt Nam thế kỷ XVIII đến XIX đặt hàng tại Trung Hoa và đồ sứ Trung Hoa thế kỷ XVIII-XIX: Đồ sứ ký kiểu gồm ấm, chén, đĩa, bát, nậm rượu… Đồ sứ Trung Hoa gồm chum, chóe, chậu hoa, ống bút… được sưu tầm tại các thành phố lớn, chủ yếu ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm hiện vật chất liệu gỗ sơn son thếp vàng và đồ thờ cúng gồm sập thờ, khám, hoành phi, câu đối và tượng… Những hiện vật này có niên đại từ thế kỷ XVII đến XIX, được sưu tầm tại các tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định…

Triển lãm là dịp để công chúng, các nhà nghiên cứu, giới sưu tầm cổ vật chiêm ngưỡng, tìm hiểu và có cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa, nghệ thuật và tính đa dạng trong cách thức thể hiện thông qua họa tiết, hoa văn của các hiện vật được trưng bày.

Nhiều hoạt động văn hóa tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm

Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức khai mạc hoạt động các loại hình văn hóa Chăm tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm và tiếp nhận hiện vật, cổ vật năm 2024.

Tại đây, du khách và nhân dân địa phương đã tham gia hoạt động văn hóa của đồng bào Chăm như: làm bánh gừng, nặn gốm, hội thi nghệ thuật làm gốm, thi viết chữ Chăm…

Đặc biệt, dịp này Trung tâm mở cửa không gian trưng bày chuyên đề “Dấu ấn gốm Chăm” phục vụ công chúng thưởng lãm dịp Lễ hội Katê và kéo dài đến hết năm 2024.

Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm cũng đã tiếp nhận hơn 30 hiện vật văn hóa Chăm do các tổ chức và cá nhân hiến tặng, nâng tổng số hiện vật gốc của Trung tâm lên hơn 1.500 hiện vật.

Theo nhandan.vn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/trien-lam-co-vatvan-minh-song-hong-den-ha-noi-pho-9a8356f/